Qua xét nghiệm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn các loại hải sản sống ở tầng đáy miền Trung, còn hải sản sống ở tầng nổi, nuôi đầm thì an toàn.

Kết quả thí nghiệm của Bộ Y tế lấy từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế công bố ngày 20/9 cho thấy, 132/1.040 mẫu hải sản còn nhiễm phenol.

Chúng là hải sản sống tầng đáy miền Trung như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá… trong vòng 13,5 hải lý khu vực 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. 

Các loại hải sản an toàn để ăn gồm cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và hải sản khác sống ở tầng nổi, nuôi đầm

Theo bnews.vn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết quả phân tích trong 3 đợt kiểm tra chất lượng nước biển.

Kết quả cho thấy hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng sắt và xyanua đã giảm đáng kể và nằm trong ngưỡng cho phép.

Riêng về thông số tổng phenol, đến tháng 8/2016, hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực.

Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đều nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Hình ảnh các loại hải sản tầng đáy miền Trung:

 

 

 


 


 


 

 

Theo Thúy Hà / Gia Đình Việt Nam