Trên tờ Tuổi trẻ, ông Long cho hay:

"Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Trị mà chúng tôi nhận được, trong 6 mẫu cá nục thuộc lô hàng trên 25 tấn được kiểm tra có 1/6 mẫu có phenol hàm lượng 0,037mg/kg cá. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có kiến nghị lên UBND tỉnh đề nghị tiêu hủy lô hàng.

Sáng 13/6, chúng tôi có cuộc họp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kết quả xác định là phenol không có trong danh sách các chất cấm.

Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu dừng lưu thông lô hàng này và cho lấy tiếp mẫu, gửi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Trường hợp kết quả không cao hơn hàm lượng đã phát hiện tại Quảng Trị, không ảnh hưởng tới sức khỏe sẽ cho lưu thông.

Cuối tuần qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng trị khẳng định phenol là chất cực độc, chất này cũng có mặt trong sản phẩm công nghiệp và có gây ảnh hưởng tới sức khỏe...

Hiện chưa có bằng chứng phenol gây ra ung thư, nên Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế và cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp phenol vào nhóm chất gây ung thư.

Liều gây chết 50% đối với sinh vật thử nghiệm là 300-600mg/kg thể trọng nhưng hiện chưa có cơ quan nào quy định giới hạn phenol, ngoại trừ Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu có nghiên cứu về lượng ăn vào hằng ngày chấp nhận được của cơ thể người là 0,18mg/kg thể trọng.

Như vậy, với trọng lượng cơ thể người VN bình thường khoảng 50-60kg và hàm lượng phát hiện được trong cá là 0,037mg/kg cá, mỗi ngày mỗi người ăn 200 gam cá nục trong lô hàng kể trên là không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Phenol là một chất rắn/dạng dung dịch không màu hoặc màu trắng, có thể tổng hợp được hoặc có trong tự nhiên và được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, có trong nước, không khí hoặc ngay trong nước ngầm. Người ta có thể bị phơi nhiễm phenol qua nhiều đường, như không khí (hít thở), qua đất, nước hoặc môi trường làm việc (môi trường sản xuất nilông, nhựa...).

Đối với thực phẩm, phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, gà rán, thịt rán, hoặc có tự nhiên trong dâu, cà chua, táo, đậu phộng (lạc), ca cao, nho đỏ, sữa.

Phenol không có trong danh mục chất cho phép dùng, nhưng không có nghĩa thực phẩm không có phenol. Nhưng nếu phơi nhiễm phenol ở hàm lượng cao, phenol sẽ làm bỏng/hỏng da, gây phá hủy ruột và nhiều ảnh hưởng khác".

Lô cá nục.

Lô cá nục bị tạm giữ.

Trong khi đó, ngày 13/6, ông Trần Văn Thành, giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, cho biết vào sáng cùng ngày đơn vị này vừa cùng với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Quảng Trị lấy thêm các mẫu cá trong lô cá nục suôn 25 tấn tại kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc (trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) để gửi ra trung ương kiểm nghiệm.

Chiều cùng ngày, ngành y tế Quảng Trị đã có văn bản gửi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Văn bản nói rõ các căn cứ để ngành y tế Quảng Trị khẳng định chất phenol không thể được phép có trong thực phẩm.

Trước thông tin lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vừa cho rằng chất phenol có thể được dùng trong thực phẩm ở hàm lượng cho phép, ông Thành một lần nữa khẳng định ngành y tế Quảng Trị vẫn giữ quan điểm rằng phenol là chất độc, không được phép có trong thực phẩm.

“Chất này chỉ gây ngộ độc cấp khi uống nhầm hoặc tự tử. Còn với hàm lượng nhỏ như thế này vẫn sẽ gây những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe người sử dụng về lâu dài” - ông Thành nói.

Cụ thể, trên tờ Dân trí, khi trao đổi về căn cứ pháp lý khẳng định phenol là chất gây độc vào cuối giờ chiều 13/6, ông Trần Văn Thành cho biết: “Sau khi nghiên cứu các cơ sở, Sở Y tế nhận thấy các văn bản liên quan hiện tại về QCVN quy định hàm lượng phenol trong một số loại hình, hàm lượng phenol có trong nước biển là 0,03 Milligam/lit (quy định tại QCVN 10-MT:2015/BTNMT); Hàm lượng phenol và dẫn xuất phenol có trong nước ăn là 1 Microgam/lit (µg) (quy định tại QCVN 01:2009/BYT); Hàm lượng phenol có trong bao bì tiếp xúc trực tiếp hoặc làm từ nhựa phenol là 5 Microgam/lit (QCVN 12-1: 2011/BYT).

Như vậy, so với các căn cứ nêu trên đều thấp hơn hàm lượng phát hiện trong lô cá nục là 0,037 mg/kg”.

Trước đó, chiều 11/6, đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Trị gồm Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp), Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) và phòng cảnh sát môi trường Quảng Trị niêm phong 25 tấn cá nục đông lạnh có nhiễm chất phenol tại cơ sở của bà Lê Thị Thuộc ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). 5 tấn chủ cơ sở đã bán để chế biến thức ăn cho cá lóc.

Tại buổi kiểm tra này, đại diện 2 ngành y tế và nông nghiệp Quảng Trị có những ý kiến trái chiều về chất phenol trong thực phẩm.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho rằng chất phenol không có trong quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp.

“Một số chất cực độc vẫn có trong thực phẩm nhưng ở hàm lượng cho phép. Chúng ta đã tiên lượng được có một số mẫu trong thời điểm cá chết là không an toàn. Trong điều kiện tự nhiên, nước biển và cũng như trong quá trình sử dụng và cấp đông, chế biến thì cũng có thể phát sinh hàm lượng phenol”, ông Hưng nói.

Sở này cũng lấy 36 mẫu hải sản để kiểm tra và đều dưới ngưỡng cho phép.

Về chứng nhận hải sản an toàn do Sở Nông nghiệp cấp thời gian qua, ông Hưng thông tin giấy này chỉ mang tính tương đối và “ranh giới rất mỏng manh”.

“Giấy xác nhận này chỉ mang tính chất chứng nhận khai thác xa bờ. Chứ muốn biết chính xác hải sản an toàn thì phải đưa đi xét nghiệm”, ông Hưng nói, và cho biết thêm đến nay có 181 giấy chứng nhận hải sản an toàn cấp cho 4.300 tấn cá.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế nói không nắm rõ quy định bên ngành nông nghiệp, “nhưng trong y tế thì phenol là chất độc không được phép có trong thực phẩm”.

Với hàm lượng 0,037 mg/kg, ông Thành cho biết trước hết cần cấm sử dụng lô cá 30 tấn này.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam