Hàng loạt khách hàng tự lắp thiết bị kích sóng

Ngày 7/7, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (PA 81, Công an TP. Hà Nội), thực hiện thanh tra đột xuất tại một hộ gia đình có địa chỉ tại phố Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy và một hộ gia đình ở ngõ Quan Thổ 3, phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa.

Qua kiểm tra, Đoàn Thanh tra đã phát hiện hai hộ gia đình lắp đặt thiết bị kích sóng di động loại Q-990 GSM gây can nhiễu cho tất cả các mạng thông tin di động trong khu vực và làm cho các thiết bị di động trong cả khu vực xung quanh không thể liên lạc được với các trạm gốc. Đoàn Thanh tra đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính về hoạt động sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; lập quyết định tịch thu tang vật vi phạm nói trên.

Trước đó, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I thuộc Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thực hiện đo kiểm và phát hiện 2 hộ gia đình này sử dụng thiết bị kích sóng di động trái phép trong nhà, làm ảnh hưởng đến chất lượng phát sóng mạng viễn thông. Theo đó, khi bộ thiết bị này chạy đã phát ra tín hiệu gây can nhiễu tới trạm thu phát sóng BTS của Viettel ở khu vực này.

Ngoài vụ việc trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện tình trạng can nhiễu hệ thống thông tin di động 3G của MobiFone. MobiFone đã có thông báo đến Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II để có biện pháp xử lý. Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng tiến hành rà soát và xác định tại địa bàn TP. Đà Lạt có 32 chủng loại điện thoại và địa bàn TP. Bảo Lộc có 27 chủng loại điện thoại không dây tiêu chuẩn DECT 6.0 gồm Panasonic, Vtech, Uniden, AT&T, Thomson, LG, Motorola, Philips… đang sử dụng gây can nhiễu sóng 3G.

Các thiết bị này đa số đều được người dân đưa từ nước ngoài về sử dụng. Sau khi triển khai rà soát, cơ quan chức năng tiến hành vận động người dân và thu hồi các thiết bị di động gây can nhiễu sóng. Tính đến ngày 22/6/2015, đã có 37 thiết bị di động không dây được thu hồi.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực I, đơn vị này đã nhận được hơn 50 kháng nghị can nhiễu từ Viettel, MobiFone, Vinaphone gửi cơ quan quản lý nhà nước.

Các can nhiễu xảy ra trên các băng tần số 900MHz, 1800MHz và 2100MHz đã được cấp phép sử dụng cho hệ thống 2G, 3G. Khu vực xảy ra can nhiễu gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân,…thuộc thành phố Hà Nội. Các vụ can nhiễu đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ của các nhà mạng thông tin di động, như tỷ lệ rớt cuộc gọi tăng cao bất thường, suy giảm tốc độ kết nối, thậm chí làm gián đoạn kết nối mạng 3G.

Các thiết bị kích sóng không đúng theo tiêu chuẩn đang gây nhiễu cho các mạng di động.

Các thiết bị kích sóng không đúng theo tiêu chuẩn đang gây nhiễu cho các mạng di động.

Không còn sự lựa chọn nào khác?

Nguyên nhân chính gây nhiễu cho các mạng thông tin di động tại nhiều điểm hiện nay được Trung tâm Tần số Vô tuyến điện Khu vực I xác định là việc sử dụng các thiết bị kích sóng thông tin di động không được phép và không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thực tế cho thấy, tại nhiều khu vực sóng di động yếu, một số tổ chức, hộ gia đình đã tự ý lắp đặt, sử dụng các thiết bị kích sóng di động. Các thiết bị kích sóng di động này được rao bán trôi nổi trên thị trường không đạt các quy chuẩn, quy định của Việt Nam gây can nhiễu có hại cho các mạng thông tin di động.

Theo lời khách hàng ở quận Cầu Giấy, các thành viên trong gia đình đang dùng di động của MobiFone và Viettel. Tuy nhiên, sóng điện thoại và 3G rất yếu, hầu như không có. Khách hàng nhiều lần gọi điện phản ánh tới tổng đài chăm sóc khách hàng của 2 nhà mạng này, thông báo về tình trạng không có sóng di động trong nhà, nhưng đều nhận được giải thích không thỏa đáng về chất lượng dịch vụ và nhà mạng cũng không có giải pháp hỗ trợ khách hàng. Do đó, vị khách hàng này mới phải chi gần 4 triệu đồng để mua bộ thiết bị kích sóng . Vị khách này phải lắp tới 3 bộ ăng ten ở lần lượt các tầng để bắt sóng di động.

Khách hàng đã thừa nhận, hành vi vi phạm của mình là do thiếu hiểu biết về phát luật và tự nguyện tháo dỡ bộ thiết bị kích sóng giao nộp cho đoàn thanh tra. Tuy nhiên, khách hàng cũng kiến nghị đoàn thanh tra, cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh tới hai nhà cung cấp MobiFone, Viettel có biện pháp hỗ trợ khách hàng như cam kết. Tương tự, khách hàng ở quận Đống Đa cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước “vào cuộc” để các nhà mạng có giải pháp kỹ thuật hỗ trợ khách hàng.

Theo ghi nhận, tại nhà 2 khách hàng trên, chất lượng sóng di động của cả 3 nhà mạng MobiFone, Vinaphone, Viettel rất kém, khi vào trong nhà hoặc là mất sóng, hoặc điện thoại chỉ báo một vạch cột sóng di động.

Theo ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel, tình trạng các thiết bị không tương thích do người dân sử dụng đã gây nhiễu khá lớn cho mạng 3G. Chỉ riêng ở Hà Nội, trong tháng 5/2015, Viettel phát hiện có 53 nguồn gây nhiễu ở một quận nội thành. Viettel đã phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện tìm kiếm và xử lý được 23 nguồn gây nhiễu, có 3 nguồn gây nhiễu chủ nhà không hợp tác, không mở cửa cho vào nhà để xử lý. Còn 27 nguồn gây nhiễu vẫn chưa phát hiện để xử lý được.

Không thể phủ nhận, đó là vi phạm pháp luật các quy định trong quản lý tần số viễn thông của khách hàng. Nhưng, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận cách xử sự của nhà mạng là không phải với khách hàng. Trên thực tế, dù các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone đã nhiều lần quảng bá đầu tư mạnh cho trạm phát sóng 2G, 3G, nhưng có thể thấy rằng, tình trạng bị “rớt sóng”, “trắng sóng” 2G, 3G ngay giữa Thủ đô là “chuyện thường ngày”. Điều đáng trách ở đây không phải là trách khách hàng mà chính nhà mạng không đảm bảo sóng cho khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.

Đại diện mạng Viettel cũng đã thừa nhận, việc người dân sử dụng thiết bị kích sóng đúng là xuất phát từ nguyện vọng chính đáng muốn được có sóng. Trách nhiệm của nhà mạng là phải cải thiện sóng tốt hơn. Tuy nhiên, theo vị này, việc phát triển hạ tầng mạng lưới tại các thành phố lớn như Hà Nội đang rất khó, dù nhà mạng biết rõ khu vực nào là vùng “lõm”, sóng yếu. “Trong thời gian qua, việc dựng trạm thu phát sóng ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội rất khó khăn vì người dân khiếu kiện. Trong đó, đáng chú ý rất nhiều công trình BTS dù đã được các cơ quan quản lý cấp phép, kiểm định nhưng không thể lắp đặt, phát sóng vì người dân phản đối…” – đại diện một nhà mạng cho biết.

Vì vậy, đại diện các mạng di động một mặt đề xuất rất cần sự ủng hộ của người dân, các cấp chính quyền sở tại để nhà mạng nâng cao chất lượng mạng lưới phục vụ, đồng thời kiến nghị cơ quan hữu trách sớm vào cuộc thanh, kiểm tra việc cung cấp các thiết bị này trên thị trường.

“Để chấm dứt tình trạng người dân vi phạm, sử dụng thiết bị kích sóng thì biện pháp đầu tiên chính là phải xử lý được chuyện sóng kém. Nếu kết quả đo chất lượng vùng phủ cho thấy nhà mạng không đạt yêu cầu thì nhà mạng phải có trách nhiệm khắc phục. Trong thời gian chờ đợi lắp BTS, nhà mạng phải xem xét cả những giải pháp tình thế, đảm bảo có sóng cho người dân” – lãnh đạo Trung tâm TSVTĐ Khu vực I đề nghị.

Tại cuộc họp, một đơn vị còn đề xuất nhà mạng trực tiếp cấp thiết bị kích sóng hợp quy, đủ chuẩn cho người dân dùng tạm, “vừa chủ động, vừa đúng luật, vừa dễ quản lý hơn”.

Thiết nghĩ, các nhà mạng bên cạnh việc phát hiện hành vi trái phép của người tiêu dung cũng cần bảo đảm chất lượng dịch vụ tới cùng cho từng khách hàng. Bởi nếu không, sẽ tiếp tục gián tiếp đẩy khách hàng vào hoàn cảnh phải sử dụng thiết bị phụ trợ; rồi khách hàng lại bị chính nhà mạng phối hợp với cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý./.

Bá Ngôn / Theo Gia đình Việt Nam