Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ, TB&XH cho biết, sau hơn 2 tuần xin ý kiến của 13 bộ và ban ngành, Bộ đã nhận được 100% ý kiến đồng thuận với phương án 1 nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý trong dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Dựa trên các ý kiến đồng thuận, Bộ LĐTB&XH đã chốt phương án 1 là đề xuất duy nhất trong Tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. Cụ thể: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là người lao động) nghỉ 2 ngày cuối năm Kỷ Hợi và 3 ngày đầu năm Canh Tý.

Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 20-8, Bộ LĐTB&XH đưa ra 2 phương án về việc nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. Phương án 1 là nghỉ 2 ngày cuối năm Kỷ Hợi và 3 ngày đầu năm Canh Tý. Theo đó, công chức, viên chức nghỉ Tết âm lịch từ thứ năm (23-1-2020) đến hết thứ tư (29-1-2020), tức từ 29 tháng chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý.

Phương án 2 là nghỉ một ngày cuối năm Kỷ Hợi và 4 ngày đầu năm Canh Tý. Công chức, viên chức nghỉ Tết âm lịch từ thứ sáu (24-1-2020) đến hết thứ năm (30-1-2020), tức là từ 30 tháng chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 6 tháng giêng năm Canh Tý.

Theo Bộ Luật Lao động, tổng số ngày nghỉ Tết nguyên đán của người lao động là 5 ngày, song do nghỉ thêm hai ngày cuối tuần (nghỉ bù vì mùng 1 và mùng 2 Tết trùng vào thứ bảy và chủ nhật) nên tổng số ngày nghỉ dịp Tết âm lịch 2020 của 2 phương án là như nhau, 7 ngày.

Trong hai phương án, Bộ LĐ, TB&XH kiến nghị chọn phương án 1 vì công chức, viên chức được nghỉ trước Tết hai ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại với những người ở xa quê và người dân có thời gian mua sắm.

Theo Pháp luật & Xã hội