Thống kê cho cho thấy, chỉ riêng việc thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra của Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Sở Y tế Hà Nội và TPHCM trong 6 tháng qua về sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng (TPCN), cơ quan chức năng đã xử lý khoảng 156 doanh nghiệp, rút giấy phép hơn 20 doanh nghiệp, phạt tiền hơn 5 tỷ đồng.

Hiện nay nhu cầu sử dụng TPCN rất lớn nên không ít đối tượng đã lợi dụng để đưa ra thị trường các mặt hàng TPCN giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, đây chính là những hành vi vi phạm pháp luật.

Từ thực trạng đó, nhận định về chất lượng của các TPCN ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, bất kỳ TPCN nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường là đảm bảo chất lượng (trừ sản phẩm bị làm giả).

Tuy nhiên ông Phong cũng cho rằng, trong số hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50-60% trong số đó là "sống" được, tức là được người tiêu dùng chấp nhận, còn lại là "tự diệt" vì không được người tiêu dùng ưu chuộng.

“Theo tôi thị trường TPCN không hỗn loạn mà là đang bùng nổ nhưng vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Từ đầu năm 2015 tới nay, đã có hai kế hoạch thanh kiểm tra chuyên sâu về TPCN và phụ gia thực phẩm. Bộ Y tế cũng phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công an trong việc đấu tranh, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, trong đó có TPCN. Do đó tần suất các cuộc và đoàn thanh kiểm tra tăng hơn so với các năm trước nên đương nhiên số cơ sở vi phạm cũng bị phát hiện nhiều hơn”- ông Phong đánh giá.

Theo quy định của pháp luật, TPCN trước khi đưa ra quảng cáo phải gửi nội dung quảng cáo tới cơ quan quản lý để thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung mà Cục An toàn thực phẩm đã thẩm định và phê duyệt.

Ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.

“Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp quảng cáo quá mức, thổi phồng công dụng của sản phẩm, không đúng nội dung thẩm định nhằm mục đích bán được nhiều sản phẩm. Đồng thời, một số cơ quan thông tin, đặc biệt là nhiều trang mạng, website quảng cáo sai sự thật. Trong khi đó, công tác hậu kiểm về việc quảng cáo TPCN chưa thực mạnh mẽ” – ông Phong cho biết.

Trước ý kiến cho rằng sở dĩ sản phẩm TPCN phát triển "lộn xộn" như thời gian qua là do cơ quan quản lý Nhà nước về thực phẩm chưa có quy định riêng về điều kiện sản xuất TPCN và điều kiện sản xuất thực phẩm nói chung, trong khi đó lẽ ra điều này là cần thiết, ông Nguyễn Thanh Phong đã chỉ ra thực trạng: Trong sản xuất thực phẩm, trong đó có TPCN, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ mới quy định 3 yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện con người và trang thiết bị kỹ thuật.

Đây là hạn chế không riêng gì của Việt Nam mà trên thế giới cũng chưa có nước nào có quy định riêng về sản xuất TPCN, chỉ có hướng dẫn áp dụng GMP (thực hành sản xuất tốt) trong sản xuất TPCN. Hiện Bộ Y tế đang làm việc với các cơ quan liên quan để ban hành quy chuẩn GMP với sản xuất TPCN ở Việt Nam.

Được biết, từ đầu năm 2015 tới nay, Cục An toàn thực phẩm đã siết chặt hơn việc kiểm tra về quảng cáo TPCN và đã xử lý tới 77 doanh nghiệp vi phạm, rút 12 giấy phép, phạt tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Đặc biệt, hàng tuần Cục ATTP đều công khai các doanh nghiệp, sản phẩm TPCN vi phạm để người dân biết phòng ngừa.

“Chúng tôi cũng khuyến cáo đối với người tiêu dùng cần phải hết sức thận trọng trước các sản phẩm TPCN được quảng cáo là hàng xách tay trên nhiều trang mạng, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để tránh nguy cơ tiền mất tật mang.

Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị Thanh tra của Bộ Thông tin - Truyền thông đẩy mạnh việc thanh kiểm tra, truy tận gốc để xử lý triệt để các trang mạng đang quảng cáo tràn lan quá lố về TCPN nhằm góp phần bảo vệ người tiêu dùng, cũng như tạo hành lang pháp lý công bằng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển” – Cục trưởng cục ATTP khẳng định./.

Bá Ngôn (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online