Trước đó, chiều 25/3, trong cuộc họp báo quý I của Bộ Công an, Cục trưởng Cục CSGT Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất cao trong việc chia sẻ dữ liệu tài xế vi phạm giao thông và giấy phép lái xe bị tạm giữ, "chậm nhất 1/6 sẽ kết nối".

Theo Cục CSGT, những vi phạm của tài xế sẽ được các đơn vị tổng hợp, gửi đến Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông các địa phương hàng ngày. Các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải sẽ nhập lên hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý. Trường hợp nào vi phạm đã bị tước bằng lái, cố tình báo mất để làm lại thì sẽ không được cấp mới.

"Sau khi kết nối, thông tin vi phạm cả về giao thông và ma tuý của tài xế sẽ được cập nhật thường xuyên. Hai đơn vị có thể sử dụng dữ liệu của nhau để xử lý, quản lý tài xế", ông Dũng nói.

Việc chia sẻ dữ liệu được thực hiện sau khi Tổng cục Đường bộ cho hay đơn vị không thể nắm được việc tài xế có phải bị tước bằng hay không khi họ đến làm thủ tục xin cấp lại giấy phép lái xe. Ngoài ra, việc hai Bộ trao đổi thông tin bằng văn bản dễ thất lạc hoặc chậm, ảnh hưởng quá trình cập nhật dữ liệu.

Nhận định đây là vấn đề quan trọng, ông Dũng cho rằng cần phải làm sớm để tránh những hệ luỵ.

 Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Bá Đô

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Bá Đô

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV báo Gia đình và Xã hội, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Chúng ta cần nhìn nhận vấn một cách nhiều chiều.

Khía cạnh thứ nhất, nếu các lỗi vi phạm của tài xế bị công khai trên mạng là trái quy định của pháp luật. Cụ thể:

Tại khoản 1 điều 72 luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về công bố, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính:

“1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.”

Như vậy, hành vi vi phạm hành chính khi tham gia giao thông không nằm trong các trường hợp được phép công bố, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm cả mạng điện tử.

Ngoài ra, việc công khai hành vi vi phạm hành chính bao gồm “Họ, tên, địa chỉ nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; hậu quả hoặc ảnh hưởng của hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời gian thực hiện” (theo khoản 2, điều 8 nghị định 81/ 2013/NĐ-CP) cũng đồng nghĩa với việc công khai thông tin, bí mật cá nhân, vi phạm quy định của Hiến pháp về quyền con người được coi là quyền bất khả xâm phạm.

Khoản 1 điều 21 Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013:

“Điều 21.

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.”

Ở khía cạnh còn lại, nếu lỗi vi phạm của tài xế cập nhật trên mạng trong phạm vi nội bộ giữa các cơ quan quản lý thì chúng ta cần nhìn nhận theo hướng tính cực.

Thứ nhất, cập nhật các lỗi vi phạm giao thông chính là 1 trong các phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho người dân nói chung, người tham gia giao thông nói riêng thấy được hậu quả, từ đó, nâng cao ý thức tham gia giao thông, tự giác tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Thứ hai, cập nhật các lỗi vi phạm giao thông trên mạng góp phần loại bỏ các hành vi tiêu cực của cơ quan, cá nhân thực thi quyền lực nhà nước như nhận hối lộ, đút lót; từ đó lọc ra những phần tử xấu cố tình làm sai luật trong đội ngũ chấp hành pháp luật thông qua sự giám sát, đối chiếu của người dân.

Cuối cùng, việc cập nhật thông tin hành vi vi phạm giao thông lên mạng thể hiện sự quản lý chặt chẽ và đồng bộ xã hội của cơ quan nhà nước, tạo nên tính toàn diện giữa quy định và quản lý pháp luật trong cuộc sống.

Tóm lại, cập nhật các lỗi vi phạm giao thông trên mạng là 1 xu thế tất yếu trong việc quản lý xã hội của nhà nước, nhưng để làm được điều này, bộ máy nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chặt chẽ.

Xuân Thắng

Theo Giadinh.net.vn