Vào những ngày đầu năm, đi chùa là một trong những quan niệm phổ biến với nhiều người Việt. Họ đến chùa với mong muốn cầu cho mình và người thân một năm mới bình an, cầu tài, cầu lộc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết những điều cần thiết và tránh kiêng kị khi đến chùa dịp đầu năm. Nhiều người đi chùa thường truyền miệng nhau cần làm gì, cúng bái như thế nào rồi bắt chước theo nhau mà không biết được rằng những việc đó là không cần thiết, thậm chí còn phạm vào giới luật của đạo Phật.

Đầu xuân, hàng nghìn người dân thủ đô đổ về các đền chùa, phủ để cầu may, cầu lộc...

Đầu xuân, hàng nghìn người dân thủ đô đổ về các đền chùa, phủ để cầu may, cầu lộc...

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam bày tỏ: “Đây là vấn đề không mới nhưng thực sự là chưa bao giờ hết nóng cả, nhất là dịp Tết đến xuân về. Một bộ phận bà con ta vẫn còn đi chệch hướng, làm cho văn hóa cầu cúng đi xuống một cách trầm trọng, thua xa các thế hệ ông cha ta ngày trước và cần phải thay đổi càng sớm càng tốt”.

Theo vị chuyên gia đầu ngành về tâm linh Đạo Mẫu tại Việt Nam, văn hóa cầu cúng vốn là một nét đẹp trong nền văn hóa dân gian của nước ta. Bởi người xưa thường quan niệm, mọi việc muốn hanh thông thì đều cần phải có “âm phù dương trợ”. Đầu xuân mới, người người thường đổ xô đi tới các địa điểm tâm linh như Đình, Chùa, Đền, Phủ… để cúng bái và cầu mong bình an, hạnh phúc. Có những người mang trên mình những mâm cao cỗ đầy, đồ lễ xa hoa để dâng lên Thánh thần nhằm mục đích cầu mong các đấng tối linh phù hộ cho mình năm mới phát tài phát lộc.

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam.

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam.

“Quan niệm sắm lễ vật lớn thì cầu mong được phúc lớn là một quan niệm phi tín ngưỡng, phi văn hóa. Các đấng Thần linh chỉ cần lòng thành mà thôi. Chẳng thế mà ngay từ khi còn nhỏ, chính tôi đã được các cụ răn dạy và đã ngấm vào tâm can một câu nói được ví như kim chỉ nam là “Lòng thành thắp một nén nhang”. Thần thánh chỉ cần chứng minh cho lòng thành của người đi lễ chứ không phải cần những của cải vật chất xa hoa kia làm gì cả”, nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh cho hay.

Người đi lễ thả đầy tiền lẻ ở nhiều vị trí trong phủ từ ngoài sân đến các bàn thờ bên trong ở phủ Tây Hồ.

Người đi lễ thả đầy tiền lẻ ở nhiều vị trí trong phủ từ ngoài sân đến các bàn thờ bên trong ở phủ Tây Hồ.

Ở một góc nhìn khác, PGS. TS Lê Quý Đức (viện Văn hóa và Phát triển) chia sẻ: Trong Đạo Phật người ta thường đi lễ để cầu an sinh, lạc lợi và hạnh phúc cho con người và cộng đồng xã hội và mong muốn làm những điều tốt lành. Nếu nói về sự khác nhau giữa việc đi lễ ở Chùa, Đền, Phủ thì vị chuyên gia này cho rằng có mấy đặc điểm như sau:

Dù là những địa điểm tâm linh thờ cúng khác nhau nhưng đều mang chung một đặc điểm là, đều là những điểm mà người dân đến cầu cúng đầu năm rất đông để cầu tài lộc, sức khỏe bình an trong năm mới. Chỉ khác một chút tức là, ở Chùa là nơi thờ Phật thì người ta thương nghiêng về cầu mong sức khỏe bình an là chính. Còn ở các Đền, Phủ như Đền Bà Chúa Kho hay Phủ Tây Hồ chẳng hạn, thì người dân có hơi hướng cầu mong về tiền tài, lộc vượng là chủ yếu…

 PGS. TS Lê Quý Đức (viện Văn hóa và Phát triển).

PGS. TS Lê Quý Đức (viện Văn hóa và Phát triển).

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho biết, trong đời sống dân sinh thì tôn giáo và tín ngưỡng thường không tách biệt nhau. Những mong muốn tốt đẹp về tài lộc cho con người, giúp con người ta được thanh thoát, có sức khỏe và hạnh phúc cũng là một đặc điểm cho thấy tính nhân bản rất con người trong việc thực hành văn hóa thờ cúng.

Đồng tình với ý kiến chia sẻ của GS. Thịnh, PGS. TS Lê Quý Đức cũng nhận định rằng, văn hóa cầu cúng của chúng ta dường như đang bị biến tướng và đi chệch hướng so với tính nhân bản vốn có của nó. Các hình thái lệch chuẩn đó được thể hiện qua vô vàn các hiện tượng mua thần bán thánh, hối lộ thần linh và đặc biệt, việc chính người đi lễ bị gặp phải hiện tượng “chặt chém” đầu năm mỗi khi tới các địa điểm tâm linh nào đó.

Các mâm lễ bày la liệt từ trong phủ ra ngoài sân.

Các mâm lễ bày la liệt từ trong phủ ra ngoài sân.

“Trong bối cảnh xã hội hiện nay thì việc thực hành sao cho đúng các quy tắc trong cầu cúng, cũng như khỏi bị lợi dụng mỗi khi tham gia vào các lễ hội đầu năm thì người dân nên thành tâm thành kính là chính. Không nên quá chú trọng vào lễ vật cao sang làm gì. Cái chính là tâm lý của con người ta cần phải được cảnh tỉnh và giác ngộ để hướng con người tới cõi thiện và tránh xa cái ác”, PGS. TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.

Nhật Tân

Theo Giadinh.net.vn