Nguy cơ đuối nước

Theo nhiều báo cáo đánh giá cho thấy, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và thanh niên. Thời gian gần đây, không ít các vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra trên địa bàn cả nước có thể kể đến như: Vụ việc ngày 20/5/2019 một tai nạn đuối nước dẫn đến 4 học sinh trung học bị chết đuối tại xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; trước đó ngày 21/3, 8 học sinh sống trong cùng khu phố Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) gặp nạn khi rủ nhau đi tắm tại sông Đà thuộc địa phận phường Thịnh Lang…Và còn rất nhiều các tai nạn thương tâm khác liên quan đến việc tắm sông, hồ gây ra.

Bất chấp nguy hiểm người dân vẫn giải nhiệt nơi sông hồ - Ảnh 1

Người dân bất chấp nguy hiểm tìm đến sông, hồ đề giải nhiệt ngày trong ngày hè

Nguy hiểm là vậy, nhưng trong những ngày thời tiết nắng nóng, đa phần các bể bơi luôn trong tình trạng quá tải thì nhiều người dân đã tìm đến sông, hồ giải nhiệt. Ngay tại địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, đã hình thành nhiều bãi tắm tự phát như: Bãi giữa sông Hồng, hồ Tây, hồ Linh Đàm…Các bãi tắm này thu hút rất đông người dân từ người già đến trẻ nhỏ đến tắm mỗi buổi chiều về.

Khi được hỏi về lý do tại sao lựa chọn sông hồ để làm nơi giải nhiệt vào mùa hè ông Bùi Quang (sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, ngay từ đầu mùa hè đa phần các bể bơi đều trong tình trạng quá tải. Chính điều này, khiến nhiều hồ bơi phải thường xuyên sử dụng các hóa chất khử trùng như clo để tẩy rửa.” tôi cho các cháu đến tắm bể bơi chỉ vài buổi là về da lại đen xạm, nhiều lần bị vậy nên không dám đến hồ bơi nữa, cứ những ngày nóng ba ông cháu lại dẫn nhau ra hồ Tây tắm”, ông Quang chia sẻ.

Tuy nhiên, chính bản thân ông Quang cũng phải thừa nhận rằng nguồn nước ở các sông hồ hiện nay không còn sạch như trước đây, nhiều khu vực tại hồ Tây do cống nước thải của thành phố chảy vào nên nguồn nước đã bị ô nhiễm.

Bất chấp nguy hiểm người dân vẫn giải nhiệt nơi sông hồ - Ảnh 2Nhiều người phớt lờ biển cảnh báo nguy hiểm, cấm bơi lội

Do là bãi tắm tự phát nên các biện pháp đảm bảo an toàn cho người đến tắm như phao cứu hộ, người cứu hộ hoàn toàn không được đảm bảo. Tuy nhiên, khi được hỏi về các nguy hiểm khi tắm tại sông hồ trên, nhiều người dân còn tỏ ra khá thờ ơ. Theo anh Thành (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, khu vực này mực nước không quá sâu nên không cần mang theo áo phao, lại có rất đông người đến tắm thì vấn đề an toàn cũng không đáng ngại lắm. Bản thân anh vẫn thường dẫn các cháu ra hồ Tây tắm những ngày nắng nóng.

Tại nhiều điểm sông hồ trên địa bạn Hà Nội, mặc dù các cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm bơi lội nhưng nhiều người vẫn bất chấp sự an nguy của bản thân để tìm nơi giải nhiệt mùa hè.

Lây lan bệnh tật

Theo Bs Vũ Kiên Trung, Khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học – TT Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, tổ chức Y tế thế giới đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, 80% các bệnh tật của con người có liên quan đến nước. Các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh chứa tác nhân sinh học truyền qua nước như vi khuẩn gây bệnh đường ruột, virus, ký sinh trùng và các loại sinh vật…

Các loại vi khuẩn gây bênh xâm nhập vào cơ thể con người trực tiếp qua nước hoặc gián tiếp qua nước. Trong vi khuẩn gây bệnh, có những loại gây ra các bệnh hiểm nghèo như tả, thương hàn hoặc các bệnh dễ lan truyền như tiêu chảy, lỵ…Nguồn nước bị ô nhiễm có thể chứa virus đường ruột ( bại liệt, coxgackic, Echo), virus viêm gan. Bệnh viêm gan có thể truyền  qua sò, ốc hến, sống ở nước bị nhiễm bẩn nhiều loại sán do chủ trung gian sống trong nước như: sán lá gan, sán lá ruột, sán máng và bênh sán lá phổi…

Bất chấp nguy hiểm người dân vẫn giải nhiệt nơi sông hồ - Ảnh 3Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều không có các phương tiện như phao cứu sinh

Tiếp xúc với các nguồn nước bẩn cũng được xem là nguyên nhân chính gây nên các bệnh về mắt như đau mắt hột, viêm màng tiếp hợp; các bệnh ngoài da: Ghẻ, lở, hắc lào, nấm da…Ngoài ra các nguồn nước bị nhiễm độc bởi một số chất độc hóa học như các kim loại nặng, chì, thạch tín, các chất phóng xạ được xem là tác nhân gây ung thư.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội năm 2018 về kết quả phân tích chất lượng nước trên 4 sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và 13 hồ điều hòa cho thấy, các sông, hồ Hà Nội đều có tình trạng ô nhiễm dầu mỡ với tổng hàm lượng dầu mỡ có trong nước sông hồ từ 0,5-2,5mg/l, cao hơn quy định cho phép về chất lượng nước mặt từ 2-3 lần.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến nghị rằng, người dân không đánh đổi sức khỏe, tính mạng của bản thân khi chọn sông hồ làm nơi giải nhiệt mùa hè.

Nguồn: http://baodansinh.vn/bat-chap-nguy-hiem-nguoi-dan-van-giai-nhiet-noi-song-ho-d99482.html

Theo baodansinh.vn