Trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng đã đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở. (Ảnh TL) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở. (Ảnh TL)

Thực trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến chung cư trong thời gian qua chưa có hồi kết. Theo Bộ xây dựng, hiện còn 458/4422 nhà chung cư có các tranh chấp, khiếu nại chủ yếu liên quan đến 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất, chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị, chiếm khoảng 57% số lượng tranh chấp. Thứ hai, đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành, chiếm khoảng 15% số lượng tranh chấp. Thứ ba, xác định sở hữu chung - riêng chiếm khoảng 10% số lượng tranh chấp.

Ngoài ra, còn một số ít tranh chấp liên quan đến: Thu chi tài chính, quy chế hoạt động của Ban quản trị; giá dịch vụ nhà chung cư; không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chất lượng công trình; chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch hoặc không thực hiện đúng hợp đồng mua bán nhà.

Giải quyết các nhóm vấn đề trên, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư.

Cụ thể, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Thông tư số 28/2017/TT-BXD liên quan đến mô hình quản lý nhà chung cư; quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư; tổ chức Hội nghị nhà chung cư; chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư.

Đồng thời nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư theo thẩm quyền, trong đó quy định cụ thể cách xác định diện tích căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng để góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là pháp luật về quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư, về phòng cháy, chữa cháy.

Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư và pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 9/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Nguyên nhân của tình trạng này là do một số nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, nhất là các phương thức quản lý, vận hành mới phù hợp với các loại hình chung cư ngày càng đa dạng hiện nay. Quy định các chế tài xử phạt một số hành vi vi phạm còn nhẹ.

Nguồn: https://congluan.vn/bo-xay-dung-dua-giai-phap-xu-ly-cac-van-de-cua-chung-cu-post63412.html

Theo Báo Công Luận Online