Lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong thu hút đầu tư FDI (Ảnh minh họa) Lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong thu hút đầu tư FDI (Ảnh minh họa)

Trong hơn 30 năm qua, FDI được đánh giá là đã góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thế giới.

Cũng theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 trong số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất.

Cũng theo thống kê, vốn FDI thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 51,3 tỷ USD, tăng 55,6% so với giai đoạn 2011 - 2013 và tăng 22,8% so với kế hoạch. Vốn thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2018 có bước chuyển biến lớn, tăng mạnh vào năm 2017, đạt 17,5 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2018 vốn thực hiện tăng nhẹ, ước đạt 18 tỷ USD.

Sự phát triển của khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất ở khu vực doanh nghiệp trong nước…

Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn.

FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, có nhu cầu và tiềm năng lớn, nhưng kết quả thu hút FDI chưa tương xứng. Một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Theo congluan.vn