Bạn P.T.H là sinh viên của một trường ĐH ở Hà Nội chia sẻ: “Cách đây một tháng, tôi và bạn có lên mạng tìm việc làm. Chúng tôi có thử đến 2 chỗ hỏi xin việc. Đến địa chỉ thứ nhất, chúng tôi được đề nghị nộp phí hợp đồng là 450.000 đồng/người. Lúc đó, tôi thấy văn phòng bé tẹo chỉ có 2 chiếc máy tính và 2 phụ nữ ngồi làm việc nên không tin lắm và ra về”.

Bạn H cho biết thêm, nơi thứ hai bạn tìm đến, công việc được giới thiệu là cắt dán phong bì tại nhà, mỗi phong bì được 2.000 đồng, rất dễ làm và hai người có thể nhận chung về làm cho đỡ phí mua đồ.

“Thấy họ nói như vậy nên chúng tôi càng tin là thật hơn và vô tư đóng 500.000 đồng tiền phí hợp đồng. Đóng xong tiền thì các nhân viên ở đó bảo chúng tôi đến một địa chỉ để nhận đồ về làm. Đến nơi, chúng tôi lại được yêu cầu đóng thêm tiền giấy, kéo… và họ bảo mang về làm thử mẫu, hôm sau đưa đến cho họ xem. Khi chúng tôi mang mẫu đến thì họ nói không đạt, rồi cho làm lại lần nữa, nếu không được thì thôi. Thấy lằng nhằng quá, không muốn làm nữa và trả đồ nghề, chúng tôi đòi lại tiền thì họ từ chối”, bạn H kể.

can trong voi bay lam them dip tet
Để bảo đảm quyền lợi của mình, các bạn sinh viên khi muốn tìm kiếm việc làm thêm thời vụ cần tới những trung tâm uy tín về giới thiệu việc làm.

Được biết vào dịp cận Tết có rất nhiều nơi cần người phụ việc, là cơ hội việc làm cho sinh viên, nhưng cũng rất nhiều người đã tận dụng điều này để trục lợi. Đánh vào tâm lý nôn nóng muốn kiếm tiền dịp Tết của sinh viên, không ít nơi đưa ra những đề nghị hấp dẫn với mức lương cao để lừa tiền, lừa công của họ. Do đó, dù đã có rất nhiều lời cảnh báo, không ít bạn trẻ vẫn sập bẫy việc làm.

Với Q.C, bài học được rút ra là không nhận đơn việc từ các văn phòng trung gian không uy tín. “Tết năm ngoái, do mới bắt đầu làm thêm nên em ít khách. Vì thế, em đăng ký hồ sơ với một văn phòng môi giới việc làm. Dù đã nói chỉ nhận dọn nhà ở không quá 4 tầng, họ vẫn yêu cầu em dọn công trình thi công. Em từ chối thì trung tâm thông báo hết việc và sẽ không được hoàn trả số tiền đặt cọc một triệu đồng do em từ chối việc làm”, Q.C nhớ lại.

Không chỉ bị lừa bởi các trung tâm môi giới, nhiều sinh viên còn bị bắt chẹt bởi chính chủ, nơi mình làm việc. Đó là kinh nghiệm mà H.Q, một sinh viên trường ĐH Kiến trúc rút ra sau khi phải bỏ việc làm thêm tại một khách sạn trên phố cổ.

H.Q vào làm tại đây từ tháng 12 năm trước, công việc chủ yếu là trực lễ tân, hỗ trợ các bộ phận chăm sóc khách hàng và phục vụ phòng. Mức lương mà bạn sinh viên này được nhận theo đúng hợp đồng là 3 triệu đồng/tháng, nếu làm xuyên Tết sẽ được tăng 200% lương.

Thỏa thuận là vậy, nhưng H.Q liên tục bị trừ lương vì những lỗi nhỏ như không trả lời điện thoại ngay sau hồi chuông thứ nhất dù lúc đó đang bận việc khác, khăn trên bộ đồng phục thắt quá lỏng, tiếng giày cao gót chạm sàn quá to… Các lỗi này đều được ghi lại bởi một quản lý luôn theo dõi sát sao tất cả các nhân viên.

“Cảm giác luôn bị theo dõi và án trừ tiền cứ lơ lửng trên đầu khiến em lúc nào cũng phải nem nép, vì thế cũng không học hỏi được gì. Em nghỉ việc sau đó 3 tuần. Kinh nghiệm rút ra là phải tìm hiểu kỹ lưỡng về chỗ làm việc và đọc kỹ các thỏa thuận để đảm bảo lợi ích của mình”, H.Q chia sẻ.

Có thể nói, chiêu trò của những người môi giới luôn đưa ra danh mục việc làm với khung thời gian làm không quá dài, không quá vất vả, ngược lại lương lại cao đến hấp dẫn, vì thế những người tìm việc dễ bị thu hút. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại không hoàn toàn đúng sự thật như thế, mà chỉ có những người lao động hay sinh viên đã kinh qua vài ba lần đi tìm kiếm việc làm thêm họ mới hiểu và tận tường “thủ thuật” hay “chiêu trò” của các trung tâm môi giới này.

Ban N.C.T, sinh viên ĐH Điện lực từng bị một trung tâm việc làm lừa đảo trong lần đầu xin việc làm thêm Tết năm ngoái chia sẻ: “Từ kinh nghiệm của bản thân, em thấy rằng các thông tin môi giới việc làm, nhất là dán quảng cáo ngoài cột điện, bờ tường... thì mức độ tin cậy không cao. Họ cứ nói tuyển trực tiếp, miễn trung gian, đưa ra mức lương cao ngất không kèm điều kiện gì để dụ sinh viên, người lao động nghèo tìm đến. Họ bán hồ sơ năm chục ngàn đồng/bộ; rồi bắt đặt cọc một khoản tiền mấy trăm ngàn, khi xin được việc thì hứa trả lại sau... Thế nhưng ít có trung tâm nào trả lại khoản tiền này.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tìm kiếm các công việc thời vụ dịp cuối năm, ông Vũ Quang Thành - PGĐ Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, đưa lời khuyên với người lao động đặc biệt là các sinh viên, cần cân nhắc tìm hiểu kỹ các quy định của Bộ luật Lao động.

Trước khi đến các Cty, đơn vị DN ứng tuyển, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị DN đó, các vị trí việc làm và yêu cầu vị trí việc làm, chế độ đãi ngộ có đúng với thỏa thuận hai bên hay không.

Cũng theo ông Thành, trong điều kiện thị trường lao động cởi mở và đa dạng như hiện nay, người lao động nên tìm đến các địa chỉ giới thiệu việc làm uy tín, chính thống, đã được cấp giấy phép để nhận được sự hướng dẫn, trợ giúp. Được biết trên địa bàn Hà Nội, nếu có nhu cầu tìm việc làm dịp cuối năm, người lao động nên đến Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Tại đây, người lao động sẽ được tư vấn tìm công việc thích hợp với khả năng đồng thời không mất bất kỳ khoản phí tuyển dụng nào.

Nguyễn Đăng

Theo phapluatxahoi.vn