Trái ngược với tình trạng xe điện hoạt động lộn xộn tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp trong đó điển hình là Công ty Phương Hiền đã nhiều năm nay đệ đơn xin thí điểm hoạt động xe điện, nhưng không được cơ quan có thẩm quyền tỉnh đồng ý.

Vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền (cấp dưới) khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Phương Hiền về việc thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, đảm bảo công khai, minh bạch cũng như quyền đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp này nhận được chỉ là việc trả lời lòng vòng của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa. Sự việc kéo dài nhiều năm khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “chết lâm sàng”, đối diện với nguy cơ phá sản.

Đến đây dư luận có lý do để đặt ra nghi vấn, liệu có nhóm lợi ích trong việc cho phép hoạt động của phương tiện không đủ điều kiện nhưng lại khước từ đề nghị chính đáng của doanh nghiệp đủ điều kiện xin thí điểm xe điện (Công ty Phương Hiền)?

Ông chủ xe điện Phương Hiền đứng trước nguy cơ phá sản vì đầu tư xe điện nhưng không được chạy.

Cũng liên quan tới vụ việc nêu trên, cách đây không lâu, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo giải quyết vụ xe điện Phương Hiền.

Tại văn bản này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND tỉnh Thanh Hóa giải quyết dứt điểm quyền kinh doanh của Công ty TNHH Phương Hiền, một doanh nghiệp do nhiều gia đình có công với cách mạng thành lập, hoạt động nhưng cấp ủy, chính quyền, nhất là HĐND, UBND thành phố Sầm Sơn (Thanh hóa) đã không thực hiện.

"Trong khi cản trở Công ty Phương Hiền thì theo thông tin dư luận, lãnh đạo thành phố Sầm Sơn lại để cho người khác ngang nhiên kinh doanh trái phép từ việc cho lưu hành xe điện không đăng kiểm đến hàng trăm xe đeo biển giả chở khách; ra văn bản trái luật vùi dập Công ty Phương Hiền...

Tôi đã hai lần đề nghị thanh tra, xử lý, đồng thời tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị thanh tra và đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hứa sẽ tiến hành thanh tra, nhưng đến nay tôi chưa hề nhận được thông tin nào về việc đó, còn doanh nghiệp càng mòn mỏi chờ đợi càng thêm khó khăn.

Điều đáng tiếc là cán bộ công chức tỉnh Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn không có thái độ cầu thị theo phản ánh của cử tri, thậm chí trong các cuộc họp, tiếp xúc xử lý vụ việc trên có cán bộ đã phát biểu trước báo chí với lời lẽ thiếu khiêm tốn, thể hiện sự bất cần, nói dối hành xử bất công, coi thường cấp Trung ương, đại biểu Quốc hội, nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại không bị xem xét, xử lý trách nhiệm kể cả khi ra nhiều văn bản trái pháp luật và đạo lý.

Về việc này, ngày 27/8/2019, tôi đã có văn bản kính chuyển UBKT Trung ương và đồng chí Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình...”.

Vị Phó Ban dân nguyện Quốc hội cũng lấy làm tiếc vì có một số vụ việc, trong đó có vụ xe điện Phương Hiền "đắp chiếu" sau nhiều năm nhập về mặc dù đã được Thủ tướng, các Phó thủ tướng chỉ đạo nhưng vẫn không được Bộ, ngành, địa phương quan tâm giải quyết, hoặc tìm cách đưa vào thế lòng vòng, né tránh hoặc cố tình im lặng gây bức xúc cho cử tri và nhân dân, doanh nghiệp.

"Một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bị nhóm lợi ích tìm cách trì hoãn gây khó khăn. Nếu tiếp tục tồn tại tình trạng như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, kỷ cương, phép nước bị xem thường; tình trạng "trên bảo dưới không nghe", "phép vua thua lệ làng"; vô hiệu hóa quyền lực của Trung ương, thiếu nghiêm túc trong thực hiện chủ đạo của Thủ tướng, giảm sút hiệu quả giám sát của cơ quan quyền lực và đại biểu Quốc hội, từ đó làm giảm sút lòng tin của cử tri và nhân dân", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Vị Phó ban Dân nguyện Quốc hội cũng đề nghị Thủ tướng giải quyết dứt điểm các vụ việc, trong đó có vụ xe điện Phương Hiền một cách quyết liệt, triệt để:

"Vì sự tâm huyết với đất nước, ủng hộ việc thực hiện kỷ cương phép nước, triết lý hành động mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp chế và vì lợi ích của Nhà nước và Doanh nghiệp, người dân, tôi kính đề nghị đồng chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết khẩn trương, quyết liệt, dứt điểm các vụ việc nêu trên, đồng thời trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu địa phương, ban, ngành cố tình hoặc thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc, gây hậu quả xấu trong thi hành pháp luật và làm chậm nhịp phát triển của đất nước, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp".

Đại biểu vạch rõ 5 dấu hiệu vi phạm của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa trong vụ xe điện Phương Hiền

Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội thẳng thẳng thắn chỉ rõ 5 dấu hiệu vi phạm của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương trong vụ xe điện Phương Hiền.

Vị Đại biểu nói rõ: “Thứ nhất: Cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa thực hiện không nghiêm túc chủ trương của Chính phủ về thí điểm sử dụng xe điện tại một số địa phương, trong đó có Thanh Hoá: Quá trình thực hiện chủ trương này, địa phương đã đối xử không công bằng giữa các doanh nghiệp; cho phép xe của doanh nghiệp này hoạt động trong khi họ không đủ điều kiện và ngăn cản doanh nghiệp khác (Công ty Phương Hiền).

Điều này tạo ra sự bất bình đẳng theo kiểu lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạo cơ chế “xin - cho”. Nếu là thí điểm thì ai đủ điều kiện thì cho họ làm, chứ không phải anh đánh giá người này người kia theo cảm tính mà không nhìn thực tế việc của họ sẽ làm và làm như thế nào?

Thứ 2: Cơ quan có thẩm quyền đã báo cáo thiếu trung thực về năng lực pháp lý, hồ sơ đề án, thủ tục tham gia thí điểm xe điện của Công ty Phương Hiền: Sau khi có chủ trương Công ty Phương Hiền đã làm đề án xin thí điểm sử dụng xe điện và đã được cấp phép nhập hàng loạt xe. Nhưng, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hoá và thành phố Sầm Sơn đã báo cáo sai sự thật rằng, doanh nghiệp này chỉ nhập có hai xe điện, thậm chí nói doanh nghiệp không kinh doanh mà chỉ xin cấp phép để bán “lốt” ăn tiền ?.

Tôi đã phải vào tận nơi xác minh, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy tờ có liên quan thì thấy rằng, doanh nghiệp này đã mua rất nhiều xe nhưng địa phương không cho họ nộp thuế để đưa vào sử dụng. Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng thông tin sai sự thật.

Thứ 3: Có dấu hiệu gây cản trở doanh nghiệp Phương Hiền trong quá trình tiến hành thủ tục cho phép thí điểm kinh doanh xe điện: Theo đó, nhiều lần, UBND tỉnh Thanh Hóa không chấp nhận đề án của Công ty Phương Hiền trong việc đưa xe điện vào hoạt động thí điểm, nhưng chỉ đưa ra lý do chung chung là đề án còn sơ sài, không chỉ rõ điểm nào là không phù hợp; trong khi không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Nếu đưa lý do là vậy, thì tôi xin hỏi, có cái mẫu chung nào quy định đề án phải như thế này, thế nọ không? Có hướng dẫn họ làm đề án chưa? Trong khi đó, tại sao đơn vị không có đề án thì anh cho người ta kinh doanh, còn những người có đề án, tôi cứ cho là còn sơ sài theo cách nói của cơ quan có thẩm quyền Thanh Hóa, lại không được kinh doanh? Vậy đó là cái gì nếu không phải là cửa quyền?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp về "Chính phủ kiến tạo”, “phục vụ", điều này đồng nghĩa với việc cơ quan có thẩm quyền địa phương phải có trách nhiệm với nhân dân, doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng họ phát triển. Với cách làm của cơ quan thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa trong vụ việc vừa qua, liệu họ đã xứng đáng với chính quyền “kiến tạo”, “phục vụ” hay chưa?

Thứ 4: Không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, do Phó Thủ tướng trực tiếp ký văn bản: Khi sự việc của Công ty Phương Hiền được các Đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó tôi gửi chất vấn và người đứng đầu chính phủ đã giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp ban hành văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc. Nhưng nhiều lần, UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn quanh co, tìm mọi lý do trì hoãn việc thực hiện chỉ đạo có tính mệnh lệnh này.

Trung ương đã chỉ đạo rồi, bây giờ tỉnh lại xin ý kiến Trung ương thì vụ việc cứ lòng vòng qua lại, chưa được giải quyết triệt để, nhằm “hoãn binh”. Như vậy có nghĩa rằng, công tác quản lý nhà nước của chúng ta trong vụ việc này đang tạo ra thế “mê hồn trận”.

Thứ 5: Tỉnh Thanh Hóa không những không quyết liệt, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo UBND TP. Sầm Sơn thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mà còn ban hành các văn bản áp dụng sai chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cấp uỷ, chính quyền TP. Sầm Sơn ban hành văn bản hợp thức hoá việc ngăn cấm, cản trở hoạt động thí điểm kinh doanh xe điện của Công ty Phương Hiền, đẩy doanh nghiệp này lâm vào tình trạng phá sản.

Rõ ràng ở đây có dấu hiệu lợi ích nhóm, sự đối xử bất công bằng giữa các doanh nghiệp. Tỉnh nói với tôi rằng, vì một số doanh nghiệp gây sức ép bằng cách này cách nọ nên họ phải chấp nhận cho xe hoạt động, vậy thì tại sao doanh nghiệp Phương Hiền với nhiều lao động là thương binh... lại bị đối xử như vậy?. Tôi cho rằng đó chẳng qua chỉ là lý do không thuyết phục, bao biện", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Vị Phó Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết thêm, với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, ông sẽ theo đuổi đến cùng vụ việc Công ty Phương Hiền cho đến khi trách nhiệm kỷ luật của lãnh đạo các cơ quan có liên quan thuộc tỉnh Thanh Hóa được đưa ra phán xét theo quy định của pháp luật.

“Tôi cho rằng, trong vụ việc này, cần xem xét trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cá nhân người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa và TP. Sầm Sơn. Ngoài trách nhiệm này, còn phải xem xét trách nhiệm của cơ quan giám sát, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong quản lý nhà nước, giúp Thủ tướng quản lý ngành và triển khai thực hiện thí điểm xe điện. Liệu trước sự việc này, họ đã có ý kiến gì hay chưa, đã làm đúng và hết trách nhiệm hay chưa? Hay họ cứ để sự việc trôi đi, để doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản?

Chúng ta hết sức lưu ý, Đảng có Nghị quyết TW 5 coi doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, Quốc hội có Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Chính phủ, Luật doanh nghiệp, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật du lịch… Vậy địa phương, Bộ, ngành phải làm hết trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân.

Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, tôi sẽ theo đuổi vụ việc này đến cùng, bởi nếu tôi chỉ giám sát nửa vời thì cử tri và Nhân dân sẽ không đồng tình. Mình phải làm theo đúng lương tâm và trách nhiệm", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng quả quyết.

Bài tiếp: Hàng trăm xe điện 4 bánh chưa được đăng ký, đăng kiểm vẫn ngang nhiên lộng hành

Theo Quốc Toản/Đô Thị Mới