Trước đó, ngày 2/11, ông Lê Viết Hải có “tâm thư” cho biết trong những ngày gần đây, HBC rất bất ngờ khi giá cổ phiếu HBC bị giảm giá bất thường làm cho cổ đông có nhiều lo lắng về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. 

Sau khi bức tâm của ông Lê Viết Hải, cổ phiếu HBC tăng liền một mạch từ 48.100 đồng/cổ phiếu (ngày 2/11) lên 54.000 đồng/cổ phiếu (ngày 8/11).

Đến ngày 10/11, HBC ra thông báo cho biết: HĐQT ra nghị quyết sẽ mua 3,5 triệu cổ phiếu quỹ (2,7% vốn điều lệ) với giá không quá 52.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian mua cổ phiếu trong vòng 30 ngày sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chấp thuận. Nguồn vốn mua cổ phiếu quỹ được trích từ lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 30/6/2017.

Ngoài ra, HBC liên tiếp thông báo được giao thi công các gói thầu lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, phản ứng thị trường trái ngược với những tin tốt trên, cổ phiếu HBC liên tục rớt giá. Đóng cửa ngày 21/11, HBC chỉ còn 49.100 đồng/cổ phiếu, xấp xỉ mức giá ngày ông Lê Viết Hải viết "tâm thư". Điều đáng nói là trong những ngày gần đây, chỉ số VN-Index liên tục tăng điểm, chinh phục những cột mốc cao thì cổ phiếu HBC vẫn “âm thầm” giảm sàn!

Không biết trong những ngày tới, nếu cổ phiếu HBC tiếp tục đỏ sàn, ban lãnh đạo sẽ “tung” chiêu gì để cứu giá cổ phiếu này? Công ty sẽ công bố ngày mua cổ phiếu quỹ, cổ đông nội bộ “ồ ạt” đăng ký mua cổ phiếu?

Sau thời gian dài tăng giá, cổ phiếu HBC đạt đỉnh 63.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/10. Sau đó, HBC liên tục đỏ sàn và chỉ còn 48.100 đồng/cổ phiếu, tương đương 24,6%. Việc giảm giá này khiến vốn hóa HBC “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng chỉ trong 14 phiên giao dịch.

Cổ phiếu HBC giảm giá mạnh khiến tài sản của Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải giảm hơn 300 tỷ đồng nên việc ông Hải - cổ đông lớn nhất - lo lắng là điều không tránh khỏi.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá trình tăng giá thì từ đầu năm tới ngày đạt đỉnh, cổ phiếu HBC đã tăng 2,9 lần, còn so với ngày 21/11 cũng là 2,2 lần. Đây là mức lãi ấn tượng khi so với mặt bằng chung của thị trường. Khi cổ phiếu tăng mạnh, trở nên đắt đỏ thì việc nhà đầu tư “chốt” lãi là chuyện bình thường.

Theo Nghĩa An/Reatimes