Hiểm họa rình rập từ thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, chúng còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân và trong rất nhiều trường hợp thuốc giả gây ra tác hại to lớn như gây ra các phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân dễ kháng thuốc.

Các thuốc giả, thuốc nhái này có thể chứa bất cứ thành phần nào từ phấn bảng, bê-tông nghiền, acid boric hoặc những chất khác và được bán như thuốc thật.

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị lực lượng chức năng thu giữ.

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị lực lượng chức năng thu giữ.

Điển hình như trường hợp có bệnh nhân phải cấp cứu ở Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai với biểu hiện đau bụng kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân, nôn thốc tháo, hoa mày chóng mặt…

Đến khi siêu âm, các bác sỹ mới tá hỏa khi thấy trong dạ dày của bệnh nhân đầy… vỏ thuốc hình con nhộng. Nguyên nhân là do uống phải thuốc giả, kém chất lượng nên chất bột có trong thuốc đã đọng thành lớp trong dạ dày gây đau bụng và ngộ độc toàn thân.

Cùng với đó, vỏ thuốc không tiêu hóa được cũng góp phần làm cho bệnh nhân trở nên như vậy. Nhưng bệnh nhân này là trường hợp hiếm hoi được cứu sống. Còn một số bệnh nhân khác bị ngộ độc nặng lại đi cấp cứu muộn vì vậy không điều trị kịp dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người uống cũng hay gặp phải tình trạng dị ứng thuốc. Các phản ứng dị ứng có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15 – 30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, điển hình như shock phản vệ… gây nguy hiểm cho người dùng.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, trung bình mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, kém chất lượng.

Làm thế nào để phát hiện?

Với sự phát triển của nhiều ngành khoa học và công nghệ, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh thuốc giả ngày càng tinh vi, phức tạp nên các cơ quan chức năng khó phát hiện. Các mẫu thuốc giả có nhãn, bao bì đóng gói giống tới 99% mẫu nhãn, bao bì của thuốc thật, không có dấu hiệu rõ ràng nào để phân biệt.

Theo ThS. Nguyễn Bạch Đằng (Học viện Quân y 103), mặc dù một số loại thuốc giả gần như không thể phân biệt với thuốc thật, nhưng có nhiều loại vẫn để lại các manh mối mà người dùng có thể phát hiện được.

Khi bắt đầu uống thuốc, bạn nên chú ý đến các điểm khác biệt ở giấy in, màu sắc và phông chữ, sau đó cần chú ý đến hình thức của viên thuốc, vị, kết cấu của viên thuốc so với cảm giác của thuốc thật đã biết.

Ảnh minh họa.

Giải pháp ngăn chặn hiệu quả

Để ngăn ngừa nạn thuốc giả và kém chất lượng, ThS. Nguyễn Bạch Đằng cho rằng, bên cạnh việc có các chế tài nghiêm khắc xử lý các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có hành vi sản xuất buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ở bất kỳ mức độ và phạm vi nào;

Các doanh nghiệp dược cũng cần chủ động đưa ra chính sách, quy trình nội bộ về bảo vệ quyền sở hữu, chống hàng giả;

Cung cấp cho các cơ quan chức năng đầy đủ thông tin về hàng thật, hàng giả, các thông số kỹ thuật, phương tiện để kiểm tra, hỗ trợ giám định... thì việc tiến hành thử tương đương sinh học là điều cần thiết và nên làm.

Tương đương sinh học sẽ là vũ khí sắc bén để giải quyết vấn nạn thuốc giả, thuốc nhái, đây chính là quyền lợi của bệnh nhân. Vì vậy, tương đương sinh học vừa có ý nghĩa khoa học, vừa là hành lang pháp lý cho các nhà chuyên môn và quản lý thực hiện trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online