Bắt nguồn từ đời vua Hùng Vương thứ 6, từ sự tích "bánh chưng, bánh dày". Trong lần giổ tổ vua Hùng đã triệu tập các con đến và truyền rằng: người con nào tìm được lễ vật hợp ý sẽ được vua cha nhường ngôi. Các hoàng tử lên rừng, xuống biển tìm sản vật quý hiếm. Riêng hoàng tử Lang Liêu là người con nghèo khó nhất, không có khả năng kiếm những đồ lễ quý hiếm, chàng đã dùng những nông sản hết sức thân thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh: bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho Trời và Đất làm lễ vật dâng vua cha.

Chiếc bánh chưng của hoàng tử Lang Liêu là tượng trưng cho Đất với sự đầy đủ ấm no, bởi bên trong đủ động vật và thực vật là nếp, đậu xanh và thịt lợn. Chiếc bánh chưng vuông vức thơm ngon được dâng lên vua Hùng vào ngày đầu xuân rất ý nghĩa đã làm nhà vua hài lòng và cảm động. Nhà vua quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu.

Kể từ đời vua Hùng, tục gói bánh chưng, bánh dày được lưu truyền trong nhân gian và là những lễ vật không thể thiếu khi dâng cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của hậu thế.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Cứ thế truyền thống đó như một sợi chỉ đỏ chạy dài xuyên suốt dòng lịch sử, ăn sâu vào tiềm thức người con đất Việt và hậu thế như tôi lớn lên cùng những giá trị truyền thống đó.

Năm nào cũng vậy, khoảng 27 âm lịch đến đêm 30, bố tôi cùng các bác, con cháu trong đại gia đình lại quây quần ngồi quanh chiếc chiếu cói để gói bánh chưng. Mỗi người một công việc, các chú, các anh sẽ chẻ lạt, các chị lau lá, các mẹ đãi đỗ, vo gạo, ướp thị để gói bánh. Đám nhỏ con cháu tíu tít chơi đùa quanh nhà, trang trí cho cây đào, cây quất.

Ông nội tôi từng nói: "tết không bánh chưng xanh - dưa hành - cành đào phai - câu đối đỏ - đĩa nhỏ mứt dừa, thì không phải nhà có tết". Hơn hai mươi năm qua, việc gói bánh chưng nó là một nếp sống của gia đình tôi, cũng như bao gia đình khác trên đất Việt này!. 

Khi đỗ và gạo xóc muối để ráo nước, lá dong lau khô, những bàn tay điệu nghệ của bố tôi và các bác thoắn thoắt đong đếm một lượng gạo, đỗ, thịt vừa đủ dài đều trên mặt lá dong. Để gói được một chiếc bánh bằng tay quả thực phải tập luyện rất nhiều, nếu một chiếc bánh gói bị lỏng sẽ làm xô các lớp gạo đỗ, luộc bánh sẽ bị vỡ. Những điều này tôi được bố tôi chỉ dạy trong lúc tập toẹ gói chiếc bánh đầu tiên, chiếc bánh chẳng vuông, chẳng đều nhân, trông đến kỳ cục. Thế nhưng, háo hức lắm, cảm giác được làm một chiếc bánh chưng từ đầu đến cuối nó vẹn nguyên đến tận bây giờ.

Những mẻ bánh vuông vức buộc lạt xếp ngay ngắn vào nồi và công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, là khoảnh khắc thú vị nhất. Chút không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng, những chén trà, những câu chuyện một năm qua cả nhà chia sẻ cùng nhau.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Sinh ra trong thời cuộc mọi thứ đủ đầy, đã có lần tôi tự hỏi cớ gì phải tất bật chuẩn bị cả một ngày để luộc bánh chưng? Cuộc sống đô thị hoá mọi giá trị truyền thống cũng mai một đi, mọi thứ cách tân và hiện đại hoá bằng công nghệ. Người ta có thể ra siêu thị, đặt các cửa hàng chuyển đến tận nhà để có một chiếc bánh vừa ngon vừa rẻ, vừa tiện lợi.

Cũng từ đó, nhữung chiếc bánh chưng được gói dập khuân, được bọc trong túi nilon hút chân không bỏ hộp trở thành những món quà Tết thịnh hành. Những chiếc bánh chưng cho người trẻ "sống vội". 

Thậm chí công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay cũng có nhiều đổi thay, có nơi, có chỗ đã thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga... Hiếm lắm mới nhìn thấy trên một con phố có bếp lửa chờn vờn khói luộc bánh chưng ngày Tết.

Ở các vùng quê giờ đây nhìn đâu để thấy cột khói ngút ngàn trong sương sớm, mùi hương thơm nồng của bánh chưng luộc chín?. Thật sự đã chẳng còn, không khí tết cũng vì thế mà nhạt dần.

Trưởng thành, đi muôn phương rồi trở về, tôi đã quá quen với tục lệ gia đình chuẩn bị trước ngày Tết từ khi còn nhỏ. Tôi hiểu được, một chiếc bánh chưng thời đại số nó chẳng thể nào có được "mùi vị gia đình."

Ngoài việc nấu bánh chưng, dọn nhà, sắp mâm ngũ quả thì không thể quên việc đi Tết ông bà trước ngày 30 tháng Chạp. Đồ tết chỉ giản đơn là chiếc bánh chưng do nhà tự tay gói, một chai rượu nếp ngon, bánh kẹo, mứt. Nhưng trong túi quà tết của con cháu thì không thể thiếu vàng hương để đặt lên bàn thờ tổ tiên. 

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Hơn hai mươi năm, những việc ngày Tết gia đình quen cũ mà ai cũng háo hức đợi chờ. Tôi cũng vậy dù lớn ngần này vẫn mong ngóng ngày Tết.  Ngồi trông nồi bánh chưng xịch xịch sôi trong bếp lửa củi cháy đượm, vẩn vơ bao suy nghĩ về ngày nhỏ, về một năm vừa đi qua. Rồi nhớ ra Tết này thiếu đi gì đó mà không còn gặp lại.

Một điều khác lạ và tôi dần phải quen đó là năm nay gia đình tôi đón tết không còn ông nội. Chúng tôi sẽ không còn được xếp hàng chờ ông phát lì xì, không còn được kề cà bên chén rượu ấm cùng ông. Một cảm giác thiếu, cảm giác "Tết" này đã chẳng còn đủ đầy như bao năm tôi khôn lớn. Song có nét đẹp đặc biệt vào ngày tết của gia đình tôi nó vẫn còn nguyên vẹn sống theo thời gian.

Điều còn lại trong người trẻ như tôi là Tết của bánh chưng xưa và nay!

Theo Hàn Vi/ Đô thị mới