OGC buộc phảirút lui khỏi công ty conđể trừ nợ

CTCP Tập đoàn Đại Dương (mã OGC) đến thời điểm hiện tại không còn liên quan đến Ngân hàng Đại Dương. Hồi đầu năm nay, ngân hàng này cũng đã thoái vốn tại CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS).

Tập đoàn Đại Dương được chuyển nhượng toàn bộ 22,5 triệu cổ phần OCS tương ứng 37,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Chứng khoán Đại Dương. Được biết, bên nhận chuyển nhượng là 4 cá nhân bao gồm ông Nguyễn Ngọc Khánh (nhận 5,7 triệu cổ phần tương ứng 9,5% vốn); ông Phạm Xuân Thành (nhận 5,7 triệu cổ phần tương ứng 9,5% vốn); ông Nguyễn Thanh Tùng nhận 5,7 triệu cổ phần và bà Nguyễn Thị Thùy Dương nhận chuyển nhượng 5,4 triệu cổ phần tương ứng 9% vốn OCS.

Sau khi bán một số mảng kinh doanh cốt lõi, OGC còn lại chìa khóa cuối cùng là bất động sản. Tuy nhiên, hiện các dự án của tập đoàn lại trong tình trạng đói vốn. Đơn cử như dự án Khu đô thị số 1 Bắc Giang, dự án Cột Đồng Hồ và cụm dự án tại tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện dang dở bị dừng vốn vay và giải ngân thương mại từ năm 2014 đến nay dẫn đến dự án bị tạm dừng và bị thu hồi trước thời hạn.

Đối với dự án Cột Đồng Hồ - Time Tower và 02 dự án tại Quảng Yên (Đông Triều – Quảng Ninh), ngày 23/6/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư đối với 03 dự án này của OGC, đồng thời có các quyết định thu hồi đất tại dự án Time Tower để sử dụng cho mục đích công ích của thành phố.

Phối cảnh tổng thể dự án phức hợp tại 25 Trần Khánh Dư, Hà Nội.

Phối cảnh tổng thể dự án phức hợp tại 25 Trần Khánh Dư, Hà Nội.

Một số dự án hợp tác với nhiều bên chồng chéo, thiếu vốn để thi công trong khi OGC liên tục phải thực hiện việc nộp thuế, tiền thuê đất, sử dụng đất đã khiến doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn trong lúc đang gặp khó khăn về vốn.

Ngoài ra, các dự án xây lắp và do OGC làm chủ đầu tư bị gián đoạn do không bàn giao được như dự án Nam Đàn Plaza, Phương Đông, lý do là nhiều CBNV nghỉ, thôi việc, thuyên chuyển dẫn đến khó khăn trong hoàn công quyết toán công trình.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng chịu áp lực vì một số khoản nợ quá hạn chưa thanh toán, các đối tác liên tục gây sức ép, khởi kiện thuê các công ty đòi nợ để thu hồi nợ.

Tình hình kết quả kinh doanh của công ty cũng đang sa sút. Tổng doanh thu năm 2017 đạt 1.280 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2016 và vượt 6% so với kế hoạch, song do tổng chi phí tăng đột biến gần 500 tỷ đồng (lên tới 1.711 tỷ đồng), do đó lỗ sau thuế lên tới 471 tỷ đồng. Nguyên nhân có khoản lỗ nói trên, theo OGC, là do công ty phải trích lập dự phòng trị giá 844 tỷ đồng, phát sinh từ các khoản công nợ, đầu tư từ năm 2014 đến nay.

Đáng lưu ý, lĩnh vực bất động sản vốn là mảng kinh doanh cốt lõi lại chỉ mang về 49 tỷ đồng trong tổng số 1.280 tỷ đồng doanh thu cả năm 2017. Ban Giám đốc OGC nhận định, nguyên nhân là do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn cộng với sự sụt giảm hình ảnh thương hiệu của tập đoàn sau những sai phạm khiến cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt hồi cuối năm 2014.

OCG đáng giá ở "đất vàng"

Ocean Group được ông Hà Văn Thắm thành lập vào tháng 5/2007, hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và kinh doanh khách sạn. Tập đoàn này nhanh chóng có những bước phát triển vượt bậc vào các năm sau đó mà trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam, ít có doanh nghiệp nào sánh kịp.

Chỉ 6 năm sau ngày thành lập, tổng tài sản hợp nhất của Ocean Group tới cuối năm 2013, trước thời điểm ông Thắm bị bắt, đạt 11.424 tỷ đồng, gấp 7.000 lần thời điểm cuối năm 2007. Vốn điều lệ liên tục được tăng từ 1,2 tỷ đồng năm 2007 lên 390 tỷ đồng năm 2008, 1.968 tỷ đồng năm 2009, tiếp tục được bổ sung lên 2.500 tỷ đồng năm 2010 và cán mốc 3.000 tỷ đồng một năm sau đó.

Trong giai đoạn này, Ocean Group bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng thành lập các công ty con hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, kinh doanh khách sạn hay bán lẻ với chuỗi siêu thị/trung tâm thương mại Ocean Mart.

Ngoài ra, Ocean Group còn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng sở hữu 20% vốn cổ phần trong ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank). Tháng 4/2010, OGC được niêm yết trên sở GDCK TP.HCM với mức giá khởi điểm lên tới 30.000 đồng/cổ phiếu. Mã cổ phiếu này sau đó nhanh chóng trở thành một blue-chip và được săn đón bởi các nhà đầu tư.

Thế nhưng, OCG lại rơi vào tình trạng hiện nay vì câu chuyện “rắn mất đầu” và thiếu vốn. Trong khi đó, tiềm năng bất động sản cũng như nền tảng hoạt động trong lĩnh vực này được giới đầu tư đánh giá rất tốt. Có lẽ đó cũng là lý do ban lãnh đạo tập đoàn xảy ra những tranh chấp như bây giờ.

OCG nắm trong tay Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại (TTTM), khách sạn và căn hộ cho thuê tại số 25 Trần Khánh Dư, Hoàn Kiếm, Hà Nội với hơn 42.000m2 sàn. Một dự án khác cũng sở hữu vị trí rất đắc địa là dự án VNT Nguyễn Trãi, tọa lạc ngay tại giao lộ đường Nguyễn Trãi và đường Trường Chinh.

Dự án Khu Công viên – Hồ điều hòa Yên Hòa nằm tại Khu đô thị Nam Trung Yên, có mặt tiếp giáp với hai đường thuộc Khu đô thị là đường Vũ Phạm Hàm và Nguyễn Chánh. Đây là dự án OceanGroup hợp tác đầu tư với Công ty TNHH VNT, diện tích đất 112.410m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.600 tỷ đồng.

Dự án Star City Lê Văn Lương là tòa nhà hỗn hợp cao cấp xây dựng trên diện tích 3.724m2, cao 27 tầng, riêng khối đế của tòa nhà có 5 tầng gồm văn phòng cho thuê, khu thể thao, giải trí và khu mua sắm. Tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại TP.HCM hiện có hai dự án đang được đầu tư. Thứ nhất là dự án Trung tâm thiết kế thời trang – Văn phòng – Căn hộ chung cư (Gia Định Plaza) tại số 7 đường Trường Chinh, quận 12. Dự án được phê duyệt với chức năng trung tâm thiết kế thời trang, văn phòng, căn hộ chung cư trên diện tích khu đất 12.142m2.

Dự án được kể đến nữa là Trung tâm thiết kế thời trang – Thương mại dịch vụ - Cao ốc văn phòng – Lega Fashion House được xây dựng tại số 106 đường 3/2, quận 10, diện tích khu đất 5.620m2.Ngoài Hà Nội và TP.HCM, OceanGroup còn có một số dự án ở các tỉnh như dự án Cột Đồng Hồ - Time Tower và hai dự án tại Quảng Yên, Đồng Triều, Quảng Ninh; dự án Tổ hợp tài chính thương mại và nhà ở dịch vụ Can Lộc, Hà Tĩnh... Trong đó, dự án tại Can Lộc, Hà Tĩnh đang được Tập đoàn làm việc với đối tác để chuyển nhượng do việc thực hiện không mang lại hiệu quả.

Ngoài các dự án nhà ở, TTTM nói trên, OceanGroup còn có dự án chợ Nhật Tân đã phê duyệt trong năm qua và hoàn thành công tác sửa chữa chợvàonăm 2018.

OceanGroup chính thức tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải từ tháng 3/2014 bằng việc góp vốn thành lập CTCP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang – là công ty liên kết, thực hiện đầu tư theo phương thức BOT dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang.

Dự án có chiều dài khoảng 45km, được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng. OceanGroup xác định đây là lĩnh vực đầu tư mới, mở thêm hướng mới trong phương hướng phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2015 – 2020.

Ngoài ra, Công ty dịch vụ khách sạn của tập đoàn cũng đang có kế hoạch nâng cấp các khách sạn của họ trong năm 2018 để mang lại giá trị cao hơn cho du khách và nguồn thu cho Tập đoàn trong tương lai. Trong năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của OCH đạt 1.105 tỷ đồng.

Hiện giá cổ phiếu OGC chỉ còn 3.500 đồng/cổ phiếu. Với 300 triệu cổ phiếu đang lưu hành, việc mua hơn 50% vốn tại OGC là điều không khó và được cho là rẻ với một tập đoàn đang sở hữu số dự án khổng lồ.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về "người giấu mặt" đang muốn ôm OGC thời điểm nhạy cảm này!

 

Theo Reatimes.vn