“Thế giới cần hành động khẩn cấp nhằm tránh các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra”. Đây là lời kêu gọi do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra tại Hội nghị Khí hậu vừa diễn ra ngày 30/6 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Từ cơn “vã mồ hôi” của châu Âu

Những ngày vừa qua, “Nắng nóng kỷ lục” có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông ở châu Âu. Nhiệt độ tại nhiều khu vực ở châu Âu đã chạm hoặc thậm chí vượt ngưỡng kỷ lục vốn tồn tại cả thế kỷ qua. Ngày 27/6, một số khu vực tại Pháp và Tây Ban Nha ghi nhận mức nhiệt kỷ lục lên 44 độ C. Cá biệt, Cục dự báo thời tiết Pháp cho hay nhiệt độ ở Gallargues-le-Montueux, tỉnh Grad, miền nam đất nước, đạt 45,9 độ C vào 16h20 chiều 28/6. “Đây là một kỷ lục lịch sử”, nhà khí tượng học Etienne Kapikian nói. “Lần đầu tiên Pháp ghi nhận nhiệt độ vượt quá 45 độ C”.

Theo Meteo-France, mức nhiệt ở Pháp lần này sẽ vượt ngưỡng nhiều đợt trước đó, vượt qua cả đợt nắng nóng lịch sử 2003 khiến hơn 14.000 người thiệt mạng. Khoảng 4.000 trường học phải đóng cửa, chính quyền địa phương hủy bỏ nhiều lễ hội kết thúc năm học, viện dưỡng lão trang bị thiết bị cảm biến hydrat cho người lớn tuổi. Đi kèm với nóng là bụi siêu mịn PM 2.5 có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.

Pari đang trải qua một mùa hè đổ lửa. Pari đang trải qua một mùa hè đổ lửa.

Nắng nóng luôn đi kèm với nguy cơ cháy rừng. Nhiều quốc gia châu Âu đã nâng cảnh báo cháy rừng lên mức cực kỳ nguy hiểm. Theo Đài Euronews, gần 1.400 vụ cháy rừng đã xảy ra ở châu Âu trong năm 2019.

Thế giới cần hành động khẩn cấp!

Tổ chức Khí tượng Thế giới ở Geneva cho hay 2019 sẽ là một trong những năm nóng nhất thế giới và 2015 - 2019 sẽ là khoảng 5 năm nóng nhất được ghi nhận. Dù còn quá sớm để cho rằng nắng nóng do biến đổi khí hậu, cơ quan khí tượng của Liên Hợp Quốc đồng ý nó có liên quan tới tác động của khí thải nhà kính. Thậm chí, tiến sĩ Dim Como, chuyên gia về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ở Đại học Amsterdam, nói: “Do biến đổi khí hậu toàn cầu, các dạng nắng nóng bất thường có thể xảy ra thường xuyên và khủng khiếp hơn”.

Chính bởi lẽ đó, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những “điểm nóng” nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra trong hai ngày 28-29/6 vừa qua tại Osaka (Nhật Bản). Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, biến đổi khí hậu là một “bài toán cần lời giải”, rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang tồi tệ hơn chúng ta dự đoán trước đó, thể hiện qua các đợt sóng nhiệt ở châu Âu, hạn hán ở châu Phi, các cơn bão ở châu Phi và khu vực Caribe, cũng như một loạt thiên tai ngày càng thảm khốc xảy ra với tần suất ngày một tăng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Cũng chính vị Tổng Thư ký LHQ, trong một tuyên bố hồi năm ngoái, cũng đã cảnh báo biến đổi khí hậu khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050. Theo ông Guterres,  vào trước cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trái đất không được vượt 1,5 độ C so với các mức ở thời kỳ tiền công nghiệp và để làm được điều này đòi hỏi thế giới thực hiện mục tiêu giảm lượng phát thải khí carbon xuống bằng 0 vào năm 2050. Tổng Thư ký Guterres hy vọng tại Hội nghị hành động khí hậu 2019 dự kiến diễn ra tại trụ sở của LHQ ở New York từ ngày 21-23/9, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết mạnh mẽ hơn với các hành động chống biến đổi khí hậu, trong đó có việc thu phí carbon, bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, và không chấp nhận những kế hoạch xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than đá.

Đồng quan điểm với Tổng Thư ký Antonio Guterres, bà Maria Fernanda Espinosa Garces- Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh, rằng với biến đổi khí hậu, chúng ta không còn thời gian nữa, rằng: “Cái giá của việc không hành động là quá cao. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nghiêm túc chuyển đổi sang các nền kinh tế không carbon”.

Nguồn: https://congluan.vn/bien-doi-khi-hau-bai-toan-can-loi-giai-khan-cap-post64560.html

Theo Báo Công Luận Online