Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó sang đốt người lành và mang bệnh.

Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, người bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong

Ngoài ra, sốt xuất huyết thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như: sốt phát ban, virus, viêm mũi họng… nên càng dễ bị điều trị sai cách dẫn tới bệnh nặng hoặc biến chứng. Vì vậy các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. 

CÁC DẤU HIỆU CỦA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT Ở TRẺ

Sốt xuất huyết thể nhẹ: 

- Sốt cao đột ngột trên 38o C, kéo dài trong 2 - 7 ngày.

- Khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán.

- Đau mỏi cơ, khớp.

- Đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban.

- Không kèm theo ho, sổ mũi, tiêu chảy.

- Trẻ sơ sinh thường bỏ bú, quấy khóc...

- Các nốt ban (nốt xuất huyết) thường xuất hiện sau sốt 3 ngày, mọc ở cánh tay, cẳng chân, thân mình, nhỏ như vết muỗi đốt, hình tròn, không ngứa, và không hề biến mất khi căng da hay ấn tay vào da.

Trẻ sốt xuất huyết thể hiện rõ nhất ở việc nổi những vết ban tròn

Trẻ sốt xuất huyết thể hiện rõ nhất ở việc nổi những vết ban tròn.

Lưu ý: Trẻ từ 4-5 tuổi, những ngày đầu sốt phát ban nên dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt nhiễm trùng. Vì thế nếu trẻ sốt kéo dài liên tục trong ngày thì cha mẹ nên gặp bác sĩ để xác định chính xác bệnh. 

Sốt xuất huyết thể nặng:

- Sốt cao đột ngột trên 38o C.

- Đau đầu dữ dội vùng trán, đau nhãn cầu.

- Xuất huyết ngoài da.

- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng…

- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen..

CÁCH CHĂM SÓC TRẺ BỊ SỐT XUẤT HUYẾT 

Chế độ chăm sóc:

- Cho trẻ mặc quần áo thoáng, màu sáng để thoát nước.

- Cho trẻ uống nhiều nước, hoa quả.

- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.

Khi trẻ phát ban nặng, cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ để đề phòng biến chứng của bệnh.

Khi trẻ phát ban nặng, cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ để đề phòng biến chứng của bệnh.

Các thuốc chỉ định: 

- Thuốc hạ nhiệt: Paracetamol: 15mg/kg thể trọng (750mg cho người 50kg), ngày: 2-3 lần.

- Ưu tiên bù dịch bằng đường uống (oresol bù nước).

- Truyền dịch theo chỉ định của bác sỹ.

Các thuốc cấm chỉ định: 

- Không dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em (aspirin gây phù não và tăng độ acid gây xuất huyết tiêu hóa).

- Không dùng kháng viêm không steroid (làm cho việc chảy máu trong sốt xuất huyết không cầm được).

Sốt xuất huyết là một bệnh nghiêm trọng và có nhiều khả năng biến chứng, vì vậy nếu trẻ có dấu hiệu bệnh cần được đưa tới bệnh viện và tuân theo chỉ dẫn của các bác sĩ càng sớm càng tốt. 

Khánh Nguyễn (tổng hợp)/Reatimes