Như Tiêu dùng + đã phản ánh, thời gian gần đây, hàng loạt khách hàng dùng điện thoại hết sức bức xúc vì mạng 3G nuốt tiền một cách nhanh chóng đến khó hiểu. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, một chuyên gia công nghệ viễn thông ở TP.HCM, nhận định: “Hiện nay, mỗi nhà mạng đều cung cấp rất nhiều gói cước với giá khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn, nếu nhìn sơ qua thì có thể thấy đó là dịch vụ đa dạng, phục vụ nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, VN không có một cơ quan quản lý thị trường viễn thông độc lập như các nước nên chất lượng 3G cũng như giá thành rất khó kiểm soát”.

Vì thế, ông Thắng lo ngại: “Từ đó việc nhà mạng đưa ra rất nhiều gói cước liệu có thực sự là vì người tiêu dùng hay đó là một ma trận làm người tiêu dùng hoa mắt, để các nhà mạng dễ móc túi người tiêu dùng hơn. Thêm vào đó, nhà mạng hiện nay gần như “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa cung cấp dịch vụ vừa là người quyết định chuyện tính cước, trừ đúng hay trừ sai không ai biết, không ai kiểm tra.

Cách làm này có thể thấy ngay là quyền lợi của khách hàng không được đảm bảo. Ví dụ như chính sách giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi của Viettel mới đây, họ đã âm thầm áp dụng từ tháng 1.2015 nhưng đến tháng 4.2015 mới công bố.

Một chuyên gia viễn thông (không muốn nêu tên) phân tích: “Theo quy định của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), từ ngày 1/3/2015, các doanh nghiệp (DN) viễn thông cung cấp dịch vụ 3G phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng phù hợp với các mức chỉ tiêu quy định tại quy chuẩn QCVN 81:2014/BTTTT, chẳng hạn như phải đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ đạt từ 90% trở lên và thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình phải không lớn hơn 10 giây. Có thể do việc buộc phải tăng chất lượng 3G theo đúng yêu cầu này nên dung lượng 3G theo gói cước của người dùng cạn nhanh hơn”.

Theo quy chuẩn chất lượng cho mạng 3G mới được Bộ TT-TT đưa ra, để kiểm định chất lượng, Bộ TT-TT sẽ xác định các chỉ tiêu chất lượng 3G theo phương pháp mô phỏng với số lượng mẫu đo tối thiểu là 1.500 mẫu và được kiểm tra tại các điều kiện sử dụng dịch vụ khác nhau như: trong nhà, ngoài trời tại các vị trí cố định và đo ngoài trời di động. Với mỗi điều kiện đo kiểm sẽ thực hiện đo vào các giờ khác nhau trong ngày, trong vùng cung cấp dịch vụ...

Khách hàng không có nhiều chọn lựa vì thị trường đang bị thống lĩnh bởi 3 nhà cung cấp dịch vụ 3G có mức giá đắt như nhau và chất lượng kém như nhau.

Khách hàng không có nhiều chọn lựa vì thị trường đang bị thống lĩnh bởi 3 nhà cung cấp dịch vụ 3G có mức giá đắt như nhau và chất lượng kém như nhau.

Tiêu chuẩn chất lượng 3G được ban hành còn quy định cụ thể về các chỉ tiêu chất lượng phục vụ khách hàng của DN viễn thông như: tỷ lệ khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ phải nhỏ hơn hoặc bằng 0,25 khiếu nại/100 khách hàng/3 tháng; DN cung cấp dịch vụ internet phải có văn bản hồi âm cho toàn bộ khách hàng khiếu nại trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận khiếu nại; thời gian cung cấp dịch vụ trợ giúp khách hàng qua điện thoại phải được thực hiện 24 giờ trong ngày...

Quy định quản lý về chất lượng dịch vụ 3G như vậy là chặt chẽ, nhưng vẫn chưa có các quy định buộc nhà mạng phải minh bạch trong khâu tính cước, và đó là vấn đề sẽ còn khiến người tiêu dùng bức xúc trong thời gian tới.

Theo chuyên gia công nghệ Vũ Ngọc Sơn, thật khó để người dùng bình thường có thể nắm rõ cũng như hiểu cách tính cước 3G của các nhà mạng; trong khi nhà mạng lại không có sự tư vấn rõ ràng khi cung cấp dịch vụ. Vì vậy, để tránh bị rơi vào các trường hợp mất tiền oan, người dùng có thể tự kiểm soát việc truy cập internet qua 3G thông qua phần mềm trong các máy điện thoại thông minh. Từ đó có thể đối chiếu với nhà mạng. Ngoài ra, người dùng nhớ kiểm soát các ứng dụng trong điện thoại để tránh trường hợp tự động nâng cấp và sẽ khiến người dùng tốn thêm cước 3G./.

 

Tự kiểm tra các dịch vụ, gói cước 3G

Người tiêu dùng có thể “tự cứu” bằng cách tự kiểm tra các dịch vụ, gói cước 3G như sau:

* Đối với mạng MobiFone: gõ TK DATA gửi đến 999 (cước phí 200 đồng/tin nhắn). Nội dung trả về sẽ thông báo bạn đang sử dụng gói cước nào, dung lượng sử dụng còn bao nhiêu MB và hạn sử dụng. Ngoài ra, để kiểm tra miễn phí, bạn có thể đăng nhập vào tài khoản của mình tại website mobifone.com.vn.

* Đối với mạng Viettel: soạn cú pháp tin nhắn Tra Cuoc gửi 191 (tra cứu lưu lượng 3G các gói MI10, MI30 và MI50 - giới hạn dung lượng miễn phí). Đối với gói cước MiMax, MID1, Dmax và Dmax 200, soạn tin nhắn KTTK gửi 191. Phí tin nhắn SMS gửi đến 191 là 100 đồng/tin nhắn.

Với các gói MI10, MI30, và MI50 (giới hạn dung lượng miễn phí) trả trước, bạn đọc vào phần gọi điện thoại, gõ mã sau để gọi: *102#

* Đối với mạng Vinaphone: tra cứu lưu lượng 3G Vinaphone, soạn cú pháp tin nhắn DATA gửi 888, miễn phí tin nhắn.

Bạn đọc có thể gọi đến tổng đài của nhà mạng để kiểm tra trực tiếp theo số thuê bao của mình: Vinaphone (18001091 - miễn phí cho thuê bao Vinaphone và VNPT), MobiFone (18001090 - miễn phí) và Viettel (19008198 - 200 đồng/phút cho thuê bao Viettel và 1.000 đồng/phút thuê bao ngoài mạng).

Người dùng điện thoại thông minh (smartphone) có thể tận dụng chức năng quản lý lưu lượng mạng để theo dõi lưu lượng mạng 3G đang sử dụng.

Trên smartphone dùng Android, vào phần Thiết lập (Settings) - Dữ liệu mạng di động (Mobile Data) để theo dõi. Tại đây, Android hiển thị rõ những ứng dụng nào đã sử dụng bao nhiêu MB dữ liệu. Ví dụ, Facebook mỗi ngày “ngốn” bao nhiêu MB trong gói cước 3G tháng của bạn.

Trên iPhone, tương tự vào phần Thiết lập (Settings) > Cellular. Tại đây, bạn có thể theo dõi lưu lượng dữ liệu các ứng dụng đã dùng. Bạn có thể cho phép hoặc ngừng việc sử dụng dữ liệu của từng ứng dụng.

Cuối cùng, bạn đọc có thể theo dõi sử dụng lưu lượng mạng 3G trên điện thoại của mình bằng ứng dụng di động (app).

Hai ứng dụng sau đều cung cấp nhiều tính năng theo dõi trực quan, theo thời gian thực, hỗ trợ cả Android lẫn iPhone (iOS) và miễn phí, gồm: Onavo Count | Data Usage (https://goo.gl/RLesY - Android), Onavo Extend (https://goo.gl/OiSQF - iPhone/iPad) và My Data Manager (https://goo.gl/J31M7T - iPhone/iPad và https://goo.gl/FFQt7 Android).

Chuyên mục Bảo vệ Người tiêu dùng của Tiêu dùng Plus tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng... Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào đường dây nóng: 0982.179.091; Hoặc gửi qua hòm thư: toasoantieudung@gmail.com

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Gia đình Việt Nam