Hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp

Tại nhiều hội nghị từ Trung ương tới các địa phương đều chú trọng tới việc nhận diện và đưa ra các giải pháp liên quan đến việc phòng, chống “tín dụng đen” nhưng theo nhiều chuyên gia, để có những giải pháp đúng và chính xác, trước hết cần phải hiểu đúng bản chất của tệ nạn này.

Thượng tá Trần Quốc Trung, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội cho biết, đến nay chưa có định nghĩa chính thức về “tín dụng đen”. Tệ nạn “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi là những việc mà pháp luật không cho phép, không thực hiện đăng ký kinh doanh, hoạt động chui… Các giao dịch tín dụng đen thường không thực hiện việc ký kết hợp đồng vay với các thông tin rõ ràng, cầm cố tài sản nhỏ hoặc thông qua giấy vay nợ viết tay… Theo nhu cầu của xã hội, nhu cầu tiền và việc sử dụng vốn của các cá nhân, tổ chức rất lớn dẫn đến sự ra đời của hình thức cho vay mà nhiều người quen gọi là "tín dụng đen".

Những dòng chữ "cho vay trả góp" như thế này chính là cạm bẫy tín dụng đen

Phân tích dưới góc độ khác, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nên sử dụng cụm từ “cho vay nặng lãi” sẽ sát nghĩa hơn và đỡ gây hiểu lầm với tín dụng ngân hàng. Thực tế, đối tượng cho vay thuộc các tổ chức “tín dụng đen” đa phần liên quan đến các hoạt động phi pháp.

Cuối năm 2018, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, “tín dụng đen” là hành vi cho vay trên cơ sở thỏa thuận dân sự và đằng sau hình thức cho vay này thường là hoạt động tổ chức tội phạm.

Đồng thời, người đứng đầu ngành Công an cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng gần đây, hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp là do một bộ phận người dân, nhất là thanh niên không chịu làm ăn, thích ăn chơi nên khi cần tiền thì bất kỳ lãi suất nào cũng vay. Không những vậy, các chế tài xử lý với đối tượng này lại chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, một số cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, nhóm người đi vay tìm đến “tín dụng đen” là những khách hàng không thể tiếp cận hoặc đã bị ngân hàng từ chối cho vay. Tuy nhiên, chính nhóm đối tượng “phi chuẩn” này lại chiếm tỷ lệ rất cao trong phân khúc khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng. Cụ thể là hơn 60 triệu dân đang sinh sống ở khu vực nông thôn, nơi bị giới hạn về thông tin liên quan đến các hoạt động “tín dụng đen” phi pháp.

Lý do cần hiện đại hóa hoạt động cho vay tiêu dùng

Xuất phát từ sự ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt xã hội của hoạt động “tín dụng đen” nên thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống. Ngành ngân hàng cũng đang tích cực triển khai các giải pháp giúp người dân tiếp cận kênh tín dụng chính thức dễ dàng hơn, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Cụ thể, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng: Agribank, NHCSXH dành lượng vốn cho vay tiêu dùng ở khu vực nông thôn với thủ tục đơn giản, thời gian xử lý hồ sơ nhanh để hạn chế việc người dân tìm đến "tín dụng đen”; Cùng với đó, hệ thống công ty tài chính (CTTC) cũng được nhắc đến nhưng yêu cầu tới đây phải tiếp tục tạo lập hành lang pháp lý, minh bạch để vận hành theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Các công ty công nghệ tài chính chú trọng việc áp dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân

Trước bối cảnh cách mạng 4.0, xu hướng chung các CTTC lựa chọn đó là hiện đại hóa hệ thống bằng cách ứng dụng Big Data, sử dụng các công nghệ Fintech và vận dụng Trí tuệ nhân tuệ (AI) để định vị khách hàng, tinh giản các quy trình, tối ưu hóa hoạt động và giảm thiểu chi phí vận hành ở mức thấp nhất. Vì vậy, cơ quan quản lý cần khuyến khích các công ty công nghệ tài chính áp dụng công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân.

Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, khi số lượng các CTTC cho vay tiêu dùng nhiều hơn, hoạt động bài bản hơn, dịch vụ tốt hơn để cạnh tranh, lãi suất sẽ giảm theo cung - cầu và người tiêu dùng được hưởng lợi., từ đó, sẽ giảm thiểu, ngăn ngừa được hiện tượng cho vay nặng lãi.

Chia sẻ thêm về điều này, theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, chúng ta vẫn có thể tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về cho vay tiêu dùng; về hoạt động của các CTTC đúng với định hướng trước đây là “gánh” bớt hoạt động cho vay tiêu dùng ở các NHTM. Chính vì vậy, ngay cả Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng có thể tính đến việc sửa đổi, bổ sung để vừa bảo vệ được quyền lợi cho khách hàng, vừa đảm bảo an toàn cho các công ty.

Tuy nhiên, những điều này mới là giải pháp từ phía ngành ngân hàng, còn để tín dụng đen không còn "đất sống" cần có sự vào cuộc từ các Bộ, ngành khác như chính quyền, cơ quan an ninh, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền…

Theo Bảo Linh/Đô thị mới