Thông tin từ Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tính từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 54 trường hợp tử vong do bệnh dại ở người tại 24 tỉnh, thành phố. Dù số trường hợp tử vong thấp hơn thấp hơn năm 2018, nhưng bệnh có xu hướng lan rộng thêm tới các tỉnh, thành phố khác.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lâu đời và đáng sợ nhất lịch sử nhân loại. Khi đã lên cơn dại, bệnh nhân chắc chắn tử vong.

Hiện bệnh dại lưu hành ở 150 quốc gia. Bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin nhưng mỗi năm toàn cầu có khoảng 59.000 người tử vong. Khoảng 40% số tử vong là trẻ em dưới 15 tuổi ở các nước châu Á và châu Phi.

Quản lý tốt đàn chó và tiêm vắc xin dại cho chó là biện pháp quan trọng để loại trừ lây truyền bệnh dại trong đàn chó và ngăn ngừa lây sang người. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số người bị chó cắn mỗi năm tăng trên 100.000 người và tính trung bình mỗi năm có trên nửa triệu người bị chó cắn. Nếu tính chi phí vắc xin bỏ ra tiêm và các chi phí đi lại, ăn uống, thời gian nghỉ làm việc, học hành, thì mỗi năm xã hội tiêu tốn cả nghìn tỉ đồng do bị chó cắn và chi phí điều trị bệnh dại.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đã có nghiên cứu kéo dài 10 năm về tác động kinh tế của bệnh dại tại Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu này cho biết chi phí phát sinh do điều trị cho bệnh nhân sau khi chó cắn phải tiêm vắc xin lên tới trên 700 triệu USD. Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng các biện pháp phòng ngừa còn mang lại hiệu quả cao hơn về chi phí, vì chi phí tiêm phòng mở rộng cho chó trong khu vực chỉ chưa đến 2 USD/con.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao của quốc gia để đạt được mục tiêu “Không có tử vong do dại vào năm 2030”, TS Kidong Park - Đại diện của WHO tại Việt Nam cho rằng, cần tăng cường cam kết chính trị; nâng cao nhận thức nguy cơ; thúc đẩy tiêm vắc xin cho chó và quản lý đàn chó; bảo đảm sự tin tưởng, sự tiếp cận, sự sẵn có, và giá cả hợp lý của vắc xin phòng dại ở người; và tăng cường nhân lực và nguồn lực tài chính là các vũ khí để chống lại bệnh dại.

Ông cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực y tế và thú y sẽ bảo đảm cho các chương trình phòng, chống bệnh dại thực hiện hiệu quả, đóng góp vào mục tiêu chung toàn cầu là không còn người chết vì bệnh dại lây từ chó vào năm 2030.

Theo Công lý