Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường khiến cả xã hội phải lo lắng. Nhiều người tại các thành phố lớn đã lựa chọn trồng rau trong nhà để lấy thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Vì sao nên trồng rau sạch tại nhà?

Phương pháp trồng rau trong nhà cũng đơn giản, dễ trồng, dễ quản lý, an toàn và tiện lợi. Thế nhưng, người trồng cũng cần phải đảm bảo đúng kỹ thuật trồng rau để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của rau. 

Tự trồng rau sạch tại nhà đang là xu hướng chung của nhiều gia đình

Cách trồng rau sạch tại nhà thì trồng bằng chậu chuyên dụng, chậu xốp là đơn giản và dễ thực hiện nhất. Ngoài ra, có thể tận dụng thau, rổ, chậu cũ…. để làm vật dụng trồng rau, lưu ý tạo lỗ thoát nước cho những vật dụng này.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Công ty Cổ phần Foodway Việt Nam, chuyên cung cấp, tư vấn thiết bị trồng rau sạch tại nhà cho biết, nhu cầu của người dân muốn trồng rau sạch trong nhà tăng cao từ một vài năm trở lại đây.

Hiện nay, riêng tại Hà Nội, mỗi tháng công ty cũng tư vấn và lắp đặt mô hình trồng rau sạch bằng giàn và chậu thông minh cho 200-300 khách hàng. Con số này chắc chắn sẽ tăng trong những tháng tới theo. 

Chia sẻ thêm về việc trồng cây trong nhà, anh Thông cũng cho biết, theo kinh nghiệm của anh, gia đình có khoảng 4 người thì chỉ cần sử dụng 30 chậu để trồng các loại rau.

Tùy theo diện tích nơi trồng cây của gia đình, Foodway sẽ tư vấn mô hình trồng rau sạch bằng giàn và chậu thông minh phù hợp. Tổng chi phí cho lắp đặt, đất và giống cây khoảng 6 triệu đồng.

Và theo cách tính của anh Thông, mỗi một chậu thông minh sẽ cho thu hoạch 2-3 bó rau sạch. Trong khi đó mỗi bó rau sạch ngoài thị trường được bán với giá trên 10.000 đồng.

Như vậy, sau khoảng 4 tháng gia đình đó sẽ hoàn lại được số tiền lắp đặt mô hình trồng rau sạch so với chi phí đi mua rau sạch bên ngoài.

Những điều cần chuẩn bị khi trồng rau sạch trong nhà, sân thượng 

1. Đất hữu cơ vi sinh 

Đất hữu cơ vi sinh hay còn gọi là đất sạch đã được xử lý sâu bệnh, đầy đủ dinh dưỡng gồm: phân hữu cơ, mùn, vi lượng, khoáng lượng, men vi sinh…

Hiện nay đã có một số loại đất sạch đóng túi sẵn, chuyên phục vụ nhu cầu trồng rau trong nhà.

Nếu không, có thể chuẩn bị đất bằng cách, lót 1 lớp giá thế như xơ dừa, các loại xơ quả vừa dễ thoát nước mà vẫn giữ lại các chất dinh dưỡng tốt cho cây.

Trên là lớp đất thịt pha trộn với phân chuồng hoại mục, xơ dừa, tro trấu và bón lót phân hữu cơ khoáng hoặc phân hữu cơ vi sinh.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia thì để trồng rau ăn trong nhà thì ban đầu nên trộn khoảng 10-30% phân bón là vừa đủ. 

2. Giá thể

Sử dụng các vật dụng đơn giản có trong gia đình để tạo nên các chậu trồng cây. Hiện nay, mọi người hay sử dụng hai loại giá thể chính là chậu và thùng xốp khi trồng trong nhà.

Đối với chậu chuyên dụng, loại chậu này có lớp cách nước, chống ngập úng, tiêu thoát tốt. Giá ngoài thị trường đang rơi khoảng 80-100 nghìn đồng/ chậu. 

Có đa dạng các loại chậu, thùng xốp để trồng rau 

Tiết kiệm hơn so với việc mua chậu, nhiều người đang sử dụng thùng xốp để trồng cây. Tuy nhiên, hạn chế của thùng xốp khó tiêu thoát nước.

Để khắc phục hạn chế trên, khi dùng mọi người cần khoét lỗ thoát nước, thường thì từ 6 đến 8 lỗ 1 chậu, không nên khoét to quá, sẽ làm trôi đất, nếu trồng các loại cây cần thoát nước nhanh, có thể dùng lưới thép hoặc lưới nhựa bịt các lỗ vừa khoét trong hộp, vừa đảm bảo thoát nước vừa không bị trôi đất.

Với các loại thau, chậu, rổ cũ, nên chọn loại nhựa để bền và dễ vệ sinh. Cũng cần đục lỗ giống như hộp xốp để thoát nước,với các loại rổ đã có lỗ, có thể lồng 2 chiếc vào nhau làm 1 chậu để trồng, sẽ bền và tránh mất đất. Tất cả các loại chậu để trồng cần tránh tiếp xúc trực tiếp với mặt đất bằng cách kê cao 4 góc để cân bằng giúp dễ cây lưu thông thoáng.

3. Hạt giống

Mọi người có thể mua hạt giống tại các đơn vị cửa hàng uy tín, rõ nguồn gốc xuất sứ. 

Điều mọi người cần chú ý nhất là cách ngâm ủ hạt giống, gieo hạt.

Các loại hạt giống như: Rau dền, xà lách, rau cải,... tương đối dễ nảy mầm nên có thể gieo trực tiếp vào thùng mà không cần ủ nước ấm trước.

Không gieo quá nhiều hạt giống vào một thùng, tránh tình trạng cây mọc lên sẽ dày năng suất sẽ không cao. Có thể trồng các loại rau thơm như bạc hà, húng,... cùng một thùng, tuy nhiên những loại cây như ớt, cà chua, dưa chuột,... nên trồng riêng ở các thùng khác nhau. Sau khi gieo hạt, dùng vải mỏng phủ lên đễ giữ ấm, kích thích hạt nảy mầm nhanh. 

4. Nước

Cần kiểm tra, tưới nước định kỳ cho cây, không để cho cây thiếu nước hoặc quá úng nước. Mùa nắng tưới ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. 

Mùa mưa tùy theo thời tiết mà tưới tránh tưới nhiều nước làm cây còi cọc không phát triển được. Đối với cây rau còn nhỏ khi gặp trời mưa cần che chắn tránh úng. Vào thời tiết nắng nóng có khi 2-3 lần/ngày.

Vào mùa đông thường 1-2 ngày mới tưới một lần. Tận dụng nước vo gạo, nước rửa rau, bã chè, bã cà phê để tưới và bón cây hàng ngày. 

5. Ánh sáng

Cây muốn phát triển mạnh nhất thiết phải đưa ra nơi có nhiều ánh sáng và nắng. Tuy nhiên cây còn non nên để nơi có nhiều sáng nhưng không trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

Bên cạnh đó, người trồng cũng cần lưu ý, nắng chiều không tốt bằng nắng sáng. Do đó, buổi chiều nên để cây ở những nơi không có nhiều nắng còn sáng nên cho cây được đón nắng, gió để đạt được giá trị dinh dưỡng tốt nhất./. 

Theo Hà Anh/Gia đình Việt Nam