Thời gian gần đây, thông tin về việc phát hiện các cơ sở sản xuất cá khô ướp hóa chất độc hại khiến người tiêu dùng hoang mang. Để bảo quản cá khô được lâu, tránh ruồi muỗi xâm nhập, các tiểu thương đã xịt thuốc trichlorfon vào cá khi phơi.

TS Lê Quang Trí, Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học (Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Công nghệ Sài Gòn), cho biết, trichlorfon là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng như gián, dế, rệp, bọ chét, ruồi... Chất này nằm trong danh mục cấm sử dụng vào công nghệ chế biến thực phẩm. Các loại cá khô, tôm, mực khô thường do những người sản xuất tự ý cho loại hóa chất độc hại này vào, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người tiêu dùng.

Trichlorfon còn được áp dụng trong chăn nuôi để kiểm soát ký sinh trùng của cá trong môi trường nước được chỉ định. Hóa chất này có độc tính cao, dễ dàng hấp thụ qua da, có thể gây dị ứng nặng cho da và các cơn co thắt cơ bắp bất thường.

Nếu hít phải chất độc này, có nguy cơ xuất huyết đường mũi, ho, tức ngực, thở khó do co thắt ở ống phế quản. Mắt thường tiếp xúc với trichlorfon sẽ bị chảy máu, mờ mắt dẫn đến mù lòa. Sau khi tiếp xúc với hóa chất này, cơ thể sẽ bị phản ứng trong vòng vài phút cho đến 12 giờ. Nhiễm độc nặng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, suy nhược, mệt mỏi, nói líu lưỡi, mất phản xạ...

Trong trường hợp nghiêm trọng có thể bài tiết không chủ động, nhịp tim bất thường, bất tỉnh, rối loạn tâm thần, co giật và hôn mê, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Khi bị nhiễm độc, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến BV càng sớm càng tốt để được súc dạ dày và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm có giải pháp điều trị tối ưu.

Một số tiểu thương buôn bán mặt hàng cá khô cho biết, các loại hải sản khô dễ bị kiến đục, muốn bảo quản được lâu hoặc đem đi xa cần phải tẩm ướp rất kỹ, nếu không chỉ vài ngày là hỏng. Do cá khô thường bị kiến đục nên phải xịt thuốc chống kiến. Sau 3 ngày, thuốc bay hơi hết nên khi đưa hàng ra chợ, người bán vẫn phải tiếp tục xịt thuốc chống kiến. Hàng càng để lâu càng phải xịt nhiều thuốc.

Tỷ lệ pha khoảng 3 muỗng cà phê hóa chất với 10 lít nước và ngâm tất cả cá khô vừa mua vào khoảng 20 phút. Sau đó, vớt ra đem phơi nắng, khi cá khô bay hết mùi hóa chất, có thể mang ra chợ bán. Với cách sử dụng hóa chất như vậy, cá khô sẽ bảo được hơn 1 năm mà không sợ hỏng.

Không chỉ cá khô mà tôm khô cũng thường được tẩm ướp hóa chất. Tôm nguyên liệu mua về được phân loại. Loại ngon chế biến riêng, phơi ở những nơi có nền xi măng và có người trông coi cẩn thận. Ướp hóa chất này cũng là cách xua đuổi ruồi muỗi vì bản thân tôm khô rất thu hút các loại côn trùng.

Cá khô là loại thực phẩm được bán rộng rãi trên thị trường

Cá khô là loại thực phẩm được bán rộng rãi trên thị trường

Trên thực tế, rất khó để biết nguồn hàng tẩm ướp hóa chất được phân phối tới tận đâu. Chúng ta chỉ phát hiện các cơ sở sản xuất ướp hóa chất độc hại khi tổ chức kiểm tra đột xuất. Vậy còn những cơ sở chưa kiểm tra có bị “lọt lưới” hay không?

Theo TS Đặng Hồng Khôi, Viện hóa học công nghiệp Việt Nam, không phải loại cá khô nào cũng chứa hóa chất độc hại, nhưng khó để xác định trong đó có dư lượng vượt mức hay không nếu chỉ nhìn bằng mắt, sờ bằng tay.

Trichlorfon là loại chất độc không mùi, không màu. Nhiều người mách nhau phân biệt cá khô tẩm thuốc bằng ngửi, nếu thấy mùi hắc khó chịu thì không mua. Trên thực tế, cá, tôm, mực khô vốn là những thực phẩm rất đậm mùi đặc trưng, hóa chất dù có mùi cũng khó lấn át được mùi của thực phẩm.

Trong khi chưa thể kiểm soát được việc sử dụng hóa chất độc hại này, người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào cơ quan chức năng, lựa chọn mua hàng ở những cơ sở uy tín, có nhãn mác. Đặc biệt, không mua hàng trôi nổi tại các chợ cóc, chợ tạm vì nguy cơ ngộ độc rất lớn.

Theo Xuân Thanh/Pháp luật và Xã hội