Theo các chuyên gia, bơi lội được đánh giá là môn thể thao giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, phòng chống bệnh tật, giúp cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, việc bơi lội thường xuyên, đúng cách sẽ kiềm chế quá trình thoái hóa ở khớp, làm mạnh xương khớp từ đó phòng tránh các bệnh đau lưng, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm rất tốt.

Trong khi bơi đòi hỏi cả cơ thể phải tham gia tập luyện từ vùng cơ bụng, cơ đùi, đầu gối, cơ tay, dây chằng… Tuy nhiên, không phải bơi thế nào cũng tốt cho những người bị bệnh lý xương khớp, thoát vị đĩa đệm…

 Bơi sải rất tốt cho sức khỏe của người có bệnh lý về xương khớp. ảnh Internet

Bơi sải rất tốt cho sức khỏe của người có bệnh lý về xương khớp. ảnh Internet

Chia sẻ về điều này, thầy Điền Đức Dũng – Trung tâm Dạy bơi Hà Nội (Nguyễn Chí Thanh- Hà Nội) cho biết, ở lứa tuổi nào bơi cũng rất tốt cho sức khỏe, chỉ là bơi bao nhiêu và thời gian như thế nào. Đối với những người mắc tim mạch, bệnh lý xương khớp, thoát vị đĩa đệm trước khi áp dụng biện pháp bơi lội giúp giảm đau do thoát vị đĩa đệm gây nên cần tham khảo ý kiến bác sỹ chuyên khoa để xem tình trạng sức khỏe của mình có nên đi bơi hay không.

Bên cạnh đó, bạn nên đến thầy dậy bơi để được tư vấn cho mình kiểu bơi phù hợp với tình trạng bệnh đang mắc phải vì bơi lội là môn thể thao vận động toàn diện đòi hỏi tới thể lực, sức mạnh vùng cơ cùng sự kéo dãn của cột sống.

Khi bị xương khớp, thoát vị đĩa đệm… nếu chọn các kiểu bơi phù hợp hay bơi gắng sức, sai động tác cũng dễ khiến cho tình trạng của mình nặng nề thêm.

Đối với những người bị thoát vị đĩa đệm, xương khớp khi bơi cần lưu ý điều này:

+ Lựa chọn bài tập: Người bị thoát vị đĩa đệm, xương khớp nên tránh hoạt động chân quá nhiều. Không nên chọn những bài tập bơi ếch mà chỉ bơi sải, bơi ngửa, bơi bướm là tốt nhất vì bơi ếch sẽ dồn lực vào đùi, tác động lên phần hông. Những người bị thoát vị đĩa đệm dùng quá nhiều sức lực sẽ khiến các cơ thêm đau nhức. Đặc biệt là khi mọi người lại bơi trong thời gian dài.

Bơi sải là kỹ thuật bơi đường thẳng, vươn người về phía trước không chịu trọng lực nên khi bơi sẽ rất thoải mái cho xương khớp. Phương pháp này sẽ khiến bạn dễ chịu, chứa ít nguy cơ chấn thương nhất.

+ Nên khởi động làm ấm người trước khi xuống nước thật kỹ để cơ thể có thể thích nghi với môi trường nước, tránh tình trạng thay đổi đột ngột dẫn tới nhiều biến chứng hay tình trạng bị co cơ, chuột rút khi đang bơi.

+ Thời điểm bơi tốt nhất là vào buổi sáng và chiều thích hợp nhất nên chọn từ 5 giờ chiều trở đi. Tuyệt đối không bơi lúc giữa trưa hay khi vừa ăn no. Ngược lại cũng không nên bơi khi bạn quá đói. Theo các nhà nghiên cứu khi bơi, toàn bộ cơ thể sẽ phải vận động vì vậy sẽ tiêu thụ khoảng 800calo/giờ. Tốt nhất chỉ nên xuống hồ bơi sau khi ăn khoảng một giờ đồng hồ.

+ Khoảng thời gian bơi lý tưởng là 30 – 45 phút mỗi ngày và tập luyện đều đặn, tránh tình trạng “no dồn đói ép”. Khi bơi nên tập cường độ vừa phải, tránh gắng sức quá.

+ Không bơi khi vừa đi nắng về, khi lao động vất vả, khi cơ thể quá mệt mỏi…

+ Trong khi bơi cần chú ý đến tình trạng của cơ thể. Nếu thấy chóng mặt hoặc tê chân tay nhiều cần dừng lại, nhanh chóng lên bờ.

Các chuyên gia khuyến cáo, ngoài bơi lội thì những người bị bệnh lý xương khớp, thoát vị đĩa đệm có thể kết hợp một số bài tập khác như treo xà, tập các bài tập trị liệu với tần suất vừa phải và theo hướng dẫn của kỹ thuật viên sẽ giúp cho tình trạng bệnh cải thiện, giảm tần suất tái phát của bệnh.

Phương Thuận

Theo Giadinh.net.vn