Cơ chế sandbox tuy còn lạ lẫm với Việt Nam nhưng trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lân cận, sandbox đã rất quen thuộc.

Khi một điều luật ban hành, đòi hỏi nhiều thời gian để phù hợp và cần nhiều vấn đề phát sinh cần xem xét. Tuy nhiên, quy trình lập pháp lại không thể rút ngắn. Đó là thách thức lớn đối với những công ty công nghệ khi lĩnh vực này cần bắt kịp thời đại và thay đổi theo từng ngày.


Cơ chế sandbox cần thiết trong nền kinh tế chia sẻ

Cơ chế sandbox ra đời, là khung thể chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia.

Ví dụ như Grab – Một ứng dụng gọi xe công nghệ mở rộng các lĩnh vực khác như giao hàng nhanh, thanh toán không dùng tiền mặt,... hay một số loại hình kinh tế chia sẻ khác như dịch vụ thuê chỗ du lịch Airbnb thì cơ chế sandbox là vô cùng cần thiết, khi có thể thử nghiệm được các cơ chế chính sách mới xem có phù hợp với chính sách của các nhà quản lý hay không.

Có cơ chế Sandbox, những người xây dựng các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới có thể triển khai được các ý tưởng của mình trong khi môi trường pháp luật chung chưa cho phép, qua đó có cơ hội chứng minh những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội mà công nghệ mới có thể mang lại. Từ đó, sẽ quyết định được chính xác hơn luật này có nên áp dụng đồng bộ hay không.

Ông Nguyễn Xuân Việt Bình, đại diện CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Việt Bình, đại diện CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca chia sẻ, ông ủng hộ việc ban hành cơ chế sandbox trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). “Điều này sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp Fintech, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính toàn diện, thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng chính sách không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ Việt Nam”.

Ngoài ra, ông Bình cho biết thêm, Moca cũng đang rất tích cực nghiên cứu các ý tưởng và giải pháp mới để có thể tham gia vào cơ chế sandbox, hướng đến việc tăng cường tính tiện lợi cho khách hàng sử dụng ví điện tử.

Theo Mi Trần/Đô Thị Mới