Những địa điểm sau đây nổi tiếng không chỉ với người Việt Nam mà còn với du khách quốc tế. Đó là những nơi bắt đầu và kết thúc của dải đất hình chữ S. Nếu ngày 2-9 - Tuyên ngôn Độc lập có cơ hội hãy đến đây, để cảm nhận được niềm tự hào của một dân tộc có cảnh nước non hùng vĩ, đẹp khó nơi nào sánh.

Cực Bắc của tổ quốc - Lũng Cú, Hà Giang

Lũng Cú thuộc cao nguyên đá Đồng Văn – Nơi cao hơn 1700m so với mực nước biển.

Vùng đất địa đầu Tổ quốc này nên đến một lần trong đời. Không chỉ là thăm những cung đường đẹp tuyệt vời, núi đá trùng trùng điệp điệp cùng những cánh đồng ruộng bậc thang vàng rực lúa chín đẹp lung linh.

Để lên đỉnh cột cờ, bạn sẽ phải trải qua 389 bậc đá và hơn 140 bậc trong lòng cột cờ được xây theo hình trôn ốc. Nơi đây có lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang phần phật tung bay trong gió.

Thế nhưng lên đến đỉnh cột cờ rồi sẽ có cảm giác thật khoan khoái. Không chỉ là mình được đứng trên địa điểm cao nhất Việt Nam mà còn có thể nhìn ngắm được cảnh quan tuyệt vời bên dưới.

Địa điểm cuối trời đất Việt - Mũi Cà Mau

Hầu như ai đến Cà Mau cũng đặt chân đến Đất Mũi Cà Mau – Vùng đất cuối cùng của tổ quốc.

Mũi Cà Mau thuộc xóm Mũi, xã đất Mũi, huyện Ngọc Hiến, cách thành phố Cà Mau khoảng 120km. Có thể đi ca nô hoặc đường bộ.

Đến Mũi Cà Mau, bạn có thể được tham quan 3 điểm du lịch. Bắt đầu từ đài quan sát cao 21m để thấy được mũi nhọn trên bản đồ hình chứ S nằm ở phía Đông.

Từ đài quan sát, đi đến mũi Cà Mau. Nơi đây có tượng đài hình chiếc thuyền với dòng chữ Mũi Cà Mau. Đây là vùng đất nhỏ xíu cuối cùng vươn ra biển, bất cứ ai khi đến đây đều cảm nhận được cảm xúc khó tả khi đứng trước doi đất nhỏ xíu cuối cùng vươn ra biển.

Nơi tham quan cuối cùng là Mốc tọa độ Quốc gia (GPS 0001), màu vàng nổi bật trên nền hoa sen 6 cánh màu đỏ thắm và biểu tượng con tàu hướng mũi ra biển.

Cực Tây tổ quốc – A Pa Chải

Được gọi là điểm mà “1 tiếng gà gáy cả 3 nước cùng nghe”, đánh dấu lãnh thổ 3 nước Lào, Việt Nam và Trung Quốc. Đây là điểm cực Tây trên đất liền, nằm ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nghé.

Đây là nơi dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc khác sinh sống. Nét đẹp trùng trùng điệp điệp của rừng núi Tây Bắc luôn thu hút dân du lịch phượt đến đây.

Điểm cực Tây được xem là điểm gian nan nhất trong 4 điểm địa đầu tổ quốc. Để đến đây phải vượt qua những con đường núi lầy lội, đất đá rất khó leo trèo. Thế nhưng đến rồi ai cũng thỏa mãn.

Cột mốc của điểm cực Tây được ốp đá hoa cương, ở giữa là hình tam giác cao 2m có 3 mặt hướng về 3 quốc gia và khắc tên và quốc huy của mỗi nước.

Đứng ở đây trong sương sớm, nhìn ngắm bản làng còn ngủ yên, những con đường vắt ngang qua đỉnh núi, mây bay ngang đầu và nắng trên lưng, như thấy cả đất trời xung quanh và niềm tự hào tổ quốc hừng hực trong ngực.

Bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam – Mũi Đại Lãnh

Được biết đến là cực Đông của Tổ quốc, mũi Đại Lãnh từ lâu đã được coi là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Phú Yên.

Mũi Đại Lãnh là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Nó có thắng cảnh của núi của đảo khi có một suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền. Bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con đường quanh co một bên là núi cao một bên là biển xanh thăm thẳm chạy song song.

Đường ra mũi Đại Lãnh rất đẹp, với những bậc đá quanh co và có hàng rào trắng, bình yên nghe tiếng sóng biển vỗ về.

Đến ngọn Hải đăng Đại Lãnh, “nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở đất liền Việt Nam” du khách càng say lòng trước Bãi Môn cát vàng, nước trong xanh ảo diệu bạt ngàn hoa vàng trên cỏ xanh.

Nóc nhà Đông Dương – Fansipan

Fansipan là đỉnh núi cao nhất đất Việt (3.143m), thuộc dãy Hoàng Liên Sơn kéo dài từ Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Đây cũng là điểm cao nhất Đông Dương vì vậy nó được gọi là Nóc nhà Đông Dương.

 Fansipan từ lâu đã là điểm dành cho những người ưa leo núi và mạo hiểm, nơi để thử thách chính bản thân vì nếu đi bộ thì mất đến 6-7 ngày mới lên được đỉnh núi này. Dân phượt còn có câu “ Phi Phan bất phượt kí” – nghĩa là chưa leo đến đình Phan-xi-păng thì không phải là dân “Phượt”.

Trước khi leo lên Fansipan, bạn sẽ được thăm thú Sapa Thị trấn mờ sương giữa rừng núi. Sapa như ở trên một đám mây, chạm tay là tới trời khiến tâm hồn bạn thanh thản thư thái.

Sapa được thiên nhiên vô cùng ưu đãi, từ khí hậu đến cây cỏ và con người đều có nét riêng biệt cuốn hút bước chân người lui tới dù lần đầu tiên hay nhiều lần kế tiếp. 

Ẩm thực nơi này cũng rất hấp dẫn du khách như lợn cắp nách, cơm lam, các món nướng và đặc biệt là món thắng cố của người dân tộc H’mông được làm từ nội tạng ngựa.

Sapa mang nét đẹp của nền văn hóa dân tộc, thiên nhiên và con người đã làm cho nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch quan trọng của du lịch miền Bắc, đang dần được các du khách khắp nơi trên thế giới chú ý.

Theo Mộc Anh/Reatimes