Ngoài việc đốc thúc thu nợ đọng thuế, đầu tuần này, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo các vụ chức năng nghiên cứu và đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho ngân sách vay 30.000 nghìn tỷ đồng để đảm bảo cân đối thu chi trong năm nay.

Đề nghị được xem là khác với bình thường, bởi lâu nay, bù đắp bội chi ngân sách vẫn hay dùng trái phiếu Chính phủ và vay vốn nước ngoài.

Trả lời VTV, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đề cập tới việc cơ quan này đề nghị vay tạm ứng Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,37 tỷ USD).

Theo ông Hải, việc vay này chỉ là nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước chứ không phải do tình hình ngân sách khó khăn hơn dự kiến. Đại diện Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, đây chỉ là nghiệp vụ vay tạm ứng, bù đắp thiếu hụt trong năm.

Cũng theo Thứ trưởng Hải, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Ngân hàng Nhà nước, trong trường hợp ngân sách thiếu hụt tạm thời, có thể vay ngân hàng và hoàn trả ngay trong năm. Vấn đề đặt ra, đây là hoạt động nghiệp vụ của kho bạc nhà nước chứ không phải tình hình ngân sách quá khó khăn so với dự kiến. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải: Đối với việc đề xuất vay NHNN, đây là giải pháp nghiệp vụ mà kho bạc nhà nước thực hiện theo cách hoàn toàn bình thường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải: Đối với việc đề xuất vay NHNN, đây là giải pháp nghiệp vụ mà kho bạc nhà nước thực hiện theo cách hoàn toàn bình thường.

Việc vay Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong những giải pháp đã được tính đến và thực hiện tùy theo tình hình thực tiễn. Ông Hải thông tin, các cơ quan có liên quan của Bộ Tài chính đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước về việc này. 

“Tôi nhắc lại đây chỉ là hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước, và là chuyện hoàn toàn bình thường”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tài chính cũng khẳng định việc vay này không phải để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, vị này lại từ chối cho biết thông tin về số tiền hàng năm ngân sách vay tạm ứng Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, 30.000 tỷ đồng là con số khá lớn nếu chỉ để bù đắp thiếu hụt tạm thời.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, với kết quả thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 59,8% là “tích cực”. Bộ Tài chính tiếp tục điều hành và tham mưu Chính phủ thực hiện tiết kiệm triệt để chi tiêu, giữ bội chi không vượt quá 5%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bội chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/7 ước khoảng 114.400 tỷ đồng, trong đó khoản chi trả nợ và viện trợ 82,2 nghìn tỷ đồng.

"Phao” cứu sinh cuối cùng

Ngày 29/7, Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết dự trữ ngoại hối Nhà nước đến tháng 7/2015 là 37 tỷ USD. Ông cũng nhấn mạnh đây là số ngoại tệ "tiền tươi thóc thật", sẵn sàng sử dụng. Bên cạnh đó, số vàng cơ quan này đang dự trữ đạt khoảng 10 tấn.

Phát biểu trên báo Dân trí ngày 30/7, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) Nguyễn Đức Độ cho rằng: "Trong bối cảnh áp lực thu ngân sách hiện nay khi giá dầu giảm mạnh và lạm phát thấp hơn nhiều so với kế hoạch, Bộ Tài chính đã có những giải pháp tăng thu, chống thất thu thuế nhưng tương lai vẫn còn nhiều khó khăn.

Về vay nợ, phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm cũng rất khó khăn dù lãi suất tăng lên 6,4%. Trong khi đó, các khoản chi theo dự toán thì vẫn phải chi.”

Theo ông Độ, với nhu cầu chi tiêu tương đối nhiều, Bộ Tài chính cũng tính nhiều kênh khác nhau để vay nợ như vay Bảo hiểm Tiền gửi, xin phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm… để cải thiện. Nếu những giải pháp này càng hiệu quả bao nhiêu thì càng phải vay NHNN ít bấy nhiêu.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, khi NHNN cho ngân sách vay 30 nghìn tỷ đồng mà không có các biện pháp trung hòa đi kèm, cung tiền sẽ tăng. Nếu NHNN vẫn còn lo ngại việc tăng cung tiền này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá, cũng như mục tiêu lạm phát đã đặt ra, đề nghị này sẽ khó có thể được thực hiện.

Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất vay 30.000 tỷ của Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất vay 30.000 tỷ của Ngân hàng Nhà nước.

Trao đổi trên Thanh Niên Online, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, với bất cứ quốc gia nào, việc Bộ Tài chính vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước là điều bình thường, dễ hiểu.

Nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, phải hết sức thận trọng. Thứ nhất, nguồn dự trữ ngoại hối từ Ngân hàng Nhà nước vừa tuyên bố có 37 tỉ USD, 10 tấn vàng lớn nhất từ trước tới nay nhưng không thể dùng để cho vay.

Bởi nó được dùng để can thiệp, điều hành giữ ổn định tỷ giá theo mục tiêu cam kết của Ngân hàng Nhà nước tăng không quá 2% trong năm 2015.

Thứ hai, đối với các quỹ khác như Quỹ điều hành chính sách tiền, Quỹ dự phòng tài chính… đều là các loại quỹ tối quan trọng, dùng can thiệp và điều hành chính sách trong các trường hợp rủi ro.

“Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phải liên tiếp mua lại các ngân hàng, bơm tiền vào tái cơ cấu lại. Như vậy, nếu vay nguồn này, lỡ có sự cố xảy ra trong hệ thống thì lấy tiền đâu xử lý. Trong khi, các quỹ này cũng không đáng kể gì”, ông Hiếu cho biết.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, việc ngân sách gặp khó khăn ai cũng biết nhưng vay phải trả và Quốc hội cần phải giám sát việc này.

Cắt giảm chi tiêu 

Nguồn lực dồi dào nhất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay nằm ở lượng tiền phát hành.

Nhưng hàng năm, theo ông Hiếu, lượng tiền in ra bao nhiêu được tính toán chặt chẽ, dựa trên các yếu tố về lạm phát, lượng vàng, ngoại tệ dự trữ cân đối. “Nếu in thêm tiền để cho vay, chắc chắn sẽ gây áp lực lớn đến nợ công, cũng như gia tăng bất ổn vĩ mô, từ việc không kiểm soát được lạm phát", chuyên gia này khuyến cáo.

Chuyên gia tài chính, tiến sĩ Ngô Trí Long cũng bình luận: Việc in thêm tiền, đòi hỏi phải tạo ra được nguồn hàng tương ứng. Khi khối lượng tiền trên được bơm vào nền kinh tế mà không làm gia tăng được lượng hàng tương ứng, chắc chắn sẽ đẩy giá cả tăng thêm, gây ra lạm phát.

“Không nên vì khó khăn trước mắt mà vội vã huy động bù đắp ngân sách bằng kênh này. Nên chăng chúng ta tính toán tới việc cắt giảm chi tiêu, đặc biệt chi thường xuyên. Có như vậy mới giảm được bội chi, giảm áp lực trả nợ”, ông Long đề nghị.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất: “Căn cơ hơn là tăng cường xử lý nợ đọng thuế, giảm chi tiêu. Hỗ trợ doanh nghiệp, hồi phục làm ăn có lãi nộp tiền cho ngân sách. Còn việc đi vay thì chỉ là nhất thời, không bền vững lại rất rủi ro cho chính sách tiền tệ”./.

Quý Dương (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online