Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) nêu các vấn đề cần xử lý trong lĩnh vực GTVT. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) nêu các vấn đề cần xử lý trong lĩnh vực GTVT. Ảnh: QH

Cần xử nghiêm các sai phạm về đầu tư giao thông

Trong phiên thảo luận trước Quốc hội sáng 26/10, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng, cử tri còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước vấn nạn thất thoát lãng phí trong đầu tư công còn quá lớn. Nếu đầu nhiệm kỳ nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng về 12 dự án thua lỗ do Bộ Công thương quản lý thì đến giờ lại phát sinh thêm các dự án do Bộ GTVT quản lý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ví dụ, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng thông xe chưa lâu đã hỏng. Dự án đường sắt tuyến đô thị Cát Linh - Hà Đông tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,97 tỷ đồng đã điều chỉnh tăng thêm 18.001,59 tỷ đồng, tăng 205,27%. Dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2013 nay quá 6 năm chưa kết thúc. Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên do UBND TPHCM đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là 17.387,6 tỷ đồng đã điều chỉnh tăng thêm 47.325 tỷ đồng, tăng 272%, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2018 này nhưng đến nay chỉ hoàn thành 52% khối lượng công việc.

Đại biểu cho biết, theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm 1.222,352 tỷ đồng và 97,2 triệu USD. Cử tri đề nghị Chính phủ, Quốc hội xử lý nghiêm tình trạng này, nếu không tới đây nhà nước giao cho Bộ GTVT quản lý xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư hàng triệu tỷ đồng thì rất đáng lo.

Cũng liên quan đến mảng GTVT, đại biểu Trần Trí Quang (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Bộ GTVT tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung nguồn lực để từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương với hơn 40 cây số đưa vào sử dụng. Tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai thi công. Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến N2 Hồ Chí Minh chuẩn bị đưa vào khai thác. Phương tiện giao thông từ các tỉnh Kiên Giang, Cần thơ, An Giang, Đồng Tháp về TPHCM sẽ thông qua tuyến này tăng cao đột biến.

Tuy nhiên, hiện nay dự án kết thúc tại QL30 ở Đồng Tháp nên chưa thông toàn tuyến trong khi tuyến này nhỏ hẹp, xuống cấp gây ùn tắc cục bộ, không phát huy hiệu quả đã đầu tư gần 19.000 tỷ đồng. Đại biểu Trần Trí Quang nói: “Để giải quyết vấn đề trên, tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp tục triển khai dự án thành phần Cao Lãnh - Mỹ An để thông toàn tuyến Thuận Hóa - Đức Hòa, Chơn Thành”.

Cử tri chưa hài lòng về đổi mới thi cử và cải cách giáo dục

Bên cạnh mảng giao thông, mảng GD&ĐT cũng nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) nói: “Đối với lĩnh vực GD&ĐT, cử tri tỏ ra thất vọng với đổi mới thi cử. Kỳ thi hai trong một xem ra khó thành công và còn có quá nhiều lỗ hổng. Ví dụ, năm 2017 đề thi quá dễ đã tạo cơn mưa điểm 10, gấp 40 lần so với năm 2016 và bi kịch là có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Năm 2018 lại quá khó và phát hiện ra chuyện động trời là gian lận trong thi cử. Đây là những điểm đen mà không nên có trong lĩnh vực nêu trên”.

Cùng đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cũng dành nhiều thời gian để phát biểu về mảng giáo dục và đào tạo. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, trong báo cáo Chính phủ về tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm 2018 có nhắc đến những hạn chế của một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục: chất lượng giáo dục đại học chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, sai phạm xảy ra trong kỳ thi trung học phổ thông, vấn đề sách giáo khoa v.v...

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, những thiếu sót này đa phần được nêu ra từ các báo cáo trước đây và lần này một số vấn đề cá biệt trở lên “nóng” hơn trong 9 tháng vừa qua, như: Gian lận thi cử tại một số địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018, tình trạng bất ổn trong thị trường phát hành sách giáo khoa cho học sinh phổ thông... Chính phủ cần đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, những giải pháp được Bộ GD&ĐT đưa ra còn chưa có tính đột phá vì gần giống các giải pháp đã nêu kỳ họp trước. Cần phân tích chính xác nguyên nhân gây bất cập thiếu sót vừa xảy ra để tìm ra mắt xích bị lỗi trong quá trình vận hành. Trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá quy trình chung thi THPT năm 2018 được xây dựng chặt chẽ, quy chế thi được ban hành đầy đủ nhưng còn sơ hở trong bảo mật.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi: Vậy ai chịu trách nhiệm cho sơ hở này? Hay lại là lỗi khách quan? Lỗi do quy trình? Cần chỉ rõ bộ phận hay cá nhân nào trực tiếp chịu trách nhiệm mới đề ra biện pháp khắc phục hiệu quả cũng như lấy lòng tin của nhân dân. Thực tế, khi tìm ra người chịu trách nhiệm chính của sai phạm, xử lý nghiêm thì sai phạm đó mới không tái phạm trong lĩnh vực đó, địa phương đó cũng như trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Trần Trí Quang (đoàn Đồng Tháp) phát biểu: “Cần tiếp tục nghiên cứu triển khai tuyến cấp cao An Hữu - Cao Lãnh theo quy hoạch để kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến đường Hồ Chí Minh nhằm kết nối thông suốt các tỉnh từ Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp về TPHCM, nâng cao hiệu quả của các dự án đã đầu tư, góp phần phát triển KT-XH của vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhật Tân

Theo Giadinh.net.vn