Tủ lạnh là vật cần thiết trong mỗi gia đình hiện nay. Đó không chỉ là nơi để làm đá, giúp các cốc nước của bạn thêm mát lạnh giải nhiệt mà còn là không gian lưu trữ thực phẩm vô cùng hữu ích và tiện dụng. Tuy nhiên, dùng tủ lạnh thế nào để đảm bảo không tốn tiền điện là điều cần phải chú ý.

1. Chọn tủ lạnh phù hợp

Việc lựa chọn tủ lạnh phù hợp đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp bạn tiết kiệm điện hiệu quả đấy nhé. Ngày nay trên thị trường bán rất nhiều loại tủ lạnh khác nhau, chính vì vậy bạn cần lựa chọn cho mình loại tủ lạnh phù hợp vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vừa có thể tiết kiệm điện năng một cách tốt nhất. Chính vì vậy, khi mua tủ lạnh bạn cần lưu ý:

Lựa chọn loại tủ lạnh có dung tích sử dụng phù hợp với nhu cầu, tủ lạnh quá nhỏ sẽ không đủ cho bạn sử dụng nhưng tủ lạnh lớn quá sẽ khiến lượng điện năng tiêu thụ nhiều hơn đấy;

Lựa chọn tủ lạnh màu sáng sẽ tiết kiệm điện hơn tủ lạnh màu tối do tủ lạnh màu tối hấp thụ nhiệt tốt hơn;

 Xem kỹ các thông số kỹ thuật của tủ lạnh để lựa chọn loại có khả năng tiết kiệm điện tốt hơn

2. Không tắt, rút ổ cắm nhiều lần

Nhiều người mới dùng tủ lạnh thường nghĩ để giảm tiền điện thì không cần dùng đến nên rút phích cắm ra hoặc thường xuyên ngắt tủ lạnh ra khỏi nguồn điện. Nhưng cách này không hề tiết kiệm điện trái lại còn làm cho thiết bị nhanh bị hỏng hơn. Mỗi lần bạn rút ổ cắm điện ra khỏi tủ lạnh, khi cắm lại sẽ khiến cho thiết bị phải khởi động một lần nữa. Quá trình làm lạnh bên trong kéo dài sẽ phải tốn thêm lượng điện khá lớn.

Hình ảnh thường thấy là trẻ em thường mở tủ lạnh nhiều lần theo thói quen hoặc người lớn lấy thực phẩm. Nhưng cách này cũng cần tránh, bởi mỗi lần mở tủ lạnh như vậy, nhiệt độ bên ngoài sẽ thâm nhập vào bên trong, trong khi đó nhiệt độ thấp bên trong sẽ tỏa ra bên ngoài. Khi đó, nhiệt độ trong tủ sẽ tăng lên, không còn giữ mức nhiệt thấp lý tưởng để bảo quản đồ ăn, thức uống nữa. Để lấy lại mức cân bằng nhiệt, bộ phận làm lạnh phải mất thêm thời gian để lấy lại mức nhiệt độ ban đầu, tăng hiệu suất hoạt động.

3. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên

Cũng như sử dụng điều hòa, tủ lạnh cũng cần được vệ sinh thường xuyên, chú ý lau chùi bên trong và bên ngoài khoảng 2 tháng/lần. Đặc biệt sau khi vệ sinh cần nhờ thợ chuyên về nhiệt lạnh kiểm tra phần gas của tủ lạnh. Nếu phần gas bị thiếu hụt hay giảm sẽ là nguyên nhân làm cho tủ lạnh chạy ì ạch, tốn thêm điện nặng để làm mát bên trong.

Phần đường cao su bọc ở cửa tủ lạnh cần được vệ sinh sạch sẽ do đây là phần tiếp giáp với cánh cửa tủ lạnh nên rất bẩn. Nếu phần này không được lau sạch làm cho cửa không đóng được kín sẽ gây thất thoát hơi lạnh ra bên ngoài dẫn đến thất thoát nhiệt, phần lạnh phải khởi động lại gây tốn điện.

Bộ làm lạnh đằng sau tủ lạnh cần được quét dọn, hút bụi thường xuyên để tránh bụi bẩn làm tắc nghẽn hệ thống. Nếu nhà bạn có nuôi thú cưng thì việc vệ sinh càng phải thường xuyên hơn vì đây là nơi lý tưởng cho lông động vật “trú ngụ”.

Vệ sinh tủ lạnh là cách để giữ cho môi trường bên trong không chứa vi khuẩn nấm mốc tránh hỏng thức ăn và đảm bảo vệ sinh.

4. Nhiệt độ tủ lạnh hơp lý

Mức nhiệt trong tủ lạnh cần tùy theo số lượng thực phẩm có bên trong. Nếu tủ lạnh không có nhiều đồ thì nên để ở mức 6-7 độ C. Còn ngăn đá từ -19-18 độ C. Nếu để mức quá lạnh, trong khi tủ lạnh ít đồ sẽ gây lãng phí luồng lạnh, tủ lạnh phải liên tục làm lạnh gây tổn hao điện năng đáng kể. Ngoài ra, phải luôn kiểm tra mức nhiệt để xem bộ phận làm lạnh hoạt động hiệu quả hay không.

5. Cất giữ thực phẩm đúng cách

Để tiết kiệm điện tủ lạnh, bạn không nên chất quá đầy thực phẩm vào tủ, giữa các thực phẩm cần phải chừa ra một khoảng cách để khí lạnh có thể đối lưu, lượng điện tổn hao sẽ giảm xuống; thực phẩm nóng (như nước nóng, cơm nóng, đồ ăn nóng) phải để nguội hẳn mới cho vào tủ lạnh nếu không chúng sẽ làm nhiệt độ trong tủ tăng lên quá nhanh làm điện năng hao tốn nhiều hơn; Đặc biệt, bạn nên sử dụng đồ đựng thực phẩm bằng kim loại thay cho đồ nhựa do tính năng dẫn lạnh tốt hơn, chính vì vậy  thời gian làm lạnh sẽ được rút ngắn, điện được tiết kiệm hơn.

Cất giữ thực phẩm đúng cách giúp tiết kiệm điện. Ảnh minh họa

Cất giữ thực phẩm đúng cách giúp tiết kiệm điện. Ảnh minh họa

Không những thế, bạn cần lưu ý rằng, trường hợp thực phẩm cần giữ chỉ chiếm một diện tích nhỏ buồng giữ lạnh, để tiết kiệm điện, bạn nên sử dụng những miếng nhựa xốp chứa đầy vào buồng giữ lạnh nhằm thu hẹp không gian cần làm lạnh của tủ lạnh, giúp điện năng tiêu thụ ít hơn trong khi những miếng nhựa xốp này hầu như không hút lạnh chút nào.

Cho vào ngăn mát tủ lạnh một ít đá, thực phẩm đông lạnh bạn sắp sử dụng nhằm góp phần giữ lạnh ngăn này, hạn chế sự hoạt động của bộ phận chế lạnh do nhiệt độ được điều hòa, từ đó tiết kiệm điện tốt hơn.

6. Rã đông trong tủ lạnh

Thay vì rã đông bằng lò vi sóng, hãy rã đông tự nhiên bằng cách cho thức ăn vào ngăn mát tủ lạnh trước đó một đêm. Thực phẩm rã đông từ từ thường ngon miệng hơn, mà còn tiết kiệm đáng kể điện năng tiêu thụ nữa.

7. Kiểm tra cửa hít

Các ron cao su ở cửa sau một thời gian dài sử dụng có thể bị hỏng hóc, làm tủ bị thoát khí lạnh. Thử nghiệm bằng cách kẹp một tờ tiền vào khe tủ, nếu bạn dễ dàng kéo tiền đi dọc theo khe hở thì ron cao su nhà bạn cần được thay thế. Ngoài ra, cũng cần nhớ vệ sinh chúng thật cẩn thận để tránh bụi bẩn.

8. Dùng chén đĩa bằng thủy tinh hoặc sứ

Thủy tinh và sứ giúp cân bằng nhiệt độ trong tủ lạnh tốt hơn là các hộp đựng thức ăn bằng nhựa. Nhớ đậy nắp để ngăn đọng nước.

9. Không để đồ ăn dựa sát vào thành trong của tủ

Thường xuyên để thực phẩm tiếp xúc với phía trong cùng của tủ lạnh sẽ làm rau củ dễ bị hỏng, chưa kể là khiến tủ làm lạnh làm việc kém hiệu quả, dẫn đến tốn điện hơn. Hãy chú ý để thực phẩm cách ra một khoảng với phía trong của tủ lạnh./.

Theo Minh Hương (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam