Cán cân thương mại của Việt Nam những tháng đầu năm nay liên tục biến động không theo quy luật và rất khó đoán định. (Ảnh TL) Cán cân thương mại của Việt Nam những tháng đầu năm nay liên tục biến động không theo quy luật và rất khó đoán định. 

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 5, kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 11,542 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 9,694 tỷ USD. Qua đó, lũy kế từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 89,909 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu là 88,9 tỷ USD.

Như vậy, riêng nửa đầu tháng 5, cả nước nhập siêu tới gần 1,85 tỷ USD và lũy kế từ đầu năm con số này là hơn 1 tỷ USD.

Nửa đầu tháng này, 2 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,22 tỷ USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,688 tỷ USD.

2 nhóm hàng trên cũng là những nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất kể từ đầu năm với kim ngạch “chục tỷ USD”. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 18 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,25 tỷ USD.

Với tổng kim ngạch đạt 31,25 tỷ USD, 2 nhóm hàng chủ lực chiếm gần 35% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Về xuất khẩu, 3 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong 15 ngày đầu tháng 5 gồm: Điện thoại và linh kiện (1,711 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,247 tỷ USD); dệt may (1,177 tỷ USD).

Việc nhập siêu lớn trong nửa đầu tháng 5 cho thấy cán cân thương mại của Việt Nam những tháng đầu năm nay liên tục biến động không theo quy luật và rất khó đoán định. Trong đó, tháng 1 xuất siêu 815 triệu USD; tháng 2 nhập siêu 769 triệu USD; tháng 3 quay lại xuất siêu 1,627 tỷ USD. Nhưng tháng 4, cán cân thương mại lại thâm hụt 554 triệu USD, và 15 ngày đầu tháng 5 nhập siêu tiếp tục được nới rộng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù xuất khẩu thường tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm, song để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm ngoái là nhiệm vụ khá khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay./.

Theo congluan.vn