Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu chè đạt 36 nghìn tấn, trị giá 62,6 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè trong tháng 4/2019 đạt 1.699,8 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 1.737,1 USD/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 4 tháng đầu năm 2019 mặt hàng chè xuất khẩu sang thị trường Pakistan tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu chè sang thị trường này tăng thêm 10,2% so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường Pakistan đạt 1.961,9 USD/tấn, giảm 9,1% so với 4 tháng đầu năm 2018.

4 thang dau nam xuat khau che mang ve hon 60 trieu usd
4 tháng đầu năm xuất khẩu chè mang về hơn 60 triệu USD

Theo sau là thị trường Đài Loan đạt 10,6 nghìn tấn, trị giá 20,9 triệu USD, tăng 10% về lượng và 14,4% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường Đài Loan đạt 1.515,3 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, mặc dù lượng chè xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2019, nhưng giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường này tăng rất mạnh. Theo đó, trị giá xuất khẩu chè sang Trung Quốc đạt 7 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá chè xuất khẩu bình quân của cả nước năm 2018 tăng 4,9% so với năm 2017 và trong quý 1/2019 (đạt 1.727 USD/tấn) tăng 11% so với quý 1/2018. Đây là thành quả của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình nỗ lực cơ cấu lại sản phẩm chè xuất khẩu, chú trọng vào các sản phẩm chè đặc sản và sản phẩm mới.

Đặc biệt, Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) đã tung ra 10 sản phẩm xuất khẩu trong năm 2018, chia thành 3 dòng: trà cao cấp, trà sợi rời và trà túi lọc. Trong đó, dòng trà cao cấp gồm 4 loại chính là: Bạch trà trăm năm, Đinh xuân trà, Hồng Vương trà, Ô long Thượng hạng.

Bên cạnh đó, tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo, sản lượng chè đen toàn cầu sẽ tăng 2,2% mỗi năm trong thập kỷ tới, đạt 4,4 triệu tấn vào năm 2027; trong khi đó, sản lượng chè xanh toàn cầu dự báo còn tăng nhanh hơn, khoảng 7,5% mỗi năm, đạt 3,6 triệu tấn vào 2027.

Tuy sản lượng tăng, nhưng tiêu thụ thời gian tới sẽ rộng mở hơn, bởi thị trường chè được dự báo sẽ vẫn không ngừng tăng đều đặn, chủ yếu bởi Trung Quốc, nơi chiếm gần 40% tổng tiêu thụ chè toàn cầu và đang sử dụng lượng chè xanh cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó, nhu cầu ở những thị trường khác cũng không ngừng tăng lên, trong đó có Ấn Độ, dư sức bù lại cho mức tăng trưởng yếu ở châu Âu.

Tùng Linh

Theo tbck.vn