Theo danh mục kiểm kê đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, các di tích lịch sử, văn hóa trên phân bổ ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Một số địa phương có số lượng di tích lớn như: Huyện Thường Tín có 440 di tích, huyện Ứng Hòa 433 di tích, huyện Ba Vì 394 di tích, huyện Chương Mỹ 374 di tích, huyện Phú Xuyên 345 di tích, huyện Sóc Sơn 341 di tích…

Các di tích lịch sử, văn hóa phân bổ ở hầu hết tất cả 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố

Được biết, việc kiểm kê, đánh giá di tích nhằm nhận diện giá trị, lập danh mục, nắm bắt hiện trạng về hệ thống di tích, trên cơ sở đó, góp phần xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Sau khi công bố danh mục kiểm kê di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiến hành bàn giao số liệu, danh mục di tích cho các quận, huyện, thị xã quản lý theo quy định phân cấp quản lý Nhà nước.

Tại buổi công bố và bàn giao danh mục di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo quy chế này, tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích không được tự ý di dời, tu sửa, làm thay đổi màu sắc, kiểu dáng hiện vật là yếu tố gốc cấu thành di tích, hoặc tiếp nhận, đưa thêm hiện vật vào di tích và khuôn viên di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa.

Trước đó, vào cuối tháng 11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 17 di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 2 di sản của Hà Nội được công nhận đó là Lễ hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ và Nghề thêu truyền thống thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín.

Danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được công nhận: 

1. Lễ hội Đình Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

2. Lễ hội làng Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

3. Lễ hội Đền Cửa Ông, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

4. Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắt khoăn) của người Nùng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

5. Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

6. Lễ hội Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

7. Nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

8. Nghệ thuật Bài Chòi, thành phố Đà Nẵng.

9. Hát Trống quân, tỉnh Hưng Yên.

10. Trò diễn Pôồn Pôông của người Mường, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

11. Nghề mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

12. Nghề khai thác yến sào Thanh Châu, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An và đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam.

13. Nghi lễ Cấp sắc của người Dao, tỉnh Sơn La.

14. Lễ cúng dòng họ (Tu su) của người Mông, tỉnh Sơn La.

15. Nghi lễ Tết nhảy (Nhảng chầm đao) của người Dao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

16. Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

17. Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Tuấn Việt (Tổng hợp)/GIa đình Việt Nam