Big C đang được nhận rất nhiều ưu ái…

Những ngày qua, dư luận đang bàn tán, bình luận về vụ Central Group (Tập đoàn Thái Lan) sở hữu chuỗi siêu thị Big C đột ngột thông báo, kể từ tháng 7/2019, Big C tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp hàng dệt may Việt Nam. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt phản ứng mạnh vì họ cho rằng Big C kinh doanh không lành mạnh và bình đẳng đối với hàng Việt Nam.

Hôm nay (ngày 4/7), Bộ Công thương có cuộc gặp với Central Group và đơn vị này cam kết trong 2 tuần từ ngày 4/7 sẽ mở lại đơn hàng cho 150 nhà cung cấp. 2 tuần tới, tập đoàn này sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp Việt Nam và mở lại đơn hàng cho 100 nhà cung cấp tiếp theo. 50 nhà cung cấp còn lại sẽ tiếp tục làm việc kỹ hơn, do số doanh nghiệp này chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký.

PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội để làm rõ về hành động này của Big C.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội

Theo ông Phú, Big C nhận được rất nhiều ưu ái của nhà nước Việt Nam như: Cắm đất, miễn thuế thu nhập…, các tỉnh còn giúp Big C phát triển 35 chuỗi trên toàn quốc. Đơn vị này còn được nhận bằng khen của Bộ Công thương vì có thành tích thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Năm 2016, trước dấu hiệu hàng Thái Lan lấn át hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Big C sau khi tập đoàn Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị này, lãnh đạo Central Group đã cam kết 90 - 95% sản phẩm bán tại hệ thống là hàng Việt, nhằm tạo điều kiện để hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Nhưng thực tế không phải vậy, năm 2017, với nhiều lý do, trong đó có lý do chiết khấu cao, nhiều mặt hàng Việt Nam đã phải rời khỏi kệ hàng ở Big C. Điều đó cho thấy đây không phải là lần đầu tiên Big C dừng bán hàng Việt.

Cách đây 4- 5 năm trước, toàn bộ những nhà sản xuất nhãn hàng riêng cho Big C phải ra ngoài, Big C tự làm. Cách đây hơn 2 năm, Thế giới di động, điện máy cũng phải ra khỏi Big C và tất nhiên không được quay trở lại.

Bây giờ, Big C lại tiếp tục lật kèo 180 độ, không có thông báo, không gửi văn bản trước vài tháng để các nhà cung cấp còn chuẩn bị. Chỉ đến khi có cuộc hop với Bộ Công thương, Big C mới thay đổi quyết định. Như vậy, đạo đức kinh doanh của Big C, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp không ổn, chưa nói đến luật pháp”, ông Phú nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này phân tích, mấy ngày trước, Big C dừng đột ngột nhập hàng dệt may Việt Nam như vậy không thỏa đáng mặc dù có thể Big C có quyền này, nhưng Central Group lại lý giải do muốn tái cấu trúc, loại những nhà bán hàng lẻ tẻ ra, trong khi Nhà nước đang khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy, câu nói của Big C là không bình thường.

… nhưng lại đi o ép chiết khấu cao hàng Việt Nam

Mặc dù được nhận nhiều ưu đãi như vậy nhưng Big C lại kinh doanh không lành mạnh. Điển hình nhất là đòi chiết khấu rất cao. Năm 2016, Big C là hệ thống siêu thị tăng chiết khấu cao nhất, tăng 4,25 – 5,5% lên mức 17 – 25%.

Theo chuyên gia Phú, rất nhiều doanh nghiệp Việt “kêu” về vấn đề này với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam. “Bản thân tôi cũng đã giới thiệu một vài doanh nghiệp vào Big C nhưng rất khó khăn. Hiệp hội thủy sản cũng đã từng kiện Big C vì tội nâng chiết khấu.

Cũng trên thị trường Việt Nam, Vingroup, SaigonCorp, Hapro lại làm ăn khác, đặc biệt là Vingroup giảm chiết khấu 0% cho các nhà cung ứng và đầu tư vào sản xuất, bao tiêu với lợi nhuận hợp lý. Hay Hapro nhập miến mất có 10 ngày, chi phí bằng ¼ các siêu thị ngoại,… Như vậy, các đơn vị này liên kết rất tốt với các đơn vị cung ứng và sản xuất”, ông Phú nói.

  Big C đang kinh doanh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp Việt Nam?

  Big C đang kinh doanh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp Việt Nam?

Câu hỏi được đặt ra: “Big C có đang ép nhà cung ứng hay không”?

Theo chuyên gia kinh tế, vấn đề này đã được nhiều nhà lãnh đạo phát biểu trong nhiều cuộc họp và đã cảnh báo. Minh chứng, một doanh nghiệp muốn vào Big C mất phí cứng 20%, phí mềm 12%, lót tay chưa kể,… như vậy lợi nhuận của nhà sản xuất sẽ không còn.

Bị "o ép" nên nhiều nhà cung ứng phải bỏ siêu thị và tự lập chuỗi riêng hay bán ngoài chợ, mặc dù sản phẩm của họ có chất lượng rất tốt. Trong khi, Nhà nước đang vận động ưu tiên dùng hàng Việt, như vậy, Big C đang đi ngược lại chính sách của Nhà nước?

Một vấn đề nữa, chúng ta chăm lo cho sản xuất nhưng khâu trung gian, thương mại "ăn" quá nhiều. Ví dụ rõ nhất cho vấn đề này, luật phân phối mía đường của Thái Lan như sau: Người trồng mía được hưởng 70% lợi nhuận, bán buôn - bán lẻ hưởng 30%, nhưng kinh doanh ở Việt Nam đang ngược lại, 30 – 70%. Cùng bán trên một đất nước mà có hai thái cực như vậy, một anh được đối xử tử tế, một anh được đối xử tệ bạc”, chuyên gia Phú nhấn mạnh.

Ông Phú cho rằng, hàng Thái Lan sẽ vỗ tay ăn mừng vì hàng Việt Nam bị chiết khấu quá cao, bắt buộc họ phải đẩy giá thành. Trong khi, hàng Thái Lan không chịu những chi phí đó nên bán với giá thấp hơn hàng Việt. Như vậy, hàng Việt bị đẩy ra ngoài là đương nhiên.

Chưa kể, có những trường hợp còn bị ép bán theo giá của siêu thị. Kinh doanh phải có trách nhiệm, văn hóa và bình đẳng, nhưng Big C lại o ép các doanh nghiệp Việt một cách rất ghê gớm. Qua đó ta có thể thấy, Big C lật kèo rất nhanh, phụ công “chăm sóc, nuôi dưỡng” của Chính phủ tới người dân đối với Big C”, ông Phú nói.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, đây là một hình thức cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, rất khó để bắt bẻ hay kiện Big C vì thực tế không có luật nào quy định một con số chiết khấu hoa hồng cụ thể khi đưa hàng vào siêu thị. Đây chỉ là thỏa thuận riêng giữa hai bên, không công khai và cơ quan quản lý cũng khó can thiệp.

Cần tăng màu hồng, giảm màu xám

Đây chính là lời khuyên của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho các doanh ghiệp Việt trước tình trạng bị cách doanh nghiệp nước ngoài "o ép" trắng trợn.

Tôi thấy quá sửng sốt vì đây là chuyện động trời, chưa bao giờ có. Big C hưởng ưu ái rồi lại lật kèo. Để bảo vệ mình, chúng ta phải xây dựng các tập đoàn bán lẻ mạnh lên, hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên kết, tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện phát triển chuỗi… Bản thân các doanh nghiệp Việt cũng phải tự xây dựng hệ thống cho mình, không phụ thuộc vào nước ngoài.

Chúng ta mở cửa để kích cầu nhưng phải cạnh tranh sòng phẳng vì nhiều doanh nghiệp Việt chia sẻ với tôi, họ chỉ cần công bằng, không cần ưu tiên là đã sống tốt. Màu hồng tăng, màu xám giảm thì nền kinh tế mới khởi sắc”, ông Phú chia sẻ.

 Nhà nước cần có các động thái tạo không gian cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

 Nhà nước cần có các động thái tạo không gian cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Cũng theo vị chuyên gia này, đối với các cơ quan Nhà nước cần có ý kiến về hành động ép chiết khấu của Big C và xem lại chính sách đầu tư, chính sách phát triển doanh nghiệp Việt, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng.

Các cơ quan của Bộ Công thương phải khuyến khích hàng Việt có chất lượng tốt, không thể có miếng thịt thăn ngon nhất lại đưa sang nước ngoài, miếng thịt bèo nhèo đưa cho doanh nghiệp Việt, vậy thì hàng Việt sẽ bị chết dần chết mòn. Mỗi đại siêu thị nước ngoài cắm ở đâu thì mỗi một tiểu thương, con buôn bán hàng Việt Nam tại đó sẽ bị sụt giảm 30% doanh số. Như vậy, bản chất bên trong là chúng ta đang bị thua đang bị thất thế ngay tại sân nhà”, ông Phú nói.

Cuối cùng chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam “đi với hươu nai thì hiền lành, đi với chó sói phải biết thét”.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới