Công ty thương mại “núp bóng” tổ chức tín dụng

Hiện diện ở nhiều siêu thị điện máy trên cả nước như Media Mart, Home Center (HC), Điện máy Xanh, FPT Shop, Thế giới di động, Trần Anh,… hay các đại lý ủy quyền của Honda, Công ty TNHH thương mại ACS Việt Nam (gọi tắt là ACS) được biết đến như một đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Quầy tư vấn của ACS tại Media Mart. Ảnh: Hoàng Minh.

Quầy tư vấn của ACS tại Media Mart. Ảnh: Hoàng Minh.

Các gói tín dụng này thường được nhân viên của ACS tư vấn và ký kết trực tiếp với khách hàng ngay tại hệ thống các cửa hàng điện máy, điểm bán lẻ kể trên với thời gian trả góp từ 6-24 tháng. Lãi suất trả góp của từng khoản vay là không cố định, tùy theo thời gian và số tiền vay của khách.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, dịch vụ của ACS còn khá đa dạng chứ không chỉ dừng lại ở hình thức cho vay trả góp mua sắm các thiết bị điện tử, công nghệ hiện đại, xe máy, nội thất,... Trong số đó, đáng kể nhất là các gói vay tín dụng (vay tiền mặt) với thời gian trả góp lên tới 48 tháng và hình thức vay tiền nóng trong ngày. 

Điều đáng lưu ý là các hoạt động kể trên của ACS đều mang dáng dấp của một công ty tài chính nhưng trên thực tế, ACS chỉ là công ty thương mại, hoàn toàn không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Cụ thể, theo danh sách các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước công bố, cả nước hiện chỉ có 16 đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, bao gồm các thương hiệu như FE Credit, HD Saison, Home Credit,… nhưng hoàn toàn không hề có tên ACS.

Danh sách các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước công bố hoàn toàn không có tên của ACS.

Danh sách các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước công bố hoàn toàn không có tên của ACS.

Như vậy, có thể thấy các hoạt động về tài chính của ACS, bao gồm cho vay mua sắm trả góp, cho vay tín dụng và vay nóng trong ngày đều là các hoạt động trái pháp luật, “núp bóng” các tổ chức tín dụng.

Không những thế, dịch vụ “vay nóng trong ngày” thậm chí còn mang dáng dấp của các đơn vị cầm đồ vốn thiên về thời gian vay rất ngắn với lãi suất “cắt cổ”.

Ngang nhiên hoạt động trái phép

Theo quy định hiện hành, vay tiêu dùng là hình thức các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cho vay tiền nhanh để khách hàng có thể chi trả cho khoản tiêu dùng cá nhân. Khoản vay này chỉ duyệt cho vay với mục đích tiêu dùng, không cho vay với hình thức vay mở rộng sản xuất kinh doanh. Vay tiêu dùng có thể áp dụng cả hình thức vay tín chấp lẫn vay thế chấp.

Còn theo Điều 4 Luật các Tổ chức tín dụng 2010, “tổ chức tín dụng” chỉ bao gồm các loại hình ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính,…), tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân chứ không bao gồm loại hình công ty thương mại như ACS.

Không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng nhưng ACS vẫn ngang nhiên quảng cáo dịch vụ này tại nhiều siêu thị điện máy, điểm bán lẻ thiết bị điện tử, xe máy,.. trên khắp cả nước. Ảnh: Hoàng Minh.

Không được cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng nhưng ACS vẫn ngang nhiên quảng cáo dịch vụ này tại nhiều siêu thị điện máy, điểm bán lẻ thiết bị điện tử, xe máy,.. trên khắp cả nước. Ảnh: Hoàng Minh.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các đơn vị như ACS không ngần ngại “núp bóng” công ty tài chính để cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng bởi thị trường này đang được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ” với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong khi sự cạnh tranh lại chưa quá lớn.

Cụ thể, các số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng hàng năm luôn ở mức ấn tượng, 20-30%/năm trong 7 năm liên tiếp, đạt 646.000 tỷ đồng vào cuối năm 2016, tăng 48% so với đầu năm, chiếm 13,1% tổng cho vay. Không những thế, tiềm năng phát triển của lĩnh vực vẫn còn rất lớn vì hiện mới chỉ có “khoảng 1/4 nhu cầu thị trường được đáp ứng, nhiều khu vực còn đang bị bỏ ngỏ như các xã, huyện,… trong khi tỷ lệ tiêu dùng ở Việt Nam quá thấp so với bình quân các nước trên thế giới”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch câu lạc bộ pháp chế của Hiệp hội ngân hàng nhấn mạnh.  

Trong khi đó, cả nước mới chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép họat động chính thức. Tuy nhiên, ngay trong số 16 công ty này, cũng chỉ có rất ít đơn vị đang thực sự hoạt động và cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng ra thị trường như FE Credit, Home Credit, HD Saison, Prudential Finance, Toyota,... Số còn lại chỉ hoạt động trong quy mô khá hẹp nên tiềm năng của thị trường tiêu dùng có thể còn lớn hơn cả mức dự báo của các chuyên gia. 

Tại siêu thị điện máy Home Center (HC), ACS còn in ấn và phát hành cả quyển giới thiệu về dịch vụ cho vay trả góp trái phép của mình.

Tại siêu thị điện máy Home Center (HC), ACS còn in ấn và phát hành cả quyển giới thiệu về dịch vụ cho vay trả góp trái phép của mình.

Bên cạnh đó, việc quản lý thị trường chưa chặt chẽ và không loại trừ khả năng các siêu thị điện máy, điểm bán lẻ “tiếp tay”,… là những lý do chính khiến những công ty không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng như ACS có thể ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm nay.

 

Theo Hoàng Minh/Reatimes.vn