Mới đây, công ty Nhã Nam đã phối hợp với NXB Thế giới phát hành một bản Kiều mới với nhan đề Truyện Thuý Kiều do hai tác giả Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim hiệu khảo.

Tuy nhiên, ngay sau khi tác phẩm Truyện Thúy Kiều ra mắt, công ty sách Nhã Nam đã gặp phải không ít phản ứng trái chiều từ độc giả về bìa sách in hình khỏa thân Kiều đang tắm.

Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí trước đó, công ty Nhã Nam lý giải về ảnh bìa của Truyện Thúy Kiều: “Đây là một bức tranh đẹp, dùng nhiều màu đen, có nhiều không gian cho thiết kế, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn và chính là bức vẽ mà họa sĩ vẽ minh họa cho câu thơ: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm.

Bìa sách “Truyện Thúy Kiều” do Nhã Nam tái bản.

Bìa sách “Truyện Thúy Kiều” do Nhã Nam tái bản.

Họa sĩ Lê Văn Đệ, vốn là họa sĩ hàng đầu Việt Nam, được đào tạo cả ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lẫn Đại học Mỹ thuật Paris, hoàn toàn có thể đi theo những lối tả chân, tả thực rất cụ thể chi tiết khác, nhưng ở đây lại chọn vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc, tựu trung là một bức vẽ khá gián cách, không hề có một chút tả chân nào, và dĩ nhiên càng không nhuốm điều gì có thể coi là dung tục”.

Tuy nhiên, ngay sau khi cuốn truyện thơ nổi tiếng này lên kệ, giới chuyên gia và độc giả đã lên án kịch liệt về trang bìa của cuốn sách mới phát hành này, thậm chí không ít ý kiến còn cho rằng bìa của cuốn sách mang tính dung tục.

Bìa sách “Truyện Thúy Kiều” dung tục hay nghệ thuật?

Khi nói về bìa của cuốn sách Truyện Thúy Kiều, Nhà văn Đoàn Minh Phượng tỏ ý kiến thất vọng khi đăng trên trang cá nhân: “Quyết định về bìa sách Truyện Kiều nên là một quyết định mỹ học, không nên là một quyết định chính trị các bạn ạ. Cảm nhận về tranh tới gần như là tức thì, trước các lời giải thích, vì ngôn ngữ thị giác trực tiếp hơn ngôn ngữ của lời nói, chữ viết. Ngay cả khi tranh nhiều ẩn dụ, nhiều biểu tượng cũng vậy.

Tôi mua cuốn sách đó về nhà để trên bàn. Hoặc tôi đưa cuốn sách cho một ai đó và nói rằng đây là Kiều. Thì cô Kiều người ta thấy là cô Kiều được in trên giấy làm bìa và chỉ vậy thôi, tôi không có cơ hội để giải thích gì thêm.”

Nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ, người đang có trong tay ấn phẩm “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” do Hội Quảng Tri - Huế xuất bản năm 1942 cho biết, khi so sánh 2 bức tranh thì đơn vị xuất bản đã cắt bỏ phần trên của bức tranh gốc trước khi đưa lên trang bìa, điều này đã ít nhiều làm giảm đi tính thẩm mỹ của tác phẩm.

Hình ảnh gốc của bức tranh.

Hình ảnh gốc của bức tranh.

Theo đánh giá của nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ, việc sáng tác và sử dụng những bức tranh dạng tương tự để minh họa là không hiếm. Nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ nói: “Bức tranh của họa sỹ Lê Văn Đệ cũng đã được đăng trên trang nhất của tờ Bình Minh, số đặc biệt kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, năm 1965”.

Ở góc độ mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Như Huy bình luận: "Tranh thì đẹp, Nhưng bìa thì, theo chủ ý mình không ổn. Cái hình tứ giác trên đó in chữ 200 năm đặt ở đó can thiệp thô bạo vào bố cục tranh và làm mất đi sự thanh thoát vốn có của bức tranh.

Mỗi bức tranh, khi hoạ sĩ ngưng vẽ và kí tên vào, đều đạt tới một độ hoàn hảo về bố cục, đến mức một chấm nhỏ thêm vào cũng phá vỡ toàn bộ tổng thể. Do đó việc sử dụng một bức tranh để làm bìa là một việc rất khó, chứ không phải là việc cứ lấy một bức tranh đẹp và rồi đặt chữ với các hoa văn trang trí khác lên".

Một hình ảnh khác được sử dụng trong

Một hình ảnh khác được sử dụng trong "Truyện Thúy Kiều".

Công ty Nhã Nam đồng loạt tắt máy, "tránh" báo chí?

Sự việc bìa sách "Truyện Thúy Kiều" của Nhã Nam in hình khỏa thân đang gây sự quan tâm và chú ý của dư luận, tuy nhiên thay vì có những ý kiến rõ ràng về sự việc này thì Nhã Nam lại chọn cách "né tránh".

Trong buổi chiều hôm qua (12/11), phóng viên báo Gia đình Việt Nam đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại và email với Công ty sách Nhã Nam để tìm hiểu sự việc nhưng điều lạ là tất cả số điện thoại của người phụ trách công ty này đều trong tình trạng không liên lạc được. Khi liên lạc được thì người này lại giới thiệu qua người khác và rốt cục là im lặng một cách khó hiểu.

Dư luận đang đặt câu hỏi là phải chăng Công ty sách Nhã Nam đang cố tình trốn tránh dư luận về sự việc nói trên?

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến độc giả...

Theo Minh Anh / Gia đình Việt Nam