Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển của kinh tế, hàng loạt khu đô thị, khu chung cư tại các thành phố lớn ra đời. Kèm theo đó là rất nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nổi cộm lên là tình trạng cháy nổ tại các khu chung cư, nhà cao tầng. Những vụ hỏa hoạn và cháy nổ không chỉ gây ra thảm cảnh cho các gia đình mà còn là lời cảnh báo về trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan chức năng, sự bất cẩn, lơ là, ý thức chủ quan của con người trước nguy cơ cháy nổ.

Xuất phát từ thực tế cần những đánh giá khách quan về thực trạng, tìm ra nguyên nhân, phân tích các bất cập trong công tác quản lý và trong thực tiễn; nhìn nhận đúng vai trò của các thiết kế kiến trúc, quy hoạch đến công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn; đề xuất các giải pháp trong phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các vụ cháy nổ trong khu chung cư, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng thoát nạn cho cư dân...; Ban Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam quyết định tổ chức giao lưu trực tuyến trên Reatimes.vn với chủ đề: “Công tác phòng chống cháy nổ tại các khu chung cư: Thực trạng và giải pháp”.

Buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức vào hồi: 09h00 ngày 29/3/2018; tạiTòa soạn Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam: Tầng 6, khu Văn phòng A3, tòa nhà Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Các khách mời tham dự chương trình.

Các khách mời tham dự chương trình.

Khách mời tham gia chương trình gồm: PGS. TS. KTS.Nguyễn Hồng Thục,Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư; Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC; Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc CTCP Bảo hiểm Quân đội MIC; Ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia Quản lý Tư vấn Vận Hành Kỹ Thuật Tòa nhà, CBRE Hà Nội; Ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc Cty CP quản lý tòa nhà ECH, cùng đại diện Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Hà Nội,...

Ban Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam kính mời quý độc giả theo dõi chương trình và đặt câu hỏi ngay từ thời điểm này cho các vị khách mời bằng cách bình luận phía dưới hoặc gửi về địa chỉ: Batdongsantapchi@gmail.com và hotline của chương trình: 098.217.9090./.

NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

Hồng Vân, Trung Kính, Hà Nội: hỏi:Thưa đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm, vụ cháy Carina vừa rồi, cháu theo dõi khá kỹ diễn biến và nguyên nhân. Thường tâm lý người dân Việt Nam nếu ở chung cư thì muốn ở tầng thấp để dễ thoát hiểm khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn và lý thuyết ai cũng được học là khi hỏa hoạn thì việc cần làm là chạy theo lối thang bộ thoát hiểm của tòa nhà. Nhưng trong vụ cháy này, các nạn nhân thiệt mạng đa phần chính là những người ở tầng thấp và ngạt khói trong khu vực thang thoát hiểm. Cháu thực sự rất hoang mang và không biết khi xảy ra hỏa hoạn phải làm thế nào? Ở tầng nào chung cư mới đảm bảo an toàn?Đại tá, PGS. TS. Ngô Văn Xiêm, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC trả lời:

Theo nguyên tắc muốn an toàn phải thoát nhanh ra khỏi nhà, thì hướng tốt nhất từ trên cao chạy xuống đất, càng cao thì chạy xuống càng lâu.

Hiện nay, ở Việt Nam, chưa có máy bay trực thăng cứu hỗ, ở Hà Nội mới chỉ có xe thang 52m, cũng chỉ vươn lên đến tầng 16 mà đây cũng không phải hướng chính là thoát nạn an toàn.

Chỉ có mấy hướng, thứ nhất khi thoát nạn, chạy ra ban công, Cảnh sát PCCC sẽ đưa xe thang cứu.

Con đường chính vẫn là thoát qua lối thoát nạn an toàn, nghiêm cấm không được dùng thang máy, chỉ còn con đường đi vào cầu thang bộ. Theo quy định phải có ít nhất 2 lối thang bộ thoát hiểm và chống nhiễm khói.

Kỹ thuật chống nhiễm khói thì đã có tiêu chuẩn kỹ thuật. Như vừa rồi cháy ở chung cư Carina, số người chết chủ yếu ở tầng dưới, là do khi cháy tâm lý chung muốn chạy ra ngoài, cứ theo cầu thang chạy xuống, nhưng do khói đã xộc vào thang thoát hiểm nên khi cư dân chạy xuống thì khói lại xộc lên nên không thể thoát ra, những người nhiễm khói không chịu được sẽ tử vong.

Có tâm lý là ở tầng thấp thì khả năng điều kiện thoát ra khỏi toà nhà nhanh hơn. Nhưng quan trọng không phải ở tầng nào mà quan trọng là ý thức chấp hành các điều kiện về an toàn PCCC.

Mỗi gia đình nên quan tâm đến các điều kiện an toàn PCCC, biết cách khai thác sử dụng, ứng xử thông minh trong các tình huống sự cố. Khi CSPCCC tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng phương tiện cứu hộ và kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn an toàn thì cư dân phải đến nghe để hiểu, biết, để đảm bảo an toàn cho chính mình.

Có những trường hợp, như mới đây, Cảnh sát PCCC số 2 Hà Nội có tuyên truyền gửi giấy mời 260 hộ gia đình đến nghe tuyên truyền nhưng cuối giờ mới có lác đác vài chục người toàn người già trẻ em đến trong khi nguyên tắc phải là chủ hộ gia đình chịu trách nhiệm an toàn PCCC cho cả nhà chứ không phải ai khác, nếu chủ hộ không đến thì phải là người đủ năng lực hành vi, chứ không thì không thể đảm bảo được an toàn PCCC cho các gia đình trong trường hợp cháy nổ.

Quan trọng là khi xảy ra cháy phải bình tĩnh để suy nghĩ xem nên ứng phó thế nào, nếu hoang mang sẽ không đủ tỉnh táo để đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp. Một đám cháy bao giờ cũng phải có thời gian của nó.

Nếu vị trí cháy cách xa chỗ căn hộ của mình thì hết sức bình tĩnh chủ động. Trong gia đình có mấy thứ có thể dùng luôn trong trường hợp xảy ra cháy là: Dùng băng dính chống cháy dán kín cửa để khói không nhiễm vào, trong căn hộ mấy chục mét khối thì lượng ô xi có thể duy trì được vài chục phút. Dùng quần áo dấp nước chèn vào khe cửa thì khói không vào được thì vẫn an toàn.

Vũ Minh Ngà, Nha Trang: hỏi:Nhiều tòa nhà đã được nghiệm thu PCCC nhưng do quá trình sử dụng lâu, công tác bảo dưỡng, bảo trì kém nên dẫn đến thiết bị hỏng hóc. Thưa ông Nguyễn Thành Trung, theo quy định thì Ban quản lý tòa nhà sẽ phải kiểm tra, hành bảo dưỡng các thiết bị PCCC với tần suất như thế nào? Kiểm tra những hạng mục nào? Có quy định nào liên quan đến việc quản lý tòa nhà phải có riêng một người có chuyên môn, phụ trách trực kỹ thuật PCCC không?Ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia Quản lý Tư vấn Vận Hành Kĩ Thuật Tòa nhà, CBRE Hà Nội trả lời:

 

Trong quy định của pháp luật, việc bảo dưỡng định kỳ hệ thống các thiết bị PCCC là 1 năm 1 lần nhưng thực trạng những tòa nhà các đơn vị quản lý cao cấp quản lý thì theo quy định, việc kiểm tra diễn ra thường xuyên ít nhất 2 tiếng/lần; việc bảo dưỡng thông thường theo quý là 3 tháng/lần, việc chạy thử hệ thống 1 tháng/lần.

Công tác kiểm tra toàn bộ các thiết bị PCCC trong tòa nhà bao gồm: hệ thống báo cháy, chữa cháy, thang thoát hiểm, các van chặn khói và cửa chặn khói, hành lang thoát hiểm, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn, tăng áp cầu thang, hệ thống hút khói, liên động giữa hệ thống PCCC và thang máy, liên động giữa hệ thống PCCC và loa thông báo, an toàn hệ thống điện, hành lang PCCC ngoài nhà dành cho đơn vị PCCC tiếp cận, các thiết bị cứu hộ cứu nạn trong tòa nhà như thang dây, búa, mặt nạ phòng độc, quần áo chữa cháy...

Quy định là như thế song trên thực tế không phải tòa nhà nào cũng đảm bảo và thực hiện đủ việc kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC thường xuyên. Nguyên nhân có thể do ý chí của chủ đầu tư, trách nhiệm của BQL tòa nhà nhưng cũng có chung cư đã giao cho BQT, những thiết bị nêu trên lúc đó đã giao cho BQT, nếu thiếu thì cư dân phải có yêu cầu bổ sung.

BQL tòa nhà ký hợp đồng với BQT phải có trách nhiệm tư vấn, thông báo cho BQT để đầu tư, nâng cấp cải tạo hệ thống PCCC nếu thiếu, hỏng hóc... để nâng cao an toàn cho người dân. Việc phụ trách trực PCCC đương nhiên phải do người có chuyên môn, nếu không có chuyên môn thì không thể xử lý được.

Cho nên, để nêu cao an toàn thì chưa nói đến quy định, BQL tòa nhà phải có trách nhiệm cử những người có chuyên môn, hiểu biết để trực và xử lý khi có sự cố xảy ra. Chính vì vậy, phải đào tạo toàn bộ đội ngũ kỹ thuật và đội ngũ an ninh những nghiệp vụ cơ bản về PCCC.

Trần Ngọc Bách, Hà Nội: hỏi:Khi thiết kế căn hộ chung cư, điều quan trọng nhất mà chủ đầu tư cần lưu ý là gì để đảm bảo tốt nhất cho các trường hợp hỏa hoạn, thưa ông?Ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc Cty CP quản lý tòa nhà ECH trả lời:

 

Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với chung cư là các hệ thống PCCC phải đảm bảo tiêu chuẩn theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, còn có một số lưu ý về việc thoát hiểm và đảm bảo an toàn.

Cụ thể: Thang bộ thoát nạn phải có buồng đệm cùng với hệ thống thông, hút gió hoạt động tốt; Hệ thống cửa chống cháy ở khu vực cầu thang bộ và thang thoát hiểm, phòng kỹ thuật phải đảm bảo tiêu chuẩn và ngăn được khói khi có sự cố cháy nổ xảy ra; Hành lang các tầng phải đảm bảo thông thoáng, lưu thông gió khi có sự cố xảy ra.

Nguyễn Văn Kim, TP.HCM: hỏi:Tôi là một nhân viên môi giới, sau vụ cháy Carina, dư luận tỏ ra sợ ở chung cư, là đại diện chủ đầu tư, theo ông, các doanh nghiệp bất động sản cần phải làm gì lúc này để khách hàng không quay lưng lại với sản phẩm nhà chung cư?Ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc Cty CP quản lý tòa nhà ECH: trả lời:

Hầu hết trên thị trường hiện nay, các dự án được các chủ đầu tư có uy tín và thương hiệu thường rất chú trọng tới công tác an toàn PCCC và đầu tư hệ thống PCCC tòa nhà đạt tiêu chuẩn cao. Cụ thể như Capital House, các tòa nhà đều có thang máy chữa cháy chuyên biệt để hoạt động trong các hoạt động PCCC khi có hỏa hoạn xảy ra. Đó mới chính là giá trị cốt lõi để các cư dân không quay lưng với nhà chung cư.

Trong bối cảnh như hiện nay, chủ đầu tư cần truyền thông tới cư dân về hệ thống chữa cháy của tòa nhà cũng như các kiến thức về PCCC để cư dân an tâm khi sinh sống tại tòa nhà.

Thực tế, các trường hợp cháy nổ tại chung cư trong thời gian qua, số người thương vong cao chủ yếu do: Cư dân không nắm bắt được các kỹ năng thoát nạn và kỹ năng xử lý các sự cố ngay từ đầu, dẫn tới tình trạng không kiểm soát được; Đội PCCC cơ sở không được thực tập phương án chữa cháy dẫn tới tình trạng hoảng loạn như người dân và không hướng dẫn được người dân phương án thoát nạn. Chính vì vậy cần tập trung tuyên truyền cho cư dân.

Vũ Minh Tường, Nam Từ Liêm, Hà Nội hỏi:Khi mua bảo hiểm cháy nổ thì người dân mua trực tiếp với chủ đầu tư và đính kèm trong khi bàn giao hồ sơ nhận nhà hay khi vào ở rồi muốn mua của đơn vị bán bảo hiểm nào cũng được?Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc CTCP Bảo hiểm Quân đội MICtrả lời:

 

Trường hợp 1 khi chủ đầu tư yêu cầu cư dân phải thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, khi đó đơn vị bảo hiểm phối hợp với chủ đầu tư có sự tuyên truyền đến người dân, có thể cấp trực tiếp với chủ đầu tư hoặc người dân.

Trường hợp 2 là tùy thuộc vào quyết định của chủ đầu tư, chủ đầu tư đứng ra lựa chọn các đơn vị bảo hiểm có năng lực và cho phép tiếp cận với các cư dân để cung cấp dịch vụ. Người dân sẽ mua bảo hiểm trực tiếp của đơn vị này.

Cả 2 hình thức đều được, quan trọng là cả chủ đầu tư và các cư dân đều phải có ý thức mua bảo hiểm cháy nổ, để đề phòng các trường hợp không may xảy ra.

Nguyễn Văn Minh, Đống Đa, Hà Nội hỏi:Các vụ cháy tại chung cư đã xảy ra nhiều lần, và sau mỗi lần thì các đơn vị liên quan đều vào cuộc giải quyết, điều tra... tưởng chừng rất quyết liệt, dư luận cũng “dậy song” hoang mang lo lắng... Thế nhưng, người Việt chắc là mau quên, sau một thời gian mọi chuyện lại đâu vào đó, các vụ cháy vẫn cứ diễn ra. Theo các chuyên gia, bản chất của câu chuyện này là do đâu? Chẳng lẽ chúng ta cứ đợi “mất bò mới lo làm chuồng”?Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc CTCP Bảo hiểm Quân đội MICtrả lời:

Theo tôi, bản chất là liên quan đến hướng dẫn trong công tác phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư, thứ hai là ý thức của người dân, tức là cách đào tạo về phòng cháy chữa cháy quan trọng. Hiện nay, có một thực trạng là, các công cụ thiết bị phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư chỉ mang tính hình thức là chính, khi xảy ra hỏa hoạn tại các công trình này sẽ là quá muộn.

Đại tá, PGS. TS. Ngô Văn Xiêm, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC trả lời:

 

Khi có sự việc xảy ra thì tác động lên tâm lý của cư dân và dư luận rất nhiều. Ví dụ, sau vụ cháy quán Karaoke ở Trần Thái Tông Hà Nội thì rộ lên các thông tin và và tâm lý lo lắng, chính quyền vào cuộc rất ghê gớm, nhưng sau đó lại lãng quên, và sau 1 năm mới đưa ra xử, có 3 người bị xử lý hình sự.

Tôi nghĩ một trong tâm lý của người Việt, đó là tâm lý đám đông, khi có vấn đề đặt ra thì hùa vào, xong rồi quên.

Tuy nhiên, dư luận, trong đó có các cư dân chung cư thì vẫn rất chủ quan với bản chất của các vụ hỏa hoạn.

Ai cũng nghĩ, chắc nhà mình bê tông, bao năm ở có sao đâu, và từ đó ý thức tự giác chấp hành các quy định PCCC bị xao nhãng, và khi xảy ra nhỏ thì không sao, khi xảy ra lớn thì lại rộ lên tâm lý hoang mang.

Không hẳn là "mất bò mới lo làm chuồng", cái chính là ý thức tự đảm bảo an toàn cho mình chưa cao, ỷ lại vào chỗ nay chỗ kia. Phải hiểu rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ hỗ trợ thôi, người thực hiện vẫn là người dân.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia Quản lý Tư vấn Vận Hành Kĩ Thuật Tòa nhà, CBRE Hà Nội: trả lời:

Đây dường như là thực trạng chung của Việt Nam? Ý thức của người dân, ban quản lý tòa nhà, chủ đầu tư.

Cơ quan quản lý Nhà nước xây lên. Để duy trì được ý thức đảm bảo an toàn PCCC phải do BQL Tòa nhà, phải thường xuyên tuyên truyền, huấn luyện đội ngũ trong bộ phận quản lý tòa nhà, tuyên truyền ý thức của người dân sinh sống trong tòa nhà và cư dân các văn phòng làm việc tại tòa nhà đó. Duy trì công tác PCCC là “chuồng của con bò” chứ không phải là đợi đến lúc mất bò mới lo làm chuồng. Tuy nhiên hiệu quả của “cái chuồng” đó vẫn không cao, là do trong quá trình thực hiện có vấn đề của các đơn vị liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị vận hành, chủ đầu tư và người dân.

Tiêu chí của đơn vị quản lý chính là con người, ý thức được vai trò của họ trong BQL là bảo vệ an ninh, an toàn cho cư dân trong tòa nhà, tăng cường được tiện ích cho người dân. Từ đó sẽ nhìn được những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra, gây ảnh hưởng không chỉ bản thân họ mà cộng đồng dân cư sống ở đó.

Trình độ hiểu biết của nhân viên quản lý tòa nhà, hiểu biết về hệ thống thiết kế, nội quy quy định của tòa nhà, và quan trọng phải hiểu sâu được những quy định đó. Khi hiểu được rồi, trong hành động của họ sẽ đảm bảo chuẩn chỉnh hơn, ngăn ngừa được rủi ro có thể xảy ra trong tòa nhà.

Ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc Cty CP quản lý tòa nhà ECH trả lời:

Có lẽ nguyên nhân xuất phát từ tâm lý chủ quan của người dân cũng như trong cuộc sống mọi người quá bận rộn nên chưa quan tâm nhiều tới công tác PCCC. Ngoài ra, công tác truyền thông tại các tòa nhà chưa được thực hiện tốt trong thời gian qua, dẫn tới tình trạng người dân không có thông tin về hệ thống PCCC và các thông tin cảnh báo.

Trần Thanh Phong, TP.HCM hỏi:Có nên đặt biển cảnh báo nguy hiểm về PCCC ở những khu chung cư không để người ta luôn cảnh giác, giống như đi đường nguy hiểm người ta sẽ tự hãm phanh?Đại tá, PGS. TS. Ngô Văn Xiêm, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC trả lời:

Quản lý Nhà nước hiện nay không theo kịp yêu cầu của phát triển các chung cư cao tầng trong các khu đô thị . Tôi làm PCCC từ năm 1971, từ khi Hà Nội chưa có chung cư, đến những năm 80, có toà nhà khách sạn Hà Nội khi đó cao 11 tầng đã là một trong những tòa nhà cao tầng đầu tiên của Hà Nội, đến nay Hà Nội và cả nước có quá nhiều công trình cao tầng, nhà chung cư.

Câu hỏi đặt ra là có cần làm biển cảnh báo không, cái này quản lý Nhà nước đã có quy chuẩn, Chính phủ có Nghị định 79 xác định các chung cư đều là khu vực nguy hiểm với PCCC, nhưng không cần đặt biển bởi ai đã vào những nơi này ở, thì đều hiểu rằng đây là những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao, thiệt hại với người và của là rất lớn, điển hình như vụ Carina mới đây.

Không chỉ riêng công trình cao tầng, như TTTM ở Nga mới đây, có 5 tầng thôi nhưng cháy vẫn thiệt hại quá lớn dù phương tiện, thiết bị của họ quá hiện đại, quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành với người dân. Các điều kiện an toàn hiện đã khá đầy đủ, quy định, tiêu chuẩn, điều 8 nghị định 79 của Chính phủ nói rõ điều kiện an toàn cần phải có của PCCC, nếu người dân chấp hành chuẩn thì rất tốt, họ phải biết cách làm thế nào để cố gắng phòng ngừa không để cháy xảy ra và khi xảy ra phải biết cách làm thế nào.

 

Theo Reatimes.vn