Tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương. Tại buổi làm việc này, ông Phạm Lê Thanh – Tổng giám đốc EVN (thời điểm đó) cho biết, hiện nay số lượng cán bộ công nhân viên đi “ghi chữ, thu tiền” tại EVN là rất đông, đến 67.000 người trong các Tổng công ty Điện lực chủ yếu làm công việc này.

Tuy nhiên, ngày 3/10, EVN đã có công văn thông tin chính xác đính chính lại số liệu mà ông Thanh công bố. Theo đó, EVN cho biết, hiện nay, Tập đoàn có 5 Tổng công ty Điện lực: Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Tổng công ty Điện lực Miền Nam và Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh. Tổng số cán bộ công nhân viên của 5 Tổng công ty nói trên là 67.000 người. Số lượng 67.000 người này làm việc trong tất cả các khâu có liên quan đến kinh doanh, phân phối điện năng.

“Số lượng nhân sự nói trên đang hàng ngày, hàng giờ duy trì, đảm bảo công tác cung cấp điện, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp phân phối, xử lý sự cố… để điện đến với tất cả khách hàng trên mọi miền đất nước: từ biên giới, hải đảo, vùng núi, vùng sâu đến đồng bằng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Và công tác thu tiền điện chỉ là một phần nhỏ trong các công việc của 67.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên tại các Tổng công ty Điện lực”, theo văn bản đính chính của EVN.

Việc 67.000 người của EVN làm nhiệm vụ gì đi chăng nữa không còn quá quan trọng, mà điều dư luận quan tâm chính là chất lượng và năng suất lao động của số người này. Chính Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã tự nhìn nhận, năng suất lao động trong ngành còn quá thấp. So với thế giới, năng suất lao động ngành điện Việt Nam chưa bằng 1/2 Thái Lan, chỉ bằng 3/4 Malaysia và nếu so với Singapore thì chỉ bằng 1/10.

Cụ thể, Tổng công ty Điện lực Hồ Chí Minh có năng suất lao động cao nhất hiên là 2,4 triệu kWh/người, trong khi tại Malaysia, con số này là khoảng 2,9 triệu kWh/người, còn tại Nhật Bản, như ở Tập đoàn Tepco, năng suất lao động đạt là 7,5 triệu kWh/người.

Trước thông tin này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra rất sốt ruột. Thủ tướng nói: "Năng suất lao động của mình bằng 40% Thái Lan, bằng 60% Malaysia, bằng 10% Singapore thôi là sao? Có phải vậy không? Chúng ta yếu ở khâu nào, do trình độ lao động, hệ thống máy truyền tải công nghệ lạc hậu hay do biên chế gia tăng…?"

"Tôi được biết có Chi cục Điện lực, lãnh đạo trước khi nghỉ hưu nhận thêm hàng trăm nhân viên vào làm việc. Thử hỏi như thế thì làm sao năng suất lao động cao được?”, Thủ tướng cho hay. Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian ngắn tới dứt khoát phải có phương án nâng cao năng suất, không thể kéo dài được..

Năng suất thấp được lý giải chủ yếu do biên chế lao động tại EVN quá lớn, trong đó, với điều kiện mà theo như ông Thanh nói thì còn phụ thuộc vào trang thiết bị hiện nay. Trong khi các nước đã chuyển sang sử dụng công tơ điện tử đo lượng điện tiêu thụ từ xa, truyền dữ liệu về trung tâm điều hành và in luôn hóa đơn. Khâu thanh toán cũng thực hiện qua “trung gian” là chuyển khoản ngân hàng…. Thì tại Việt Nam, vẫn cần một số lượng lớn cán bộ đi “ghi chữ, thu tiền”.

Một hình ảnh phổ biến nữa là để ghi được chỉ số điện năng hoặc sửa chữa công-tơ luôn phải có 2 người kèm theo một chiếc thang tre. Hiện tượng này vẫn y hệt như cách làm của ngành điện ngày trước, cách đây tới cả nửa thế kỷ trong khi xã hội đã tiến triển, văn minh hơn bội lần về mọi mặt. Tất nhiên, tiền lương trả cho đội ngũ nhân sự “khủng” làm công việc rất thủ công quá lãng phí này được tính vào giá thành bán điện cho người sử dụng. Như vậy, làm sao giá điện không cao? Đó là chưa nói việc bảo quản vật tư, trang thiết bị, hệ thống đường dây tải điện không tốt gây hư hỏng, lãng phí, nhanh phải thay thế. Tất cả cũng được tính vào giá thành bán điện.

Năng suất lao động của ngành điện nước ta còn yếu kém.

Năng suất lao động của ngành điện nước ta còn yếu kém.

Trước đó, qua các thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về hóa đơn tiền điện, ngành điện đã phát hiện hàng chục trường hợp nhân viên ngành điện nhầm lẫn khi ghi chỉ số công tơ khiến tiền điện ghi trong hóa đơn tăng hoặc giảm so với thực tế. Nguyên nhân là do công nhân đọc, ghi nhầm chỉ số hoặc khi nhập số liệu vào hệ thống bị nhầm lẫn. Song, chỉ những hộ dân phát hiện sự bất thường, làm đơn khiếu nại tới ngành điện mới được bồi hoàn lại tiền. Còn những người không để ý, không biết cách tính giá điện hoặc xuề xòa cho qua thì đành chịu thiệt.

Nhìn ra thế giới mới thấy quy trình, thủ tục đo, đếm lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng ở nước ta còn quá lạc hậu. Không nói các nước tiên tiến, văn minh mà chỉ so với Mô-zăm-bích là nước nghèo ở châu Phi thua kém ta khá xa về nhiều mặt. Ở nước này, người dân có thể mua điện và trả tiền điện giống như việc trả tiền điện thoại di động. Một gia đình cào thẻ dùng điện trả trước, hết tiền, hệ thống quản lý tự động sẽ cắt điện. Nếu muốn dùng tiếp, hộ này chỉ cần nạp thẻ qua điện thoại di động là xong. Còn ở ta thì sao? Nhân viên đi thu tiền điện vẫn phải gõ cửa từng nhà thu từng đồng, có khi đi đi lại lại vài lần mới thu xong tiền điện của một hộ do họ không phải lúc nào cũng ở nhà. Lại có cảnh người dân một số địa phương phải xếp hàng để trả tiền điện như thời bao cấp… Lao động thủ công dẫn đến chi phí phải đội lên. Công đi thu tiền điện của dân lại phải tính vào giá điện. Giá điện vì thế phải cõng đủ loại chi phí, làm sao có thể rẻ?!

Người dân kêu thì ngành điện đề nghị hãy đi giám sát cùng ngành điện khi chốt chỉ số công tơ. Có thể tới đây, người dân lại phải bỏ công bỏ việc để đi… leo cột điện cùng nhà đèn. Mà leo cột điện cùng nhà đèn cũng chưa chắc hết được sai sót vì công tơ chốt ở cột điện là một chuyện, đến lúc chỉ số điện đưa về còn phải được tra cứu, nhập máy bởi hàng trăm nhân viên khác. Ai đảm bảo lại không có sự sai sót ở các khâu này?!

Hiện tại, nước ta đang có 19 triệu công-tơ, chủ yếu là công-tơ cơ. Năm 2003, EVN đã thí nghiệm dùng công-tơ điện tử thay thế công-tơ cơ ở TP.HCM. Nhưng vụ bê bối liên quan đến 6000 công-tơ điện tử rởm khiến nhiều người liên quan bị xử lý đã khiến việc thí ngiệm này bị dang dở. Sự việc xảy ra đã hơn 10 năm. Thật đáng tiếc là việc dùng công-tơ điện tử sẽ rất thuận lợi, tiết kiệm được nhiều nhân công và tránh được mọi sai sót trong quá trình nhập các dữ liệu đã không được tiếp tục thực hiện chỉ vì một nhóm người làm sai.

Ai cũng thấy rõ những lãng phí về nhân công, những lạc hậu, thô sơ về quy trình làm việc ở nhiều khâu mà việc ghi chỉ số công-tơ và thu tiền điện là một minh chứng đã khiến giá thành điện bán ra đội lên ngất ngưởng. Tất cả đã bổ vào người dân - đối tượng dùng điện. Sự vô lý này không thể tiếp tục tồn tại bởi sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội - một trong những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phấn đấu để duy trì.

Và phải nói thêm rằng, để chống lỗ, lẽ ra ngành điện phải không ngừng cải tiến kỹ thuật, áp dụng các biện pháp tiên tiến để tăng năng suất lao động, giảm thiểu chi phí đầu vào thì họ lại chỉ nghĩ đến một cách duy nhất, thuận tiện cho họ nhất là tăng giá điện, tức là bổ vào người dân. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương không kìm nén được sự bất bình đã phải thốt lên với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: ““Ở nước ta điện là một mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi, tăng tiếp, và tăng nữa đó là điệp khúc mà có lẽ ra đời từ thủa khai sinh ra ngành điện lực nước nhà”!”.

Thừa nhận chuyện bộ máy biên chế “phình to” đã ảnh hưởng tới năng suất lao động của ngành, Chủ tịch EVN Hoàng Quốc Vượng “hứa” với Thủ tướng, EVN đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài như lắp đặt công tơ điện tử, khuyến khích người dân đóng tiền điện qua ngân hàng… để nâng cao năng suất lao động của ngành. Ông Vượng báo cáo mục tiêu: "Ngành điện phấn đấu tới năm 2020 năng suất lao động sẽ ngang bằng với Thái Lan, Malaysia”.

Tuy nhiên, Thủ tướng không hài lòng với mục tiêu mà EVN đang đặt ra. Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu như năng suất lao động ngành điện thấp là do biên chế tăng quá lớn thì không cần phải chờ đến năm 2020 mới đạt ngang bằng Thái Lan, mà phải cắt giảm ngay. Giảm biên chế không có nghĩa là đẩy người lao động ra đường, mà cần sắp xếp lại cho đúng vị trí, trình độ để nâng cao năng suất lao động lên”.

Thủ tướng yêu cầu EVN phải xem xét lại bộ máy, cắt giảm tinh gọn biên chế để nâng cao năng suất lao động của ngành. Trong đó, EVN cần sớm báo cáo Đề án về sử dụng công nghệ quản lý lưới điện và thu tiền điện thông minh để xem xét, quyết định.

Nếu ngành điện quyết tâm tinh giản biên chế, ứng dụng nghiêm túc khoa học công nghệ vào việc tính và thu tiền điện thì chắc chắc chi phí sản xuất và giá điện sẽ giảm đáng kể. Hiện EVN đã có cả Chủ tịch và Tổng Giám đốc mới. Những lời hứa của những vị “quan” cũ vẫn còn đó. Người dân đang trông chờ những sự thay đổi của Tập đoàn, để giá điện được trở về đúng giá thật của nó. Tuy nhiên, điện giá rẻ có lẽ không phải ở tương lai gần, bởi xây dựng thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều ý kiến cho rằng khi EVN vẫn độc quyền thì giá điện sẽ còn tăng. Nếu có một thị trường cạnh tranh, trong đó có nhiều người bán, thì EVN có muốn tăng giá điện cũng phải nhìn ngó các nhà cung cấp khác./.

Bá Ngôn / Theo Gia đình Việt Nam