Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổ chức Ngày Tem Việt Nam phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tránh hình thức; đồng thời, giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức trong quản lý, nghiên cứu, sáng tác, in ấn, phát hành, sử dụng tem bưu chính Việt Nam.

Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tem bưu chính; thúc đẩy phong trào sưu tập tem trong các tầng lớp xã hội, góp phần tuyền truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; biểu dương, khen thưởng bằng các hình thức phù hợp đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng, phát triển tem bưu chính Việt Nam.

27/8 được chọn là ngày Tem Việt Nam

Được biết, ngày 27/8/1946, nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh 2/9, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 172/SL cho phép Bưu điện Việt Nam phát hành một bộ tem bưu chính gồm 5 mẫu tem kích thước 26 x 41 mm, thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế.

Trên các mẫu tem có in tiêu đề “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Bộ tem này được in tại nhà in Việt Nam ấn thư cục và được phát hành vào ngày 2/9/1946.

Đây là bộ tem đầu tiên do Bưu điện Việt Nam thiết kế, in ấn và phát hành, mở đầu cho nền tem Bưu chính Cách mạng Việt Nam.

“Ngày Tem Việt Nam” nhằm mục đích tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị đóng góp của tem Bưu chính Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển của Bưu chính Việt Nam nói riêng và của đất nước nói chung; đồng thời góp phần đẩy mạnh phong trào sưu tập và chơi tem trên toàn quốc.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam