Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) điều nguy hại hiện nay là có nhiều người Việt Nam không nhận thức được rằng khỉ không phải là thú cảnh.

BV Nhi đồng TP HCM từng tiếp nhận trường hợp một bé gái bị thương nặng ở vùng đầu. Vết thương là do con khỉ nhà hàng xóm sổng chuồng, tấn công bé.

Còn trước đó vào năm 2017, tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), một con khỉ đực trưởng thành đã đột nhập vào nhà và tấn công cháu bé hai tháng tuổi. Rất may cháu bé chỉ bị cào xước vùng da đầu và má. Năm 2013, một gia đình ở huyện Mê Linh, Hà Nội phát hoảng khi thấy con khỉ nuôi trong nhà sổng chuồng và leo lên người cô gái 21 tuổi ở cạnh nhà. Con khỉ đã xé quần áo của cô gái này.

Trước đó vào năm 2010, trong lúc dắt khỉ nuôi đi chơi, ông NMX (tỉnh Gia Lai) bất ngờ bị con khỉ này tấn công vào chân đến mức phải nhập viện cấp cứu. Con trai ông X chạy ra giải cứu cũng bị con khỉ cắn vào mu bàn tay…

canh bao moi nguy hai tu viec nuoi dong vat hoang da lam canh
Nuôi đại bàng đang trở thành thú chơi của không ít người, thế nhưng không phải ai cũng ý thức được những nguy hại khi nuôi loài động vật này. Ảnh: N.Đăng

Các chuyên gia cho rằng, việc nuôi ĐVHD luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đầu tiên là nguy hiểm cho chính người nuôi vì ĐVHD trong hoàn cảnh bị nuôi nhốt sẽ trở nên hung dữ bất thường. Việc bị khỉ cắn cũng giống như bị chó cắn, thậm chí còn nguy hiểm hơn vì ít chủ nuôi chịu tiêm ngừa cho khỉ.

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm TP HCM thì xét về mặt quy định, hành vi nuôi nhốt ĐVHD nói chung và khỉ nói riêng đã vi phạm quy định về bảo tồn ĐVHD, trong đó có Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực từ năm 2008.

Để có thể nuôi ĐVHD thì các tổ chức, cá nhân phải được cơ quan chức năng cấp phép với những điều kiện rất cụ thể về chuồng, trại, hệ thống bảo đảm an toàn… Một người nuôi nhốt ĐVHD không phép sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 4 Điều 20 Nghị định 159/2007/NĐ-CP. Cụ thể là phạt tiền gấp từ 1 đến 2 lần giá trị của động vật đang được nuôi trái phép. Mức phạt tối đa không quá 30 triệu đồng.

Tại Việt Nam, nuôi thú cưng từ các loài hoang dã quý hiếm như khỉ, cu li, chim, cú, tắc kè, rùa diễn ra phổ biến từ lâu. Chỉ chi một số tiền không quá nhiều, người chơi có thể dễ dàng mua được đại bàng, cu li, rùa hộp quý hiếm ở một số khu chợ tại Hà Nội hoặc trên website. Việc mua bán này đều diễn ra công khai. Tổ chức động vật châu Á từng tiếp nhận một con gấu nuôi trái phép suốt 7 năm từ gia đình ở Nam Định. Họ nuôi khi gấu mới 1 kg với mục đích làm cảnh.

Theo các nhà bảo tồn, nhiều loài hoang dã có thể ủ bệnh và lây sang người nuôi chúng bất cứ lúc nào. Ví dụ, hầu hết các loài khỉ mang vi rút herpes B - gây chết người; rùa và một số loài bò sát mang vi khuẩn salmonella- gây bệnh truyền nhiễm đặc biệt cho trẻ em; vẹt và các loài chim khác cũng lây truyền một số bệnh cho người như cúm gia cầm. Nếu thú nuôi trở thành gánh nặng, chủ nhân có thiên hướng thả về tự nhiên. Điều này rất nguy hiểm bởi chúng sẽ tiếp tục truyền bệnh cho người và loài bản địa.

Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và sinh vật đưa ra cảnh báo, động vật nuôi nhốt nguy cơ giảm khả năng đề kháng đối với một số bệnh nguy hại, các loài ký sinh trùng và cũng là mầm mống cho một số bệnh khác. Tổ chức bảo tồn ĐVHD WWF kêu gọi mọi người cần thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ ĐVHD, tránh nạn bị săn bắt làm thú cưng. Theo ghi nhận của CITIES (Công ước về Buôn bán Động thực vật hoang dã quốc tế) chỉ tính riêng quãng thời gian đầu thế kỷ 21 đã có khoảng 35 triệu động vật của Đông Nam Á đã bị xuất khẩu đi các quốc gia khác trên thế giới. 30 triệu trong số này có nguồn gốc hoang dã. Phần lớn các loài này là cá ngựa, các loài bò sát, tiếp đó là các loài chim và động vật có vú. Buôn bán ĐVHD đang phát triển với tốc độ leo thang và đe dọa tới sự sống còn của rất nhiều loài.

Mua bán thú nuôi hoang dã đang là một trong những lý do khiến hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp trở thành mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học. Thực tế, đây là mối đe doạ trực tiếp lớn thứ hai đối với sự sinh tồn của các loài, chỉ sau việc môi trường sống ngoài tự nhiên của chúng bị phá hủy. Theo tổ chức bảo tồn ĐVHD WWF-Việt Nam, hoạt động mua bán ĐVHD để làm vật nuôi tạo ra làn sóng khai thác không bền vững các loài ĐVHD trong tự nhiên. “Mặc dù người ta biện luận rằng các con vật được gây nuôi trong môi trường nuôi nhốt, nhưng trên thực tế, hầu hết chúng được săn bắt từ tự nhiên. Người ta cũng lập luận rằng, nuôi nhốt ĐVHD sẽ không ảnh hưởng tới quần thể của chúng ngoài tự nhiên - một lập luận đã được chứng minh là sai lầm”, đại diện tổ chức WWF-Việt Nam nhấn mạnh.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/canh-bao-moi-nguy-hai-tu-viec-nuoi-dong-vat-hoang-da-lam-canh-154458.html

Theo Pháp luật xã hội