Ưu tiên con em trong ngành không còn là câu chuyện mới và lạ trong công tác tuyển dụng ở nước ta thời gian qua. Tuy nhiên, việc công khai hóa và biến nó thành một quy định lại là câu chuyện khác.

Thông báo tuyển dụng mới đây của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) công khai tiêu chí con của cán bộ sẽ được cộng điểm ưu tiên. Theo đó, các ứng viên trong gia đình cán bộ chưa có con đẻ, dâu, rể, con nuôi hợp pháp làm việc ở ngân hàng đều được cộng 30 điểm (thang điểm 100), khi thi tuyển.

Sự việc này ngay lập tức đẩy câu chuyện bất bình đẳng trong tuyển dụng trở nên nóng "hầm hập".

Có thể nói, ngân hàng vốn là ngành hấp dẫn đối với nhiều người, nên khi Agribank ưu ái cho con dâu, con rể, con đẻ và con nuôi trong tuyển dụng thì nhiều người khá bức xúc lẫn bất ngờ.

Việc ưu tiên

Việc ưu tiên "người nhà" trong tuyển dụng của Agribank gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.

Công khai luật ngầm?

Theo chị Thùy Dung, người từng nhiều lần đăng ký thi tuyển ngân hàng, việc các nhà băng ưu tiên cho con em trong ngành khi tuyển dụng các vị trí là việc không còn mới. Tuy vậy, có đơn vị đặt cơ chế công khai, có đơn vị thể hiện một cách kín đáo hơn.

"Tôi từng tham gia đợt tuyển dụng của một chi nhánh ngân hàng trên phố Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi qua bài thi viết, các ứng viên được gọi lên phỏng vấn trực tiếp, chia theo phòng với danh sách công khai. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa những người có quan hệ với ngân hàng là tên họ được in hoa hoàn toàn, còn những ứng viên khác thì không", chị Dung nói.

Một cán bộ tại TPBank cho biết, việc tuyển dụng trong ngành ngân hàng không khác nhiều với các ngành khác, có ưu tiên tuyển dụng theo kinh nghiệm. Riêng về chế độ cho con em trong ngành, ngân hàng này không có quy định trực tiếp.

"Với con em trong ngành, khi xét hồ sơ và sắp xếp thứ tự phỏng vấn, phòng nhân sự có thể ưu tiên cho nhóm này được tiếp xúc với nhà tuyển dụng trước. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ không tiếp xúc với tất cả các ứng viên, mà chỉ phỏng vấn đến khi đạt đủ chỉ tiêu thì dừng lại", chị này nói. 

Từ chối đánh giá về cách làm của Agribank khi đặt cơ chế cộng điểm trực tiếp cho con em cán bộ trong thi tuyển song chị cho rằng cách này khó phù hợp với đa số ngân hàng. "Mỗi nơi một cơ chế, một thang đánh giá riêng, và cũng không phải luôn tuyển dụng theo hình thức thi tập trung nên việc cộng điểm sẽ ít được áp dụng đại trà", chị cho hay.

Nguyễn Toàn, không thuộc diện “con ông cháu cha” thi đỗ vào một ngân hàng ở Hà Nội. Anh cho biết, để thi đậu vào ngành này, các ứng viên phải rất nỗ lực. Theo anh, cuộc thi cam go không khác gì đại học. Mỗi ứng viên phải trải qua 2 cuộc thi là test (IQ nghiệp vụ, tiếng Anh) và phỏng vấn. Nếu đủ điểm theo quy định của ngân hàng năm đó, ứng viên sẽ được vào.

Bạn của anh Toàn thuộc diện “con ông cháu cha” làm việc tại ngân hàng này chia sẻ, ứng viên thuộc đối tượng ưu tiên sẽ được “nới lỏng” bằng các hình thức khác nhau ngay từ cuộc thi đầu tiên. Như vậy, tỷ lệ thắng cuộc trong lần thi thứ 2 là rất lớn.

Chị P., nhân viên làm tại Agribank ở Nam Định cho biết, trước đó, ngân hàng này có hình thức tuyển dụng thay thế. Con em của cán bộ làm việc tại ngân hàng từ 20 năm trở lên và có chuyên ngành phù hợp sẽ được ưu tiên tuyển thẳng thay thế nhân sự về hưu là bố, mẹ đẻ. Tuy nhiên, gần đây, ngân hàng đã dừng chế độ này. Theo đó, những người thuộc diện "con cán bộ" vẫn phải thi tuyển tập trung.

Cũng theo nhân viên này, tỷ lệ chọi của các ứng viên vào ngân hàng  là rất lớn vì theo họ, nhà băng này ổn định, ít ép chỉ tiêu. Trong khi các ngân hàng cổ phần khác, việc ép chỉ tiêu, sa thải hoặc tự ép nghỉ việc có tần suất lớn.

Tuy vậy, một nhân viên có thâm niên tại ngân hàng trên cho biết, việc tuyển dụng ưu tiên con em trong ngành ngày càng thắt chặt. Chỉ khi nào ngân hàng có nhân sự về hưu hoặc đột xuất mới tuyển qua ưu tiên con em cán bộ hơn 20 năm cống hiến, ưu tiên theo thứ tự từ lãnh đạo đến nhân viên.

Theo nhận xét của một chuyên gia đơn vị chuyên đào tạo lãnh đạo tương lai ngân hàng, số lượng tuyển dụng ngân hàng một năm là hàng nghìn người, nhưng số lượng "con ông cháu cha" không nhiều. Vì vậy, một số ý kiến nói việc ưu tiên trên là hết cơ hội cho người khác là không đúng.

Cũng theo vị này, Agribank tuyển con cái cán bộ là có nguyên nhân. Những người này sẽ tận dụng được các mối quan hệ cũ của bố mẹ, đồng thời dựa vào kinh nghiệm của bố mẹ mà bắt tay vào công việc nhanh hơn. Với ngân hàng, khách hàng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lên tiếng

Trao đổi với PV, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, công khai hóa những quy định kiểu ưu tiên như thế chính là rào cản lớn nhất trong việc tạo cơ hội cho con em "dân thường", ngoài ngành vào làm việc.

Là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn lẫn quản lý trong lĩnh vực tổ chức nhân sự, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chuyện ưu tiên con em trong ngành vốn có từ xưa.

Không chỉ Agribank mà nhiều ngành, doanh nghiệp nhà nước khác cũng đã từng thực hiện điều đó.

Đây không phải vấn đề mới, tuy nhiên, theo ông Thang Văn Phúc thì:"Để nó trở thành một quy định và công khai như thế trong một cuộc thi tuyển là điều không hay lắm. Nói cách khác là không ổn.

Điều này sẽ tạo ra những rào cản đối với con em của những người ngoài ngành, con em nông dân".

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.

Theo ông Phúc, việc tuyển dụng ở bất kỳ ngành, nghề nào thì cũng phải đặt vấn đề bình đẳng cho ứng viên lên hàng đầu. Nếu có sự ưu ái, thiên vị nào đó thì vừa mất tính khách quan lại mất đi sự bình đẳng, động lực.

"Tôi nghĩ, trong việc tuyển dụng phải cố gắng cao nhất ở việc tạo ra sự bình đẳng về cơ hội của ứng viên tham gia", nguyên Thứ trưởng phân tích.

Khi tuyển dụng, đơn vị tuyển dụng có những quyền và yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của họ, nhưng bên cạnh đó, ứng viên cũng có quyền yêu cầu về sự bình đẳng. Yêu cầu đó của ứng viên là chính đáng và cần được đáp ứng.

Chính vì thế, vị này cho rằng, cách làm như Agribank về việc quy định ưu tiên 30% điểm cho "người nhà" là không phải và không tạo ra sự bình đẳng trong việc tuyển dụng.

Bỏ ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành?

Ông Phúc lý giải, việc một số ngành vẫn giữ thói quen ưu tiên con em trong ngành khi tuyển dụng bởi nó cũng có một số điểm tích cực nhất định.

Điều này có thể khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, bản thân những con em trong ngành cũng quen với môi trường làm việc của bố mẹ...

Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, khía cạnh tích cực là không nhiều và ở góc độ tiêu cực, bình đẳng và dân chủ là không ổn một chút nào.

"Theo tôi, lãnh đạo cần xem xét để làm sao có cách tuyển dụng tích cực, bình đẳng nhất có thể. Mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau mà", ông kết luận.

Cũng liên quan đến câu chuyện ưu tiên con em trong ngành khi tuyển dụng, một cán bộ nhân sự tại doanh nghiệp Nhà nước (xin giấu tên) đã bật mí những điều tiêu cực trong cách tuyển dụng này.

Vị này phân tích, do có việc ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành nên nhiều người cứ mặc nhiên, bình thản và yên vị chỗ làm của mình mà không bị lo sợ mất việc, cho dù năng lực yếu kém.

"Thậm chí, nhiều người còn biểu hiện sự dựa dẫm, ỷ lại trong mối quan hệ thân quen", người này nói.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, luật sư Vy Văn Minh (Văn phòng luật sư Gia Bảo, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc ưu tiên được quy định trong văn bản như Agribank thực hiện là vi phạm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật.

"Việc ưu tiên người nhà trong tuyển dụng của Agribank là trái quy định của pháp luật, vi Hiến và vi phạm các quy định của pháp luật về lao động và gây bức xúc cho xã hội, nên bỏ những quy định bất bình đẳng như thế này", luật sư Minh nói.

Thực tế cho thấy, nếu tuyển dụng một cách công khai, bình đẳng và công bằng, không theo kế hoạch chỉ tiêu nào mà chỉ dựa vào kết quả năng lực thực tế thì chắc chắn nhiều người được lựa chọn, tuyển dụng sẽ đa số là con em ngoài ngành.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải tiến tới việc bãi bỏ chỉ tiêu ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành, để tạo ra cơ hội tuyển dụng một cách công khai và bình đẳng, từ đó mới lựa chọn, tuyển dụng được nhiều người tài, người có năng lực thật sự vào làm việc./.

Gạt người giỏi, tạo bất công

Liên quan vấn đề này, Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UB Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: Ngành nào cũng có ưu tiên nhất định cho con em ngành mình, nhưng không nên thái quá vì như vậy chỉ tuyển được mỗi con em trong ngành mà không lấy được người ngoài ngành, mặc dù người ngoài ngành có thể giỏi hơn.

“Ưu tiên đến 30 điểm như thế không khác gì là loại người giỏi ra ngoài. Ưu tiên con em trong ngành để rồi loại con em khác ngành là không nên”, đại biểu Tiến nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lê Như Tiến, nếu làm như vậy là trái quy định về tuyển dụng. Mọi người được bình đẳng trong công tác, trong tuyển dụng, trong đề bạt cũng như trong tuyển dụng.

Việc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra công khai tiêu chí ưu tiên cho con em người nhà cán bộ ngân hàng chắc chắn là không đúng là quan điểm của đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình).

“Nhà nước đã có những quy định chung về ưu tiên rất cụ thể. Nếu trong trường hợp hai người cùng dự tuyển có trình độ, học vấn ngang nhau thì có thể chiếu cố thêm một chút cho con em cán bộ trong ngân hàng. Tuy nhiên, không được đặt ra việc cộng điểm như ngân hàng Agribank đã làm”, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến.

Theo ông Kiêm, đó là một tiền lệ không tốt. Nếu ngành này đặt ra thế, ngành kia cũng thế và mỗi địa phương cũng làm như vậy thì con em những người không phải trong lĩnh vực, ngành này sẽ bị gạt ra ngoài hết. Điều đó sẽ tạo ra sự bất công trong xã hội./.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam