Sốt là một phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh như các bệnh nhiễm trùng, cơ thể bị nóng lạnh đột ngột hoặc có những biến đổi về chuyển hóa,… Về cơ bản, khi bị sốt biện pháp trước mắt để làm hạ nhiệt độ cơ thể được rất nhiều người sử dụng đó là giải pháp chườm.

Câu hỏi đặt ra, chườm nóng hay chườm lạnh nhanh hạ sốt hơn?

Câu trả lời của phần đông người Việt đều lựa chọn phương pháp chườm nóng để hạ sốt làm mát cơ thể. Đây được xem là một phương pháp phổ biến được rất nhiều bố mẹ tin dùng nhất để hạ sốt cho con.

Nhiều phụ huynh sử dụng phương pháp chườm nóng để hạ sốt cho trẻ (Ảnh minh họa)

Liên quan vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm như trên, Bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - Hà Nội mới đây đã chia sẻ bài viết dài trên trang Facebook cá nhân chỉ ra những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi hạ sốt cho trẻ.

Chườm ở vị trí nào để nhanh hạ sốt?

“Cơ thể con người có 4 cơ chế thải nhiệt chính. Trong đó có cơ chế gọi là Truyền nhiệt trực tiếp. Việc chườm là dựa nhiều vào kiểu thải nhiệt này. Nếu cứ hì hục chườm mà chườm chả đúng nên chả có tác dụng lại mệt người. Mình chườm là mình lấy khăn có nước, đắp lên vị trí có mạch máu lớn đi qua, để dòng máu đó mang nhiệt độ cao của cơ thể, truyền sang nước có nhiệt độ thấp hơn. Vị trí mạch máu lớn là 2 cái nách, 2 bên cổ, 2 cái bẹn. Chườm là chườm ở đấy chứ không phải đắp khăn lên trán”, Bác Sĩ Công chia sẻ.

Theo bác sĩ Công, có thể thấy rằng thói quen chườm trên trán để hạ sốt không mang lại hiệu quả như mọi người vẫn nghĩ. Vị trí chườm đúng để giúp hạ sốt phải là nơi có mạch máu lớn đi qua, để dòng máu đó mang nhiệt độ cao của cơ thể, truyền sang nước có nhiệt độ thấp hơn một cách dễ dàng. Vị trí mạch máu lớn chính là ở 2 nách, 2 bên cổ, 2 bẹn.

Chườm nóng có thật sự giúp trẻ hạ sốt?

Lý giải điều này, Bác sĩ Phí Văn Công cho hay: “Chườm dựa vào chuyện nhiệt độ cơ thể cao hơn thì truyền nhiệt sang cái khăn chườm có nhiệt độ thấp hơn rồi dần dần cái khăn đó nóng lên, mình lại thay khăn khác. Cái này là cơ chế thải nhiệt trực tiếp. Thế thì nước chườm phải mát mát tí. Nhưng nước chườm mà lạnh quá thì mạch nó lại co tít lại, tác dụng thải nhiệt lại kém đi. Hoặc lau người thì nước cũng mát mát tí để nhiệt độ cơ thể có chỗ thải sang rồi bay đi.”

Từ lời giải thích của bác sĩ Công cho thấy chườm hạ sốt đúng cách là phải chườm nước mát mát, chứ không phải là chườm nước nóng. Bởi cơ chế chườm là nhằm giúp cho nhiệt độ cao của cơ thể truyền sang khăn lạnh, đến khi khăn lạnh ấm nóng lên thì nhúng lại khăn khác. Đây được gọi là cơ chế thải nhiệt trực tiếp.

Tuy nhiên, cũng không được chườm nước quá lạnh bởi nước lạnh sẽ khiến cho các mạch máu co lại làm tác dụng thải nhiệt bị kém đi. Tốt nhất là phần nước chườm có nhiệt độ thấp hơn 1 - 2 độ C so với cơ thể người bị sốt là hiệu quả nhất. Khi đặt khăn lên cổ tay, nách, trán,… để khăn đạt đến nhiệt độ cơ thể, sau đó cần thay đổi lại nhiều lần cho đến khi nhiệt độ giảm xuống .

Từ lời khuyên của bác sĩ Công có thể thấy rất nhiều các mẹ Việt đã làm sai cách khi chườm hạ sốt cho con. Do vậy, khi trẻ bị sốt bố mẹ nên lưu ý để có biện pháp hạ sốt chăm sóc trẻ tốt nhất, bảo vệ sức khỏe cho con mình.

Theo Gia đình Việt Nam