Tìm về xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nơi có hàng ngàn người đi xuất ngoại, nơi đây còn được nhiều người biết đến với cái tên "xã tỷ phú".

Theo thống kê của xã Cương Gián, hiện nay toàn xã có khoảng hơn 2.700 người đang lao động tại nước ngoài. Chủ yếu là các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… và một số nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Đức… Tính bình quân mỗi năm, người dân trong xã gửi về lượng tiền kiều hối khoảng 350 – 400 tỷ đồng.

Hàng ngàn người xã Cương Gián đi xuất ngoại mong đổi thay cuộc sống. Ảnh: SN

Bước vào đầu xã, chúng tôi hỏi thăm một người đàn ông trạc 40 tuổi về tình hình người dân nơi đây đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mấy năm nay như thế nào thì người đàn ông này nói: "Chú nhìn xem, giờ có xã mô (nào – PV) mà đi nước ngoài nhiều như Cương Gián, đi nhanh giàu lắm".

Trước đây người dân Cương Gián sống chủ yếu dựa vào nghề biển. Cuộc sống người dân nơi đây mãi không khấm khá lên được. Cách đây hơn chục năm, người dân đã chọn con đường đi xuất ngoại để làm giàu. 

Một số người dân cho biết, trước đây họ thường đi nước ngoài bằng con đường chính thống (hợp pháp) nhưng những năm gần đây con đường đi hợp pháp không được nhiều người lựa chọn mà thay vào đó họ đi bằng hình thức "chui". Vì đi theo hình thức này sẽ đỡ tốn chi phí, thời gian.

Một gia đình ở Hà Tĩnh đang lo lắng khi có người thân mất tích tại Anh. Ảnh: SN

Mặc dù biết trước sang nước ngoài làm ăn bằng con đường bất hợp pháp ẩn chứa nhiều rủi ro, song nhiều người vẫn hi vọng đi để tìm kiếm vận may. Không chỉ những người lớn tuổi đi làm mà nay cả những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ cũng đặt giấc mơ làm giàu của mình ở những nước trời Âu.

Mới đây thôi, người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 10 trường hợp mất liên lạc với gia đình khi trên đường sang Anh để làm việc những mong được đổi đời.

"Khi nghe thông tin 39 người tử vong trong container ở Anh, tôi bủn rủn cả chân tay. Tôi đã sống và làm việc bất hợp pháp nhiều năm tại Đức, Tây Ban Nha nên thấm đủ vất vả, cay đắng. Bây giờ có cho tôi bao nhiêu tiền tôi cũng sẽ không dám quay trở lại bên đó nữa" – đó là lời tâm sự của anh Trần Văn H. (42 tuổi, ở Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Theo anh H., để sang làm việc tại Đức, ban đầu người lao động phải đi sang Rumani. Chi phí sang đó hết khoảng 3.000USD (tương đương khoảng 65 triệu). Khi sang đến đất nước Rumani, người lao động tiếp tục phải đóng 200 triệu và sẽ có một người dẫn đường đưa sang nước Đức theo hình thức "chui".

Nghe những lời "mật ngọt" như lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập ‘‘khủng’’, hi vọng được đổi đời nhen nhóm trong anh H.. Và rồi anh đánh cược mạng sống của mình.

"Chuyến hành trình từ Rumani sang Đức của tôi bắt đầu thấy những nguy hiểm rình rập khi tôi được đưa lên xe tải cùng 14 người khác (chủ yếu là người Việt Nam). Chuyến đi kéo dài nhiều giờ đồng hồ mà không biết họ chở mình đi đâu, mọi người trong xe ai cũng kiệt sức vì mệt mỏi, đói, khát. Thỉnh thoảng tài xế mới xuống mở xe cho mọi người đi vệ sinh khoảng 5 phút, sau đó chuyến đi lại tiếp tục. Đến bữa ăn, họ cho chúng tôi mỗi người một cái bánh mì cùng chai nước.

Khi xuống xe mọi người dù mệt nhưng vẫn thở phào nhẹ nhõm vì biết mình vẫn còn sống. Nghĩ đến giờ vẫn thấy ám ảnh. Họ đưa chúng tôi đến một trang trại để chăm sóc cây, nghỉ ngơi được một ngày là chúng tôi phải làm việc liền" – anh H. kể lại.

Cũng là một lao động bất hợp pháp tại Anh vừa mới trở địa phương, anh N.V.S (SN 1989) chia sẻ: "Sau khi học xong cấp 3, vì không thi đậu vào đại học nên tôi quyết định đi nước ngoài để đổi thay cuộc sống. Nhớ lại cuộc sống bên đất nước họ mà tôi thấy ám ảnh đến giờ.

Cảnh sát ở West Midlands dỡ bỏ các cây cần sa khô ở nơi trồng tại Birmingham, Anh Quốc. Ảnh: TL.

Năm 2009, nghe theo lời một người môi giới, tôi cứ nghĩ sang đây sẽ có cuộc sống đổi thay. Nào ngờ khi đặt chân sang đất nước này, tôi đã phải trải qua bao nguy hiểm".

Lúc đi họ yêu cầu anh S. phải nộp hơn 500 triệu đồng, vì thấy họ nói những lời ngon ngọt nên anh S. đã xin gia đình vay mượn người thân, cắm sổ đỏ cho đủ tiền để thực hiện ước mơ đổi đời của mình.

So với những người khác, chuyến đi của anh S. khá suôn sẻ, không bị cảnh sát phát hiện. Khi sang đến nơi, họ giao cho anh công việc chăm sóc cần sa. Làm việc này lương cao, chẳng mấy chốc anh gom góp được khoản tiền lớn gửi về cho bố mẹ xây dựng một căn nhà khang trang.

Anh S. chia sẻ: "Làm được gần nửa năm ổn định thì tôi bắt đầu bị nợ lương. Làm việc chỉ cần sai một chút là bị đánh đập, ngược đãi mà không dám phản kháng. Tôi ở cùng với một người Việt nữa. Cả hai chúng tôi chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng trong tủi cực mà không dám khai báo với đất nước sở tại vì chúng tôi không hề có một quyền công dân gì khi ở bên đó".

Theo anh S., dù sống bên Anh gần 5 năm nhưng anh hầu như không biết thế giới bên ngoài ra sao, bởi suốt ngày chỉ lủi thủi trong xưởng chăm sóc cây. Nhiều lúc anh chán muốn ra đầu thú để được về nước nhưng vì muốn kiếm thêm tiền mong đổi đời nên lại đành cam chịu cuộc sống khắc nghiệt.

Cuộc sống của những người nhập cư bất hợp pháp như anh S. không chỉ buồn tẻ, u ám mà phải luôn sống trong lo lắng, sợ hãi bị cảnh sát nước sở tại bắt giữ.

"Mỗi khi nghe tiếng còi xe cảnh sát kêu lên là chúng tôi ngồi run bắn vì sợ bị phát hiện" - anh S. kể lại.

Vì cuộc sống khổ cực như bị giam lỏng, lại lo sợ bị bắt vì lao động bất hợp pháp nên anh S. quyết định bỏ "miền đất hứa" trở về quê hương sau gần 5 năm lưu lạc.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: "Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 2.700 người đi lao động tại các nước, hàng năm số tiền họ gửi về cho gia đình rất cao. Hầu hết gia đình nào cũng có người đi XKLĐ, vì thế nên đời sống của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Trong số những lao động này có nhiều lao động bất hợp pháp, nhưng con số cụ thể thì chưa xác định được.

Vấn đề đi lao động bất hợp pháp của người dân thực ra chính quyền cũng không nắm hết được. Họ đi theo nhiều hình thức, nhưng phần lớn các lao động ban đầu đi theo con đường hợp pháp đến khi hết hợp đồng họ ở lại luôn chứ không về."

Theo Gia đình & Xã hội