3 điều chàng trai học được từ 19 năm lớn lên trong sự giàu có

Mika Yeap sinh ra trong một gia đình giàu có ở Malaysia, hiện là biên tập viên cho một công ty truyền thông của Đức. Mới đây, chàng trai 19 tuổi chia sẻ ba điều anh học được khi sống trong nhung lụa.

Mika Yeap, 19 tuổi.

Tiền có thể mua được hạnh phúc

Tôi rất ghét thời tiết nóng bức. Tôi thích nhiệt độ quanh năm dao động từ khoảng -20 đến 10 độ C. Nếu phải sống ở thời tiết nóng quá lâu, tôi sẽ khó tập trung, làm việc kém và không thể hưởng thụ cuộc sống.

Lần đầu tiên tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc là khi trải qua mùa đông Canada. Tôi học đại học tại Edmonton, Alberta và dù chỉ ở đó 9 tháng, tôi vẫn kịp trải nghiệm sự chuyển giao thời tiết từ 20 độ C xuống -40 độ C. Trong vài tháng đầu, nhiệt độ dưới -10 độ C, tôi nghĩ mình sẽ chết mỗi khi ra ngoài. Nhưng sau đó, tôi có thể chạy bộ lúc 6h sáng dưới trời -25 độ C mà chỉ khoác một chiếc áo mỏng.

Sự thoải mái trong thời tiết này khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, bình tĩnh hơn. Điều đó hình thành nên những mối quan hệ có giá trị nhất mà tôi từng biết.

Nhưng vấn đề là tôi sẽ không thể đến Canada trải nghiệm những điều tuyệt vời nếu không có tiền. Du học thực sự rất tốn kém. Du học ở Bắc Mỹ trong khi đồng tiền lại có giá trị thấp như đồng ringgit của Malaysia có lẽ là cơ hội chỉ dành cho 2% dân số.

Canada chỉ là một trong vô số ví dụ mua sắm tạo nên hạnh phúc của tôi. Chiếc máy tính Mac xa xỉ đã giúp tôi tiếp cận với ngành marketing. Đi học ở trường tư thúc đẩy tôi đầu tư vào việc viết lách, nhờ đó kiếm được công việc biên tập ở một công ty truyền thông của Đức.

Bài học của câu chuyện này là: Tiền có thể mua được hạnh phúc nếu bạn biết mình đang làm gì. Bất kì ai nói điều ngược lại chỉ là họ chưa đủ tiền mà thôi.

Tiền có thể mua được hạnh phúc nếu bạn biết mình đang làm gì (Ảnh minh họa)

Mọi người đều có cùng một vấn đề

Nhưng người giàu thường gặp những vấn đề xấu hơn.

Thực tế của vấn đề là: Tiền khiến phần lớn mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, điều này khuyến khích con người hưởng thụ thay vì nỗ lực, dần dà tạo ra những vấn đề bên trong rất khó giải quyết. Nói cách khác, bạn hư hỏng khi giàu có. Được nuông chiều là con đường dẫn đến thất bại ngoài đời thực.

Bố tôi nằm trong top  1% giàu có nhất thế giới. Nhưng khi tôi so sánh cuộc sống của ông với những người bạn 20 tuổi của mình đang vật lộn với những công việc được trả lương và không biết làm gì với cuộc sống của họ, ông lại chẳng hạnh phúc bằng.

Sự giàu có là nguồn gốc của nhiều vấn đề, trước tiên vì trách nhiệm đi liền với nó. Người giàu dành nhiều thời gian để nghĩ về tiền hơn người bình thường, đó là lý do vì sao họ giàu. Tuy nhiên, nếu không thể phân định rõ ràng tiền bạc với những mối quan tâm khác, suy nghĩ về tiền bạc có thể hủy hoại cuộc đời bạn.

Vấn đề ở chỗ mọi người thường muốn kiếm tiền nhiều hơn nữa vì không rõ hậu quả của sự giàu có. Ai cũng biết không đủ tiền mua thực phẩm là điều tồi tệ, nhưng chẳng mấy ai nghĩ rằng mắc kẹt trong cuộc rượt đuổi bất tận để kiếm tiền và phải sống cuộc đời mình ghét mới thực sự bất hạnh. Chúng ta thường nhận thức sai lệch về sự giàu có mà không nhận ra “những vùng nước âm u trong ao” đó.

Tôi học được rằng tất cả mọi người đều có vấn đề và cách tiếp cận thế giới của bạn mới là điều quan trọng nhất. Bạn có thể đối phó với sự thất vọng không? Bạn quản lý thời gian như thế nào? Cái gì là giá trị cốt lõi của bạn và bạn làm thế nào để duy trì chúng? Tất cả những điều này quan trọng hơn tiền bạc và sự giàu có.

Thay đổi bản thân còn khó hơn việc làm giàu.

Các mối quan hệ giá trị hơn vật chất

Bạn không cần phải có cơ hội, bạn chỉ cần biết người đem tới cơ hội cho bạn.

Lớn lên xung quanh những người có tầm ảnh hưởng và biết cách sử dụng nó là một trong những kinh nghiệm quý giá nhất tôi từng có. Điều đó dạy tôi trở nên tháo vát, không chỉ vật chất mà còn cả trong các mối quan hệ.

Ví dụ, lý do chính giúp tôi có được vị trí biên tập viên cho công ty truyền thông Đức trong khi không có kinh nghiệm làm việc hay bằng đại học là mối quan hệ với vài người trong công ty. Tôi biết trình độ của tôi lúc đó không đưa tôi đến bất cứ nơi nào. Nói cách khác, tôi được nhận vì là một người bạn chứ không hẳn vì tôi có trình độ.  Tất nhiên, tôi đã trang bị tốt kiến thức, chuẩn bị kỹ càng và chứng tỏ bản thân khi được nhận.

Bạn không cần phải giàu có để tận dụng chiến thuật này. Bất kể ở đâu, bạn cũng có thể xây dựng các mối quan hệ ở mọi lúc mọi nơi.

Bên cạnh đó, sự đa dạng là tài sản lớn nhất của người giàu.

Khi còn nhỏ, tôi cùng chị gái đi du lịch đến Australia và New Zealand mỗi năm một lần. Bước chân vào những môi trường văn hóa khác biệt giúp chúng tôi trở nên cẩn thận, tỉnh táo và tò mò. Vì sao điều này lại quan trọng? Đó là bởi cuối cùng, sự thông thái mới giúp bạn giàu có lâu dài.

Duy trì sự giàu có thực sự khá khó khăn. Bạn cần có khuôn khổ nhận ra giá trị duy nhất trong cuộc sống của bạn, ý thức được giá trị của tiền bạc để vừa làm tăng tài sản trong khi bạn vẫn sống hạnh phúc. Tư duy giàu có bền vững chỉ đến từ sự thông thái do tích lũy kiến thức mà thành.

Bài học lớn nhất tôi có được sau 19 năm sống trong sự giàu có là gì? Không nên đặt tiền bạc lên trên mọi thứ. Ngoài kia còn nhiều vấn đề khác và tiền bạc không nằm trong số đó.

Theo Gia đình Việt Nam