Nepal đất nước sở hữu những ngọn núi cao nhất thế giới, nơi tập hợp vô vàn di sản thế giới, nơi hội tụ những nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, đặc biệt dãy Himalaya huyền bí và kỳ vĩ luôn thôi thúc con người đến để chinh phục và đắm chìm cùng thiên nhiên.

Đến với Nepal là tìm đến với kho tàn văn hóa quý báu, đến với vẻ đẹp thiên nhiên bất tận. Không cần phải là nhà leo núi chuyên nghiệp, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện ước mơ khám phá Nepal nếu vượt lên được chính mình.

 

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tôi có xem một bộ phim với tựa đề là “Chuyến tàu đêm đi Kathmandu”. Trải qua mấy chục năm trong cuộc đời, tên bộ phim ấy, tên thành phố ấy, tôi vẫn nhớ như in mặc dù nội dung phim thì chẳng còn gì trong tôi. Và tôi mơ ước một ngày sẽ đến thăm thành phố có cái tên kỳ lạ đó - Kathmandu – Nepal.

Cuối cùng cơ hội khám phá miền đất Phật cũng đã đến bởi một quyết định chóng vách, sau lời khuyên rất có lý của cô em là tranh thủ khám phá những đất nước, những miền đất còn hoang sơ, kẻo sau này không kịp thực hiện trước những tác động của bàn tay con người và sự tàn phá của thiên tai.

Sau một chặng bay dài khởi hành từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, quá cảnh tại sân bay Quảng Châu để nối chuyến đến sân bay Tribhuvan - sân bay quốc tế duy nhất ở Nepal, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chiếc xe công nông di chuyển trong khu vực sân đổ để làm nhiệm vụ kéo hàng, những chiếc xe bus cũ kỹ đón và tuyển khách ra máy bay. Sân bay Tribhuvan trông giống những sân bay địa phương ở Việt Nam những năm đầu giải phóng. 

 

Đặt chân đến nhà ga sân bay Tribhuvan, ấn tượng đầu tiên là hình ảnh thân thiện mến khách của những nhân viên hải quan đang làm nhiệm vụ thị thực nhập cảnh cho du khách quốc tế. Chúng tôi đến Nepal không cần phải xin visa, chỉ cần chuẩn bị ảnh thẻ và hộ chiếu, nhân viên hải quan ở đây hướng dẫn và hỗ trợ tận tình để hoàn tất thủ tục nhập cảnh, mọi thứ diễn ra rất nhanh gọn, khoa học, chỉ cần chụp lại hộ chiếu, điền thông tin, nộp 25 usd phí là bạn đã có giấy thông hành vào Nepal.

Mọi sự lo lắng và mệt mỏi sau chuyến bay dài bỗng chốc tan biến, khi những nụ cười và những cái bắt tay nồng ấm từ những người bạn đến từ Công ty Life Dream – đơn vị chuyên tổ chức các tour du lịch khám phá và trekking ra tận sân bay đón chúng tôi. Sự hiếu khách của những người bạn Nepal làm chúng tôi bối rối khi lần đầu được đón tiếp trọng thị bằng những lẵng hoa choàng trên cổ trống giống như những người hùng vừa lập chiến công hiển hách trở về.

 

Sau khoảng 30 phút vừa đi vừa nhảy qua những ổ voi, ổ gà trên chiếc taxi, cuối cùng chúng tôi cũng đến khách sạn nằm trong khu Thamel.

Thamel được gọi là khu “phố tây” của thủ đô Kathmandu bởi đại đa số khách quốc tế khi đến Kathmandu đều tá túc ở đây. Thamel có đầy đủ mọi thứ cho nhu cầu ăn nghỉ của du khách từ ít tiền cho đến sang chảnh. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi trên đường về khách sạn là một hình ảnh thủ đô kỳ lạ với những chiếc xe cũ kỹ thời thập niên 70 chen nhau di chuyển trên đường phố.

Kẹt xe và khói bụi là “đặc sản” của thành phố này.

Sau khi nhận phòng khách sạn, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá thủ đô trong tâm trạng háo hức của một lữ khách lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây. Thung lũng Kathmandu bao gồm ba thành phố là Kathmandu, Lalitpur và Bhaktapur và có tới 7 di sản thế giới đã được UNESCO công nhận.

 

Tôi không biết phải miêu tả mọi thứ ở đây như thế nào cho nó đúng bởi vì có dùng từ nào cũng cảm thấy không đủ để diễn đạt cảm xúc. Có lẽ mọi ngôn từ dùng để miêu tả đều phải dùng từ “quá” làm tiền tố.

Bụi ư, vâng, quá bụi.

Ồn ư, quá ồn.

Nghèo ư, còn quá nghèo!

 

Trước đây, tôi cứ tưởng những vùng ven đô của thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình đô thị hóa đã là bụi bặm lắm rồi. Tuy nhiên, nếu so sánh với trung tâm thủ đô của đất nước nằm bên triền dãy Himalaya này thì xem ra chẳng thấm vào đâu.

Trong hành trình “cỡi ngựa xem hoa” trên đường phố Kathmandu, những lớp bụi cứ cuộn lên phía sau hàng đoàn ôtô, những chiếc xe máy nhả khói mù mịt, xộc thẳng vào mặt người và bao trùm mọi thứ. Khói bụi đến nỗi chúng tôi phải dùng tạm chiếc nón hoặc áo khoác để đối phó với khói bụi mịt mù trên đường phố.

 

Cảm giác khó thở bắt đầu hiển hiện khi kết thúc hành trình khám phá thủ đô ngay trong ngày đầu tiên và màn đêm đang dần phủ xuống thành phố với nhiều công trình kiến trúc cổ kính đổ nát sau những trận động đất gần đây. Có lẽ, những đống gạch đá đổ nát từ những công trình này cũng góp phần thêm vào bức tranh khói bụi của thành phố cổ kính này.

Nepal là một trong số các quốc gia có nhiều lễ hội nhất thế giới. Mỗi lễ hội như vậy thường kéo dài hàng tuần, thậm chí cả tháng. Gần như ngày nào thành phố Kathmandu cũng tràn ngập không khí của lễ hội.

Chúng tôi đến Nepal rất may đúng vào dịp lễ hội Năm mới của đất nước này và được chiêm ngưỡng một trong những hoạt động tâm linh quan trọng là hình ảnh của vị thần Bhairava và bản sao nữ Bhadrakali được để trong 2 cỗ xe lớn và kéo tới một quảng trường rộng, nhằm cầu chúc may mắn trong Năm mới.

 

Tôn giáo và tín ngưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân Nepal. Tôn giáo chính là ở đây là Ấn Độ giáo, tiếp nối là Phật giáo và phần nhỏ là các tôn giáo khác. Nepal có vị trí đặc biệt quan trọng với cả thế giới đạo Hindu và đạo Phật. Đất nước này không những là quê hương của thần Shiva, với ngôi đền nổi tiếng Pashupatinath, nơi mà người Hindu từ khắp nơi trên thế giới đến hành hương, mà còn là thánh địa của Phật giáo với Lumbini là nơi sinh của Đức Phật Thích Ca và là một địa điểm hành hương Phật giáo.

Các đền đài, miếu thờ được xây dựng ở khắp các ngóc ngách và cả ở giữa đường phố. Thời điểm chúng tôi đi bộ đến quảng trường Kathmandu Durbar Square là khoảng 5h chiều, cũng là thời gian người dân nơi đây chuẩn bị cho lễ chào đón năm mới. Bất kể một ai, bất kể già trẻ, gái trai, đều đến trước các miếu đền để cầu nguyện. Mùi hương quế phảng phất níu gót chân người.

 

Có đến quảng trường thì mới biết người dân Nepal thảnh thơi thế nào. Một ngày làm việc bình thường nếu ở các nước khác tôi tin chắc rằng mọi người đang long xòng xọc ngược xuôi vì công việc nhưng dường như chẳng có gì đáng bận tâm đối với người dân nơi đây. Tôi ngồi trên bậc thềm dưới một tháp cổ và lặng ngắm toàn cảnh Kathmandu Durbar Square.

Đây có lẽ là di sản thế giới quan trọng bậc nhất của Nepal. Nơi đây trước kia là nơi ở của các triều đại phong kiến Nepal còn bây giờ là trung tâm hành chính và tôn giáo của Kathmandu, là nơi diễn ra các sự kiện tôn giáo quan trọng của đất nước. Và đặc biệt, nơi đây còn có một ngôi đền là chỗ ở của Kumari.

 

Ngoài Kathmandu Durbar Square, còn hai quảng trường di sản khác ở Kathmandu mà nhất định bạn nên đến thăm là Patan Durbar Square và Bhaktapur Durbar Square. Kiến trúc ở các đền thờ miếu mạo ở các quảng trường này là minh chứng cho một nền văn hóa vô cùng rực rỡ của Nepal đã bị lớp bụi thời gian bao phủ. Toàn bộ các trụ đỡ và tường đều được làm bằng gỗ, trạm khắc tinh xảo và gá đỡ với nhau một cách khéo léo, chắc chắn mà không cần đến bất cứ một cái đinh vít nào.

Trong chương trình viếng thăm ở Kathmandu chúng tôi còn được chiêm ngưởng các ngôi đền như đền Swayambhunath, Buddanath và Pashupatinath, cũng đã được UNESCO công nhận là các di sản thế giới. Đền Swayambhunath nằm ở phía tây thành phố Kathmandu và còn được gọi là đền khỉ do có nhiều khỉ sinh sống ở đây. Đây là ngôi đền rất linh thiêng. Do nằm ở vị trí khá cao nên từ đây du khách có thể chiêm ngưỡng phong cảnh của toàn thành phố.

 

Trận động đất năm 2015 đã phá hủy phần lớn những công trình kiến trúc cổ được xem là biểu tượng của thu đô Kathmandu. Các di tích, đền thờ cổ, các bức tượng quý của người Nepal đã bị hủy hoại trong trận động đất vừa qua. Những ngôi nhà đã nứt và hư hại trong trận động đất trước giờ đây chịu chung số phận.

 

 Thế nhưng, bất chấp sự nghiệt ngã của thiên nhiên, người dân Nepal vẫn luôn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống và không ngừng tươi cười chào đón du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng và trầm trồ trước những công trình kiến trúc vĩ đại của đất nước này...

Theo Phạm Thu Giang/ Reatimes.vn