Theo Văn phòng UBND TP Hà Nội, trong tuần 11 UBND TP đã chỉ đạo triển khai đầu tư 11 dự án hạ ngầm, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng công cộng đồng bộ trên 95 tuyến phố trên địa bàn 7 quận nội thành gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai thông qua ban hành Quyết định số 1139/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án hạ ngầm, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng công cộng đồng bộ trên các tuyến phố trên địa bàn các quận nội thành TP Hà Nội.

95 tuyến phố tại 7 quận nói trên sẽ được hạ ngầm, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng công cộng, với quy mô đầu tư dự kiến gồm: Hạ ngầm đường dây, cáp chiếu sáng bằng cáp ngầm mới; thay thế cột đèn bê tông ly tâm hiện có, bổ sung các cột thép chiếu sáng mới tại những vị trí còn thiếu; tận dụng các chóa đèn hiện có, bổ sung các chóa đèn mới với những vị trí còn thiếu.

Dự án được đầu tư nhằm giúp người dân đi lại vào ban đêm thuận lợi, an toàn, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị, góp phần giữ vững an ninh trật tự, giảm hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư về đêm. Thời gian thực hiện năm 2019 - 2020.

Giao Sở Xây dựng lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đảm bảo chính xác, tiết kiệm, tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước và UBND TP về quản lý đầu tư xây dựng. Lập, trình phê duyệt từng dự án theo tiến độ thi công đảm bảo đồng bộ với việc hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, viễn thông, cáp truyền hình. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án phải liên hệ với các sở, ngành, UBND các quận có dự án triển khai để phối hợp thực hiện thỏa thuận chuyên ngành theo quy định và đảm bảo đồng bộ, tránh trùng lặp khối lượng khi triển khai dự án đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật, phát huy hiệu quả trong đầu tư xây dựng công trình.

Trong tuần 11, UBND TP cũng đã phê duyệt Kế hoạch số 64/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019-2020. Kế hoạch nêu rõ một số nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn: Triển khai 3 hoạt động truyền thông vào dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam, Người khuyết tật thế giới và theo nhu cầu của một số tổ chức của người khuyết tật trên địa bàn;

Khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật, mỗi năm thực hiện khảo sát từ 1.500-2.000 người khuyết tật ở các khu vực và địa bàn dân cư khác nhau; Triển khai 2 hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý. Chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đảm bảo 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu…

UBND TP giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện, đề xuất các biện pháp, giải pháp trợ giúp pháp lý có hiệu quả cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính của TP.

UBND TP chỉ đạo phấn đấu đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp bằng việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

dau tu 11 du an ha ngam chinh trang he thong chieu sang cong cong dong bo tren 95 tuyen pho
95 tuyến phố tại 7 quận sẽ được hạ ngầm đường dây, cáp chiếu sáng bằng cáp ngầm mới (ảnh TL)
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành đơn vị tập trung thực hiện các hoạt động trọng tâm về cải cách tiền lương; phấn đấu đến năm 2021 áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn bộ các cơ quan, đơn vị thuộc TP quản lý; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp của TP và từng bước có sự gia tăng phù hợp với nguồn lực tài chính của TP gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.





Đối với khối các doanh nghiệp, từ năm 2019 đến năm 2020 rà soát, đánh giá địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng đảm bảo phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của cá nhân và gia đình người lao động. Đến năm 202 thực hiện được chính sách nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách TP; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Từ năm 2021, các doanh nghiệp thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động đảm bảo áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025.

Đến năm 2030 thực hiện được chính sách nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách TP; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.

UBND TP đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên địa bàn TP Hà Nội; Yêu cầu công bố lại chính xác số điện thoại Đường dây nóng và duy trì trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin về bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Giám đốc Sở NN&PTNT tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch, phổ biến thông tin, đồng thời công bố lại chính xác số điện thoại Đường dây nóng “024 33800115” thông tin kịp thời đến các sở, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí và người dân.

UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 13-3 chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động TP Hà Nội năm 2019; Phê duyệt các Quyết định, ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội; Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân KH vốn đầu tư công năm 2018….

Quý 1-2019, UBND TP đã ban hành 5 Quyết định công bố 191 thủ tục hành chính bị bãi bỏ, hết hiệu lực thi hành.

Vân Hà

 

Theo phapluatxahoi.vn