Những thương vụ “bí ẩn” của EVN Finance

Ngày 12/4/2018, một nhóm cổ đông của Công ty EVN Finance (địa chỉ tại tháp B, tòa nhà EVN, số 11 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) đã làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền để đề xuất hoãn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (2018-2023).

Lý do họ đưa ra vì cho rằng, các thành viên ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới không đủ tiêu chuẩn. Cùng với đó, HĐQT đương nhiệm của công ty này có nhiều sai phạm trong quá trình điều hành; vi phạm điều lệ tổ chức; bất minh về tài chính gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng…

Ông Hoàng Văn Ninh, Chủ tịch HĐQT EVN Finance

Ông Hoàng Văn Ninh, Chủ tịch HĐQT EVN Finance

Theo nhóm cổ đông trên, các thành viên HĐQT cùng các cá nhân Ban giám đốc Công ty đã che dấu những thông tin việc thông báo ứng cử người tham gia Hội Đồng quản trị và Ban kiểm soát khóa 2018-2023.

Bằng chứng là việc không gửi thông báo trực tiếp đến cho các cổ đông để các cổ đông biết thông tin với mục đích ngăn cản quyền tham gia ứng cử của các cổ đông, tạo điều kiện bất hợp pháp cho các thành viên HĐQT cũ và ban điều hành lợi dụng việc chênh lệch thông tin để tiếp tục đề cử nhau vào HĐQT và Ban kiểm soát ở kỳ Đại hội sắp tới.

Việc làm trên đã vi phạm nghiêm trọng Điều 41 của Điều lệ tổ chức của EVN Finance ban hành tháng 4/2016, về việc không thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực cẩn trọng vì lợi ích EVN Finance và các cổ đông.

Cùng với đó, thay vào việc gửi thông báo trực tiếp, thì HĐQT Công ty chỉ công bố sơ sài về thông tin ứng cử HĐQT, Ban kiểm soát trên trang mạng mà không hiển thị thời gian đăng tải thông tin, không đảm bảo cho các cổ đông tìm kiếm và tiếp cận thông tin, việc làm này vi phạm thêm Điều 5 Nghị định 155/2015/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin đối với công ty đại chúng.

Ngoài ra, việc đề cử thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2018-2023) của EVN Finance có những khuất tất nghiêm trọng. Cụ thể, danh sách đề cử là do các thành viên tự ứng cử, đề cử và tự phê duyệt. Lãnh đạo HĐQT đã cố tình vi phạm điều lệ của EVN Finance và vi phạm các quy định quản trị khác của Luật doanh nghiệp gây xung đột lợi ích giữa cổ đông và HĐQT của Công ty, có thể tạo ra các lợi ích cá nhân của những thành viên khi tham gia điều hành công ty.

Cũng theo đơn đề nghị của nhóm cổ đông, trong Quy định tại Khoản 1 Điều 46 – Điều lệ của EVN Finance nêu rõ:“Người được bầu làm thành viên HĐQT phải đáp ứng các tiêu chí sau: c) Là cá nhân sở hữu hoặc người được ủy quyền đại diện sở hữu ít nhất 5% vốn điều lệ của EVNFinance. trong thông báo ứng cử đề cử của EVN Finance phải đạt 10% trở lên”. Tuy nhiên, chiếu theo Quy định trên, có đến 4 ứng cử viên không đủ để được bầu vào HĐQT…

Từ những căn cứ trên, nhóm cổ đông của EVN Finance đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn tổ chức Đại hội cổ đông, đồng thời, sớm vào cuộc, điều tra, lãm rõ những khuất tất tại EVN đang tồn tại trong thời gian qua để đảm bảo quyền lợi của cổ đông công ty, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch trong lĩnh vực tài chính đem lại lòng tin của các nhà đầu tư.

Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực  (EVN Finance) được thành lập từ ngày 01/09/2008, với sứ mệnh là đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên, Trước tháng 12/2014, EVN nắm giữ 40% cổ phần của EVN Finance. Đến cuối năm 2017,  EVN đã thoái vốn khỏi EVN Finance và chỉ còn sở hữu 7,5% cổ phần.

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ cấu cổ đông của EVN Finance gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (7,5% vốn điều lệ). Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (8,4% vốn điều lệ); Các cổ đông khác (84,1% vốn điều lệ)

Nhóm PV / Reatimes