Truyền thông "bẩn" là gì?

Hiện nay chưa có một nghiên cứu hay đánh giá nào đưa ra định nghĩa thế nào là truyền thông "bẩn”, nhưng theo các chuyên gia, những người làm trong lĩnh vực truyền thông thì vấn đề này không mới và nó xuất hiện khá nhiều trong giới của họ, cũng như cuộc sống thường trực của người dân.

 Chưa có nghiên cứu, đánh giá nào đưa ra khái niệm truyền thông

 Chưa có nghiên cứu, đánh giá nào đưa ra khái niệm truyền thông "bẩn" là gì

Dưới góc nhìn của những người nghiên cứu về truyền thông như ông Nguyễn Đồng Anh, giảng viên Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao Việt Nam, thời gian qua có rất nhiều trường hợp trên báo chí và truyền thông khiến chúng ta nghĩ đến một khái niệm mới là truyền thông "bẩn” - đó là sử dụng truyền thông vào một mục đích nào đó không được rõ ràng hoặc sử dụng truyền thông vào mục đích bôi nhọ hình ảnh của người khác, sản phẩm, doanh nghiệp khác…

Nó diễn ra ở nhiều góc độ cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí có những thời điểm truyền thông trở thành công cụ để bôi xấu làm tổn hại đến những những hình ảnh của những chính trị gia, lãnh đạo. Đó đều là những dấu hiệu không được trong sạch của ngành truyền thông.

 Anh Nguyễn Đồng Anh, giảng viên Khoa Truyền thông & Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao Việt Nam 

Ông Nguyễn Đồng Anh, giảng viên Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao Việt Nam 

Còn theo ý kiến của chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long – người sáng lập truyền thông Trăng đen, khi nói tới từ truyền thông "bẩn” chúng ta có thể hiểu là đơn vị nào đó dùng truyền thông để triệt hạ đối thủ hoặc họ đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng, nỗi đau nhưng họ thổi phồng lên, làm quá lố. Đại khái là có ít mà xít ra nhiều, hoặc thay đổi sự thật. Đó là hành động không đúng.

Như vậy, từ trước tới nay, chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào định nghĩa thế nào là truyền thông "bẩn”, nó chỉ có những dấu hiệu nhất định để hướng người ta tới cái nhìn và đánh giá theo ý kiến cá nhân. Truyền thông bị lợi dụng để đạt được mục đích nào đó thì mọi người sẽ thường nhìn rồi đánh giá nó bẩn.

Những ý kiến trên được PGS.TS. Lê Thanh Bình, nguyên Phó Đại sứ tại Na Uy, nguyên Trưởng khoa Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam tổng kết lại như sau: "Truyền thông "bẩn" là những chiến dịch sử dụng truyền thông làm công cụ để đưa ra những thông điệp ảnh hưởng xấu tới xã hội. Đây là những thông tin không trong sáng, không đúng với thực tại và có cả vụ lợi trong đó".

Do chưa có một khái niệm cụ thể về truyền thông "bẩn" là gì nên ở thời điểm hiện tại rất khó để xác định một thông điệp, chương trình truyền thông có bẩn hay không. Và theo các chuyên gia nếu có thể quy kết nó thì cũng thường là nhận xét của mỗi cá nhân, trừ khi chúng ta có một quy chuẩn cụ thể mới đưa ra được kết quả cuối cùng.

Truyền thông "bẩn" trong kinh doanh có muôn hình, muôn vẻ

Chúng ta đều hiểu, truyền thông có sức mạnh ảnh hưởng ghê gớm, nó được ví như con virus có thể lây lan rộng và len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống người dân. Nhiều người đã sử dụng nó như một công cụ để đạt lợi ích cho bản thân họ. Và truyền thông "bẩn” đang dần xuất hiện ở mọi lĩnh vực, ngành nghề từ cá nhân, tới doanh nghiệp, chính trị,… nhưng biểu hiện rõ nhất là trong kinh doanh.

Để chỉ rõ điều này, ông Nguyễn Đồng Anh đã đưa ra ví dụ cụ thể như sau: "Truyền thông "bẩn" trong kinh doanh có muôn hình, muôn vẻ và nhiều thủ đoạn. Gần đây xôn xao câu chuyện nước mắm, theo tôi, nếu chỉ là nước mắm công nghiệp hay truyền thống thì không có gì để nói, nhưng nếu có một doanh nghiệp nào đó sử dụng truyền thông để đưa ra các thông điệp nhằm thêu dệt hoặc chưa kiểm chứng về nước mắm truyền thống thì rõ ràng là có mục đích".

Bổ sung ý kiến của ông Anh, người sáng lập truyền thông Trăng đen cho rằng, nếu mọi người thoát ra khỏi câu chuyện nước mắm thì cũng nhận thấy câu chuyện của nước mắm đang xảy ra với tất cả các ngành nghề khác trong xã hội. Ví dụ như nước trà có trà xanh Không độ, trà xanh C2, trà Ô Long cũng đâu phải là nước trà pha truyền thống, người ta vẫn gọi nó là trà chứ người ta không gọi nó là trà công nghiệp, cũng không gọi loại trà đun uống ở nhà kia là trà truyền thống. Hay câu chuyện của cà phê, cũng có cà phê công nghiệp và cà phê truyền thống...

  Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long – Người sáng lập truyền thông Trăng đen 

 Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long – người sáng lập truyền thông Trăng đen.

Ngoài ra, ông Long còn lấy ví dụ khác về nước yến. “Chúng ta đều thấy, có khi các nhà sản xuất chỉ dùng 100g yến để làm ra hàng nghìn chai, nhưng truyền thông và quảng cáo đó là nước yến. Nó có một sự nhập nhèm trong đó vì loại nước này chỉ có hương vị yến mà thôi. Hay như mì tôm, mì bò, mì gà… chỉ có vị của các sản phẩm đó, nhưng họ vin vào việc họ làm kinh doanh nên họ phải có những thủ thuật. Theo tôi cái đó không thể coi là thủ thuật mà đó là không sòng phẳng”, ông Long chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Anh, trong kinh doanh, việc sử dụng truyền thông "bẩn" có thể  do bị “dồn ép” trước một mốc thời điểm nào đó nhằm mục đích cạnh tranh, đem lại lợi ích cho mình như trước thềm đại hội cổ đông, trước kỳ niêm yết, chuẩn bị có nhà đầu tư chiến lược… khi họ cần số liệu kinh doanh đẹp. Họ sử dụng truyền thông vì giới truyền thông hay người làm đại diện hình ảnh cho truyền thông cũng chạy theo lợi nhuận rất nhiều.

Ngành y thì có lời thề Hippocrates, vậy ngành truyền thông có lời thề gì?

Ngoài ra, có một biểu hiện rất rõ của truyền thông "bẩn” chính là mạng xã hội và nó tác động trực tiếp vào giới trẻ, những đối tượng chưa có nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống, khi họ tiếp cận với các thông điệp "bẩn" sẽ rất dễ tin theo điều đó và chia sẻ thì vô tình sẽ khuếch đại những thứ chưa được kiểm chứng. Đôi khi, hậu quả chính là một ai đó sẽ bị hạ bệ, làm nhục hoặc bị tổn hại danh tiếng.

Theo thống kê gần đây của đại diện Facebook tại Việt Nam, số lượng người dùng ở nước ta khoảng 66 triệu người, trong đó 70-80% là sử dụng thường xuyên và nó vẫn tiếp tục tăng lên. Chúng ta sử dụng rất nhiều thời gian trên mạng xã hội để xem đủ mọi loại thông tin và chủ yếu lại là giới trẻ, những người thiếu kinh nghiệm. Họ chưa có hệ miễn dịch với những thông điệp bẩn, giống một loại bệnh dịch, virus và những thông tin đó ngày càng lây lan.

“Trong khi, những thông điệp này được đưa ra là có mục đích, giống như virus máy tính và họ nhằm vào đối tượng có hệ miễn dịch kém nhất, nhiều khi họ chỉ hồn nhiên bấm nút chia sẻ. Trách nhiệm của họ chưa cao nên vô tình tiếp tay cho truyền thông "bẩn”. Những đối tượng này chỉ thắp lên một đốm lửa nhưng lại cháy bùng lên một ngọn lửa lớn”, ông Anh phân tích.

 Mạng xã hội đang là một kênh được truyền thông

 Mạng xã hội đang là một kênh được truyền thông "bẩn" sử dụng để thực hiện mục đích sai trái của mình

Ngoài ra, có một nguyên nhân khác khiến cho căn bệnh truyền thông "bẩn” ngày càng lây lan một cách nhanh chóng là do các cá nhân hóa như KOLs (những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng, bao gồm: diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ hài… được nhiều người biết đến). Họ là những người nổi tiếng trong cuộc sống và mạng xã hội, họ là những người định hướng dư luận nên có hàng trăm, hàng nghìn người theo dõi. Thực tế, có những trường hợp, lượng người theo dõi trên các trang mạng xã hội của họ còn cao hơn cả một đài truyền hình.

Và theo các chuyên gia truyền thông, KOLs là con người nên hoàn toàn có thể ký hợp đồng, mua và thao túng được. Các doanh nghiệp nắm được điều này nên chủ động ký những hợp đồng truyền thông và nhiều khi, ý kiến của họ trở thành ý kiến đại diện cho doanh nghiệp hay cộng đồng nào đó.

Dù truyền thông "bẩn" có sử dụng thủ đoạn hay cách thức gì thì nó cũng là hành vi vi phạm đạo đức. “Các doanh nghiệp đánh nhau thì họ sẽ sử dụng truyền thông làm phương tiện để dựng lên những câu chuyện, họ phịa ra, dùng thủ đoạn để hạ bệ đối phương. Đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Như trong ngành y thì có lời thề Hippocrates, vậy ngành truyền thông có lời thề gì?”, PGS.TS. Lê Thanh Bình đặt câu hỏi.

 Cái giá phải trả cho người thực hiện truyền thông

 Cái giá phải trả cho người thực hiện truyền thông "bẩn" là rất lớn

Bản thân truyền thông không bẩn vì nó là một công cụ, phương tiện để truyền tải thông điệp, nhưng thông điệp gì và với mục đích nào thì cần phải xem xét. Truyền thông "bẩn” ảnh hưởng tới người khác, nhưng đôi khi truyền thông đúng sự thật cũng ảnh hưởng tới mọi người. Ví dụ, quán cơm 1.000 đồng là điều tốt cho cộng đồng, nhưng đối với nhiều người việc phải đến đó ăn cũng là một nỗi đau và đó thường đó là những tiếng nói nhỏ nhoi trong xã hội mà thôi.

“Chúng ta đều hiểu, truyền thông có sức mạnh ảnh hưởng hết sức ghê gớm, chính vì thế cần phải cẩn trọng trong vấn đề thực hiện. Khi đưa ra một chiến dịch truyền thông, chúng ta nên có sự căn nhắc, thấu cảm trong việc tạo hiệu quả cho số đông và cả những số ít, cần giảm thiểu ảnh hưởng không tốt cho tất cả mọi đối tượng”, ông Long chia sẻ.

Tuy nhiên, cho dù vì bất kỳ một lợi ích gì, dùng phương pháp nào, thì các nhà truyền thông, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, người sử dụng truyền thông "bẩn” nên hiểu một điều, khi bị phát hiện thì cái giá phải trả là rất lớn.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới