Con gặp họa vì thuốc "cầm" tiêu chảy

Sau hai hôm đi nhà trẻ, bé Trần Anh Sơn (13 tháng tuổi, ở Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) bắt đầu có dấu hiệu ăn uống kém, hay nôn trớ sau mỗi lần ăn và đi ngoài ra phân lỏng đến gần chục lần mỗi ngày. Nghĩ con chưa thích nghi với môi trường mới tại nhà trẻ, chị Nguyễn Thị Lan (mẹ bé Sơn) liền ra hiệu thuốc mua thuốc “cầm” tiêu chảy về cho con uống.

Ai ngờ, cả đêm hôm đó, cu cậu bị sốt, đi ngoài liên tục và quấy khóc dữ dội. Lúc ấy, vợ chồng chị Lan mới tá hỏa thuê taxi cho con vào viện ngay trong đêm. Tại đây, các bác sĩ cho biết, con chị bị tiêu chảy cấp, rối loạn đường ruột do dùng thuốc trị tiêu chảy không đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Rất may, bé được đưa vào viện sớm nên được cấp cứu kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thực tế, người Việt rất hay có thói quen, thấy con bị tiêu chảy thì việc đầu tiên nghĩ đến là mua thuốc “cầm” tiêu chảy hoặc men tiêu hóa về cho con uống để dừng việc đi ngoài của con lại.

Trẻ nhỏ rất hay bị tiêu chảy do sức đề kháng kém. Ảnh minh họa

Trẻ nhỏ rất hay bị tiêu chảy do sức đề kháng kém. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc làm này lại rất nguy hiểm đối với sức khỏe của con, nhất là trong trường hợp, đứa trẻ bị tiêu chảy do rotavirus. Bởi lẽ, khi đó, việc giảm số lần tiêu chảy sẽ khiến các virus gây bệnh không bị tống ra ngoài một cách nhanh chóng, khiến bụng trẻ càng trướng lên. Trẻ có thể gặp tình trạng nôn trớ do đầy bụng. Trong khi đó, nôn gây mất nước không kém gì tiêu chảy.

Bên cạnh đó, một số mẹ còn tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị tiêu chảy cho con. Đây cũng là việc làm tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho trẻ vì chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn tiêu chảy đã xác định do nguyên nhân vi khuẩn hoặc tiêu chảy có biến chứng bội nhiễm, viêm phổi... Còn tiêu chảy do virus gây ra, việc dùng kháng sinh hoàn toàn vô ích và còn làm trẻ mệt thêm.

Bù nước đúng cách cho trẻ

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ vì hệ miễn dịch chưa trưởng thành, sức đề kháng của trẻ còn kém nên dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. Bên cạnh đó, đường tiêu hóa của bé chưa ổn định cộng với chế độ ăn có nhiều thay đổi khiến trẻ không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh.

Khi trẻ bị tiêu chảy, việc đầu tiên phải làm là bù nước điện giải sớm cho trẻ bằng dung dịch oresol. Tuy nhiên, bố mẹ cần mua đúng oresol. Bởi lẽ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, cách đây không lâu, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng sốt rất cao, mất nước rất nặng, tụt huyết áp. Điều đáng nói, nhiều trẻ trong số đó nhập viện do uống thực phẩm chức năng oresol có pha thêm hương liệu cho trẻ dễ uống chứ không phải là thuốc oresol.

Việc pha oresol đúng tỷ lệ cũng rất quan trọng. Ví dụ, trên bao bì hướng dẫn pha 1 gói oresol với 200ml nước, mẹ cần pha đúng 200ml nước thì mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ, không pha nhiều hoặc ít hơn lượng nước nêu trên. Bên cạnh đó, nguyên tắc uống nước oresol là cho trẻ uống từng thìa nhỏ một. Cứ 1-2 phút cho trẻ uống một ngụm và uống theo nhu cầu của trẻ.

Ngoài việc bổ sung nước và điện giải, bố mẹ cũng cần cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết trong bữa ăn hàng ngày cho trẻ. Một số bà mẹ khi thấy con bị tiêu chảy lại chỉ cho con ăn cháo trắng và kiêng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Việc làm này càng khiến trẻ kiệt sức, lâu khỏi bệnh hơn.

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), 80% tế bào miễn dịch nằm ở đường tiêu hóa. Do đó, đứa trẻ nào có đường tiêu hóa khỏe mạnh thì hệ miễn dịch sẽ rất tốt. Mặt khác, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy dinh dưỡng của một đứa trẻ là do tiêu chảy. Vì thế, nếu đứa trẻ hay bị bệnh đường ruột sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao.

Do vậy, BS Lê Thị Hải lưu ý, để phòng ngừa và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em, cha mẹ cần chú ý nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt uống vaccine ngừa tiêu chảy do rotavirus.

Giai đoạn ăn dặm, nguy cơ nhiễm khuẩn do tiếp xúc với thực phẩm bên ngoài sẽ rất lớn, do vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Bố mẹ cần lựa chọn thực phẩm tươi để chế biến cho bé ăn. Bên cạnh đó, trong quá trình nấu ăn, bà mẹ phải rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến. Dụng cụ chế biến cũng phải đảm bảo vê sinh…

Ngoài ra, trong môi trường học đường, cần đảm bảo sàn nhà, bàn học, các đồ chơi mà trẻ tiếp xúc thường xuyên phải luôn sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn, nguy cơ gây bệnh tiêu chảy cho trẻ.

Mai Thùy

Theo Giadinh.net.vn