Vậy nợ công là gì? Hậu quả của nó ra sao? 

Nợ công là gì?

Một cách khái quát nhất có thể hiểu nợ chính phủ, nợ công hoặc nợ quốc gia là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách.

Vì thế, nợ chính phủ, nói cách khác, là thâm hụt ngân sách luỹ kế tính đến một thời điểm nào đó.

Để dễ hình dung quy mô của nợ chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

 Những quốc gia có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới

Nợ công là nợ của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương.

Có thể là nợ nội địa từ các nhà đầu tư trong nước, có thể là nợ ngoại khi vay mượn từ nước ngoài. Thường chính phủ mượn nợ qua các công cụ: phát hành công khố phiếu, các trái phiếu hay các quốc gia nghèo thường vay các ngân hàng phát triển quốc tế hay vùng như VN nợ ADB, WB…

Thu nhập của chính phủ là do nguồn thuế nên nợ công là nợ quốc dân, nợ mà người dân đóng thuế phải trả.

Tất cả các nước trên thế giới đều ít nhiều có cái gọi là “nợ quốc gia”, và đây được coi là hệ quả từ các hoạt động kinh tế bình thường.

Nợ công của Việt Nam đã tăng như thế nào? 

Theo con số tính được tại năm 2006, tổng số nợ công của Việt Nam khoảng 13,8 tỷ USD. Nếu chia cho tổng số dân khi đó là 83,3 triệu người thì mỗi người sẽ gánh khoảng 165,7 USD - tương đương 3,5 triệu đồng tính theo tỷ giá hiện hành.

Và 10 năm sau đó, năm 2016, con số này đã tăng lên khoảng 1.384 USD, tương đương với gần 30 triệu đồng.

Có thể thấy, gánh nặng nợ nần của người Việt tăng lên từng năm, khi số nợ công trên GDP và dân số ngày một tăng lên.

Nợ công cao có đáng lo?

Mặc dù có sự khác biệt về mức nợ công giữa các nước, nhưng theo nhiều chuyên gia, mức độ rủi ro không phục thuộc nhiều vào các con số cao hay thấp mà tùy vào đặc điểm riêng của mỗi nền kinh tế.

Trên thế giới, một số nước có tỷ lệ nợ công rất cao như Nhật Bản 227,9% GDP, Mỹ 73,6% GDP, Bỉ 99,8% GDP, Anh 90,6%. Tuy vậy, theo nhiều tổ chức quốc tế, tỷ lệ của các nước này không đáng lo.

Ngược lại, có những nước tỷ lệ nợ công không cao tới 3 con số nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và được đánh giá là nguy hiểm.

Theo Minh Chuyên (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam