Xóm 4 không

Ngày 25 Tết năm 2014, men theo con đường đất nhỏ, gồ ghề, tôi tìm tới “Xóm mặt nước”. Cạnh chiếc bè ghép bằng đủ thứ tre, gỗ, thùng nhựa kín đang neo hờ hững với bờ bằng sợi dây thừng đã bắt đầu cũ mủn là cảnh 4 đứa trẻ hồn nhiên nô đùa.

Xóm là thế, giữa giờ chiều nên chỉ có trẻ con và người già trông nhau. Người nào có sức khỏe thì tỏa đi tứ phương tìm việc, xa nhất tận quận Hà Đông, còn gần là chợ Long Biên, chủ yếu là nghề bê vác hay mót những con tôm ở chợ hải sản đêm. Con nào "đẹp" mang bán lấy tiền, con nào xấu, ươn thì mang về làm thức ăn cho gia đình.

Chỉ còn 5 ngày là đến Tết nhưng cuộc sống nơi đây chẳng khác nào ngày thường, cho dù cách đó không xa là chợ quất, đào nhộn nhịp. Xóm ban đầu chỉ có vài hộ, dần dà dân số ngày một tăng. Buồn một nỗi, hàng xóm mới cũng toàn những người lâm vào cảnh khó khăn hệt những người cũ. Kể về cuộc sống gia đình, chị Vũ Thị Xuyến tếu táo: “Trên bờ đất không “đẻ” được nhưng dưới nước bọn tôi có thể mở rộng thêm diện tích bè theo số nhân khẩu của gia đình”.

Quả vậy, từ chiếc bè lòng hẹp, đến nay nó đã được nới rộng hơn để thích nghi với cuộc sống của 6 con người. Cậu con trai đầu mới lấy vợ nên bè lại được mở rộng chút nữa để có thêm không gian sống. Nhưng dù có mở rộng lòng bè cũng không giấu được vẻ tạm bợ khi vật liệu để nâng bè trên sóng nước là đủ thứ thùng nhựa, ván, tre, gỗ. Chỉ cần vài con sóng lớn chắc bè khó trụ nổi.

chuyen tet cua nhung cu dan roi song len pho
Lên bờ, 13 hộ dân “Xóm mặt nước” không còn phải lo nước sông dâng cao vào mùa lũ.

Vợ chồng chị Xuyến làm thuê bằng đủ thứ nghề tại chợ Long Biên, hàng xóm kế bên là gia đình chị Hạnh cũng vậy. Sống tạm bợ, đỡ được khoản tiền thuê nhà nhưng từ điện, nước đến thủ tục nhập học cho bọn trẻ cái gì cũng thiếu, cũng khó làm.

Khổ nhất là khoản nước sạch, các hộ đều phải mua ở trên bờ, 4.000 đồng/ gánh nước. Nếu thuê người khác gánh xuống thuyền, giá tăng thêm 2.000 đồng/gánh. Nghĩ mà xót tiền nhưng không mua thì nấu ăn bằng gì? Xóm có bà Trần Thị Tuyết, 70 tuổi, trong một lần đi mua nước, bước thấp bước cao trên con đường gồ ghề, không may vấp ngã gãy răng.

Tiếng là dân sống ngay trên mặt nước sông Hồng nhưng đa số đều kiếm kế sinh nhai bằng các nghề trên bờ, rất ít người mưu sinh bằng cách kiếm tôm, cá. Thuyền, bè trong xóm san sát nhau nhưng lại rất mong manh mỗi khi sông dâng nước lớn.

Vào mùa mưa, lũ, dân “Xóm mặt nước” ung dung còn lãnh đạo UBND phường Phúc Xá và anh em CA phường lo sốt vó. Mùa mưa năm 2013, nước sông Hồng dâng cao, vận động người dân vẫn không chịu di tản lên bờ, vậy là anh em cảnh sát khu vực cả đêm ngủ trên thuyền cùng dân, đề phòng có sự cố còn có biện pháp xử lý.

Chị Nguyễn Thị Thanh vẫn còn nhớ trận nước lên lịch sử lần ấy khiến thuyền lắc lư theo sóng nước xiết. Lúc đó, chồng chị là anh Vũ Văn Học đang ốm, con còn nhỏ dại. Để cứu cả nhà, chị liều mình dầm người xuống nước đưa thuyền vào sát bờ.

chuyen tet cua nhung cu dan roi song len pho
Cuộc sống tạm bợ trước đây của các hộ dân “Xóm mặt nước”. (Ảnh: H.N)

“Xóm mặt nước” ngày mới

Khi nghe cán bộ phường vận động, chỉ mất một thời gian ngắn 13 hộ dân đã đồng ý lên bờ sống. Mỗi gia đình di chuyển đến nơi ở mới được chính quyền hỗ trợ 2,5 triệu đồng thuê nhà trọ. Toàn bộ khu vực xóm nổi được dọn dẹp sạch sẽ, trả lại cảnh quan, môi trường sinh thái như trước đây.

Sau hơn một năm sống trên bờ, 13 hộ dân đón cái Tết cổ truyền thứ hai. Những lo toan cho cuộc sống mới tạm lùi về phía sau để nhường chỗ cho niềm tin vào một ngày mai tươi đẹp. Không còn cảnh “thần sông nổi giận” nên câu chuyện của người dân xóm mới cũng mới hơn, rằng giờ đi làm vệ sinh nhà cửa cho các hộ khá giả cũng kiếm đủ tiền Tết, rồi chỗ này đang cần tuyển việc lương tốt mà vẫn có thời gian làm việc nhà, chỗ kia cần người chở hàng quần áo…

13 hộ dân xóm mặt nước xưa kia, giờ vẫn còn không ít hộ gặp khó khăn, những trường hợp này thường rơi vào gia đình vợ chồng già cả. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Bé, 73 tuổi và vợ là bà Nhàn, 68 tuổi. Là trường hợp của bà Lê Thị Hạnh, 55 tuổi, quê ở Bắc Ninh, ngày ngày vẫn cùng chồng mưa sinh bằng nghề gánh hàng thuê và quét dọn ga tàu. Tiếp nữa, bà Trần Thị Tuyết, 69 tuổi, quê Thái Bình, mưu sinh bằng cách nhặt phế liệu…

Ông Nguyễn Dương Hải, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết, cùng với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn, những hộ dân mới chuyển từ sông nước lên bờ bao giờ cũng được phường quan tâm. Ngày Tết, phường vẫn cử cán bộ tới thăm hỏi, tặng quà. Bên cạnh đó còn có sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân. Quà Tết từ những tấm lòng thiện nguyện gồm gạo, bánh kẹo, bánh chưng, nước mắm, mì chính… đủ để giúp các hộ dân đón một cái Tết đầm ấm.

Xóm nghèo xưa nơi có 13 “mái nhà” lênh đênh trên sóng, có nhiều phận người không muốn nhắc đến Tết, không dám mơ một chuyến xe về nhà vì tủi thân cho sự nghèo khó, thì nay họ đã có những dự định thăm quê hương, họ hàng. Đám trẻ con cũng được bố mẹ chúng tính chuyện mua thêm những bộ quần áo mới, lên kế hoạch đi chơi công viên, điều tưởng dễ dàng với người bình thường nhưng lại khá xa lạ với những người dân xóm mới.

Khắc Hạnh

 

Theo phapluatxahoi.vn